Để giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh liên quan đến sử dụng các sản phẩm thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng xây dựng Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá, liên quan đến nhiều lĩnh vực, như: sản xuất, buôn bán và tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá. Việt Nam là nước thứ 47 phê chuẩn Công ước này. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 1315/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá.
|
Trước đó, từ tháng 3-2008, Bộ Y tế công bố 5 hình ảnh cảnh báo phải in trên vỏ bao thuốc lá áp dụng cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia sản xuất, kinh doanh thuốc lá tại nước ta. Diện tích hình ảnh cảnh báo về sức khỏe phải chiếm tối thiểu 30% bề mặt trước và sau trên mỗi bao bì của thuốc lá, được in bằng màu sắc tương phản với mầu bao bì sản phẩm thuốc lá, bảo đảm dễ nhìn, dễ đọc, có viền đen chung quanh cảnh báo về sức khỏe. Mỗi mẫu cảnh báo về sức khỏe được sử dụng luân phiên 2 năm một lần trên bao bì sản phẩm.
Theo kế hoạch, sau khi công bố hình ảnh 2 năm, Bộ Y tế sẽ quy định thời điểm cụ thể để áp dụng bắt buộc lời cảnh báo về sức khỏe bằng chữ và hình ảnh. Song, đến nay hơn hai năm, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc lá ở trong nước vẫn rất thờ ơ với việc cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá. Tại các cửa hàng hoặc đại lý bán thuốc lá ở đầu phố Trần Phú, Phan Bội Châu, Lãn Ông…một số hãng thuốc lá đều trang bị cho các đại lý tủ kính trưng bày, ô che, có lô gô, nhãn hiệu thuốc lá được in bắt mắt. Nhưng không thấy các đại lý bán thuốc lá có bất kỳ tấm ảnh, dòng chữ nào cảnh báo về tác hại của thuốc lá. Còn trên vỏ bao thuốc lá của các doanh nghiệp sản xuất trong nước đang lưu thông rộng rãi trên thị trường vẫn chỉ có dòng chữ “Hút thuốc có thể gây ung thư phổi” hay “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe”, được in ở cạnh vở bao thuốc hoặc ở mặt trước vỏ bao với diện tích không đáng kể. Xem ra những dòng chữ cảnh báo này không mấy tác dụng với nhiều người. Trên thực tế, tác hại của thuốc lá không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người trực tiếp hút mà còn tác động xấu tới những người chung quanh hít phải khói thuốc một cách thụ động. nhất là với thai nhi và trẻ nhỏ.
Hầu hết, ai cũng biết rằng thuốc lá có hại, song ít người, hiểu rõ được tác hại cụ thể do hút thuốc lá gây ra nếu như trên vỏ bao thuốc lá chỉ có những cảnh báo bằng chữ viết. Do đó, thông tin trên vỏ bao thuốc chưa mô tả đầy đủ tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe con người, cần phải có nhiều hình ảnh hơn và in luân phiên các hình ảnh cảnh báo thì mọi người, mọi trình độ văn hóa khác nhau sẽ hình dung được rõ nhất những tác hại nguy hiểm của thuốc lá. Ngày thế giới không hút thuốc lá (31-5) là dịp để đẩy mạnh việc tuyên truyền. Song, đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá cần phải nghiêm túc thực hiện việc in những hình ảnh về tác hại của thuốc lá trên vỏ bao. Điều này có tác dụng tuyên truyền mạnh mẽ, khiến nhiều người biết “sợ” hơn, từ bỏ thói quen hút thuốc lá. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm về quảng cáo, dán nhãn sản phẩm, cũng như việc hút thuốc lá nơi công cộng./.
Hoàng Minh
Quy định việc dán tem, đóng gói và ghi nhãn mác của các sản phẩm thuốc lá: các sản phẩm thuốc lá lưu thông, kinh doanh trên thị trường trong nước phải dán tem, đóng gói, ghi nhãn bao bì sản phẩm và in nội dung cảnh báo về tác hại của việc sử dụng thuốc lá theo quy định của pháp luật và phù hợp với quy định của Công ước Khung. Thực hiện in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe. (Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 21-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá) |