Căng thẳng tỷ giá có “bàn tay” của vàng?

Ngân hàng Nhà nước sắp ban hành văn bản quản lý thị trường vàng, theo hướng hạn chế tối đa huy động và cho vay vàng, nhằm tránh rủi ro tín dụng và sự căng thẳng tỷ giá.

Ngân hàng Nhà nước sắp ban hành văn bản quản lý thị trường vàng, theo hướng hạn chế tối đa huy động và cho vay vàng, nhằm tránh rủi ro tín dụng và sự căng thẳng tỷ giá.

Nhưng theo các chuyên gia, làm thế nào để huy động được lực lượng vàng, ngoại tệ trong dân để tham gia bình ổn thị trường, mới là căn cơ.

Vì sao “găm” vàng?

Nhìn lại thị trường vàng và tỷ giá từ tháng 8 đến nay, qua từng giai đoạn, có thể thấy vàng có sự liên thông chặt chẽ đến tỷ giá.

Cụ thể, mốc thứ nhất: từ tháng 8 đến 24/9, sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá ngày 19/8, tỷ giá ổn định quanh giá trần nhờ nguồn cung ngoại tệ từ xuất khẩu vàng trang sức với mức tương đương 1,2 tỷ USD trong tháng 8 và 9/2010. Điều này là hợp lý vì khi cung cầu ngoại tệ (không tính yếu tố vàng) ổn định, tỷ giá chịu ảnh hưởng lớn từ xuất - nhập khẩu vàng.

Tiếp theo là từ 27/9 đến 7/10: khi giá vàng trong nước (quy đổi) cao hơn giá thế giới, thị trường ngoại tệ bắt đầu bất ổn, thanh khoản giảm, khối lượng giao dịch chỉ vài chục triệu USD/ngày, tỷ giá trong và ngoài hệ thống tăng do nhu cầu thanh toán và nhập khẩu vàng.

Cụ thể, tỷ giá liên ngân hàng ngày 7/10 đạt đỉnh 19.860 đồng/USD (tăng 360 đồng/USD trong vòng 2 tuần) và tỷ giá tự do là 19.930 đồng/USD. Song song, giá vàng trong nước lúc đó là 33,3 triệu đồng/lượng và giá vàng thế giới vọt lên 1.360 USD/ ounce.

Trước tình hình này, ngày 7/10, Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng với số lượng khoảng 3 tấn. Động thái này làm cho giá vàng giảm nhiệt. Ngay trong cùng phiên đêm 7/10 của thế giới, tức ngày 8/10 (theo giờ Việt Nam), giá vàng trong nước giảm 1 triệu đồng/lượng so với ngày hôm trước, lập tức, giá USD tự do cũng giảm theo.

Cụ thể, trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá giảm khoảng 50 điểm về mức 19.800 với tâm lý bán ra để hiện thực hóa lợi nhuận nhưng lực bán chưa mạnh mẽ vì quy mô nhập khẩu vàng chỉ 100 triệu USD, tương đương 3 tấn vàng như nói trên.

Thông thường khi nói đến tỷ giá, mối liên hệ đầu tiên là cán cân thanh toán tổng thể, trong đó là quan hệ của cán cân vốn, cán cân vãng lai, mà ở Việt Nam, “kẻ tội đồ” gây căng thẳng tỷ giá lâu nay vẫn là nhập siêu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, những nhà làm chính sách đã nhìn thấy một nhân tố khác, chính là giá vàng đang ẩn sau hoạt động kinh doanh của không ít ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Không giấu diếm bức xúc, một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho biết, gần đây, nhiều ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng đã và đang "găm" vàng nhằm đạt hai mục đích.

Một là, khi giá vàng trong nước giảm, họ muốn giữ giá cao để cân đối lợi nhuận với số lượng vàng đã nhập trước đó khi giá đạt đỉnh 1.360 USD/ounce, bằng cách hạn chế bán ra, tạo nên cơn sốt vàng.

Hai là, khi giá vàng sốt, nhu cầu nhập vàng lậu sẽ trỗi dậy và xuất hiện lực lượng đi "vét" USD trên thị trường tự do. Từ đó, đẩy áp lực tỷ giá lên cao và buộc Ngân hàng Nhà nước phải nới rộng giá trị VND với USD.

Và nhờ đó, ngân hàng thương mại sẽ mua được giá USD tương đương thị trường mà không phải tìm cách này, cách khác để lách quy định không được vượt trần của Ngân hàng Nhà nước.

Căng thẳng tỷ giá có “bàn tay” của vàng?, Tài chính - Bất động sản, vang, giá vàng, tỷ giá ngoại tệ, usd, giá usd, ngân hàng, vay tín dụng, nhập siêu, kinh tế

Làm thế nào để huy động được lực lượng vàng, ngoại tệ trong dân để tham gia bình ổn thị trường, mới là căn cơ.

Giải quyết từ gốc

Theo ông Phí Đăng Minh, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), trước sự lộn xộn này, sự ra tay như nói trên của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết nhằm tránh rủi ro tín dụng và căng thẳng tỷ giá. Cụ thể, khi các ngân hàng thương mại bị hạn chế huy động và cho vay vàng, kết hợp với việc không cho phép hoặc hạn chế các ngân hàng chuyển đổi 30% giá trị vàng ra tiền đồng để kinh doanh như trước đó, sẽ làm giảm cầu về vàng. Lúc đó, giá vàng sẽ ổn định trở lại và gián tiếp giảm căng thẳng đối với tỷ giá.

Một chuyên gia tài chính khác, mặc dù cũng đồng thuận với hành động nói trên của Ngân hàng Nhà nước, nhưng ông này cho rằng, giải quyết mối quan hệ giữa vàng và tỷ giá không chỉ đơn thuần có vậy mà đầu tiên, phải xuất phát từ quan niệm về vàng của những người làm chính sách.

Mặc dù nền kinh tế Mỹ lớn nhất thế giới và đồng tiền của họ (USD) ngự trị toàn cầu nhưng trong cơ cấu dự trữ ngoại hối Mỹ, số lượng vàng lên tới 8.000 tấn! Những ngày này, khi đồng USD đang mất giá trên toàn thế giới, rất nhiều nước lo đồng tiền của mình tăng giá với USD. Nhưng nước Mỹ có lo không? Chưa hẳn đã lo, vì khi vàng càng tăng giá và USD giảm giá thì giá trị thâm hụt ngân sách, nợ nước ngoài của Mỹ có thể sẽ giảm đi, trong khi tài sản dự trữ quốc gia lại tăng do giá vàng tăng, chuyên gia này bình luận.

Tỷ trọng vàng trong quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện tại là bao nhiêu thì chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới biết. Hiện nay, quyền năng thay đổi cơ cấu dự trữ ngoại hối không phải do Ngân hàng Nhà nước quyết định mà phải là các cấp có thẩm quyền cao hơn. Nếu Ngân hàng Nhà nước tự mình quyết định tăng tỷ trọng vàng trong quỹ dự trữ ngoại hối, trong trường hợp giá vàng sụt giảm, trách nhiệm gánh chịu hậu quả sẽ rất nặng nề nên dù có muốn cũng đành chịu.

Thứ hai là cơ chế dự trữ ngoại hối. Theo vị chuyên gia nói trên, hiện chỉ có Việt Nam và Trung Quốc duy trì dự trữ ngoại hối tập trung, trong khi nhiều nước khác thực hiện dự trữ ngoại hối phân tán. Với cách dự trữ tập trung, nếu biến động tỷ giá xảy ra, quỹ dự trữ ngoại hối sẽ bị tổn thương tỷ giá nặng nề. Bởi thế, nhiều quốc gia, chẳng hạn như Nhật Bản, dự trữ trong dân rất được coi trọng, với số lượng lớn gấp 3 lần dự trữ ngoại tệ nhà nước.

Một điều an ủi của Việt Nam và cũng là sự "thèm khát" của nhiều quốc gia trong khu vực, chính là tiềm lực ngoại tệ và vàng trong dân. Một chuyên gia trước đây công tác ở Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2001, ông đã từng thống kê con số ngoại tệ trong dân khoảng 6 tỷ USD. Từ đó đến nay, dòng vốn kiều hối, đầu tư nước ngoài liên tục đổ vào và con số này chắc chắn không dừng ở đó.

Ông cho biết thêm, lượng dự trữ vàng trong dân hiện nay ước khoảng 11 tỷ USD quy đổi. Để có được con số này, do vị trí công việc của mình, ông đã yêu cầu các doanh nghiệp được phép nhập khẩu vàng công bố số liệu nhập khẩu, xuất khẩu, dự đoán thẩm lậu, tồn kho để lần ra con số nói trên.

Và theo ông, giá như Ngân hàng Nhà nước làm thế nào để lực lượng ngoại tệ và vàng này tham gia vào thị trường thì có lẽ, áp lực căng thẳng tỷ giá sẽ giảm đi trông thấy...

24H

Đọc thêm