Cảnh báo tình trạng rối loạn do thiếu I-ốt quay trở lại

I-ốt được xem là sức mạnh của bộ não, được đưa vào cơ thể hàng ngày cùng với muối (gọi là muối I-ốt). Muối I-ốt cần cho trí thông minh và sức khỏe con người. Từ năm 2005, Lâm Đồng đã cơ bản thanh toán được các rối loạn do thiếu I-ốt.

I-ốt được xem là sức mạnh của bộ não, được đưa vào cơ thể hàng ngày cùng với muối (gọi là muối I-ốt). Muối I-ốt cần cho trí thông minh và sức khỏe con người. Từ năm 2005, Lâm Đồng đã cơ bản thanh toán được các rối loạn do thiếu I-ốt. Tuy nhiên, đến nay, qua điều tra, khảo sát, các nhà chuyên môn đưa ra cảnh báo về tình trạng thiếu I-ốt có nguy cơ quay trở lại.

Dùng muối I-ốt để loại trừ các rối loạn do thiếu I-ốt gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Khi bị thiếu I-ốt, chỉ số thông minh của quần thể dân cư bị giảm 10- 15 điểm, trẻ em bị chậm phát triển trí tuệ và giảm sút khả năng học tập, hoạt động thể lực. Thiếu i-ốt nặng, trẻ em có thể bị các tổn thương não không hồi phục (chứng đần độn, chậm phát triển trí tuệ, điếc, câm…). Bà mẹ mang thai thiếu i-ốt có thể bị sẩy thai, đẻ non, thai chết lưu hoặc sinh ra trẻ mang các dị tật bẩm sinh. Người lớn sẽ bị bướu cổ, suy chức năng tuyến giáp, giảm khả năng lao động, học tập.

Mỗi năm người dân trong tỉnh sử dụng 5.000 tấn muối I-ốt. Tỉ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt 95%. Phân tích về mặt chuyên môn, độ duy trì các chỉ số về tỉ lệ hộ dân dùng muối I-ốt, mức I-ốt niệu trung vị, tỉ lệ trẻ em 8-10 tuổi bị bướu giáp đơn thuần đều chưa ổn định. BS Nguyễn Văn Chính - Trưởng khoa nội tiết và dinh dưỡng của Trung tâm y tế Dự phòng Lâm Đồng cho biết: Tình trạng bướu cổ độ II ở trẻ em bắt đầu xuất hiện, điều này phản ánh càng thiếu nhiều I-ốt, thì xuất hiện bướu cổ độ II càng nhiều, mặc dù chưa xuất hiện bướu nhân, nhưng nguy cơ vài năm tới sẽ có nếu không can thiệp kịp thời. Nhận định này từ đợt khám điều tra tỷ lệ bướu cổ ở lứa tuổi học sinh từ 8-10 tuổi năm 2010, với 3.000 học sinh thuộc 30 trường học ở 30 xã, phường trong tỉnh được chọn khám điều tra bướu cổ, kết quả có 146 học sinh bướu cổ. Tỉ lệ trẻ em 8-10 tuổi bị bướu giáp đơn thuần giảm dưới 5% là đã đạt được mục tiêu yêu cầu của chương trình quốc gia đề ra. Tuy nhiên, so với 9 tháng của năm 2009 (có 4,2% tỉ lệ trẻ em bị bướu cổ) thì năm nay tình hình trẻ bệnh bướu cổ có xu hướng tăng lên (4,87%). Số học sinh mắc bướu cổ ở từng vùng khác nhau rõ rệt, tỉ lệ thấp (3%) ở trẻ em các trường tiểu học Đà Lạt (3%), tỉ lệ cao (7%) như trường tiểu học Đạ Tông (Đam Rông) và trường tiểu học Nguyễn Khuyến ở Bảo Lộc. Tỉ lệ trẻ em mắc bướu cổ độ I chiếm 96,6% và độ II chiếm 3,42%. Trong đợt khám, điều tra thường quy tại hộ gia đình, tập trung vào đối tượng phụ nữ độ tuổi sinh đẻ (18-49 tuổi) cho thấy chỉ số I-ốt niệu trung vị có giảm đáng kể. Mức I-ốt niệu trung vị để đánh giá tình hình lượng I-ốt vào cơ thể mỗi người, mức lý tưởng phải đạt trên 10Mcg/dl. Hiện mức I-ốt niệu trung vị chỉ đạt 8,11 Mcg/dl, thấp hơn năm 2009 (12 Mcg/dl) mặc dù chỉ số này Lâm Đồng cao hơn so với khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, nhưng chưa đạt mục tiêu chương trình. Điều này phản ánh người dân trong cộng đồng sử dụng muối I-ốt chưa đảm bảo đủ I-ốt để phòng bệnh, tình hình này xuất hiện không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số mà có cả ở vùng thành phố, thị trấn. Nguyên nhân do người dân ngại sử dụng muối I-ốt và do hiểu biết chưa đầy đủ, nên không dùng muối I-ốt hàng ngày mà thay thế bằng nước mắm, bột canh… những sản phẩm thay thế muối I-ốt vẫn chưa đủ bù đắp lượng I-ốt trong cơ thể.
Dựa trên số liệu từ các bệnh viện tỉnh và Trung tâm y tế các huyện, tỉ lệ bệnh nhân bị bệnh Basedow cao báo hiệu tình trạng rối loạn do thiếu I-ốt quay trở lại. Con số này tăng hơn dự báo của chương trình, với 1.134 ca Basedow trong 9 tháng qua (so với cùng kỳ 2009 là 873 ca). Số bệnh nhân mắc bướu giáp đơn thuần qua thống kê tại 2 bệnh viện đa khoa tỉnh có 1.090 người. Do phòng khám bướu cổ thuộc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh ngưng hoạt động từ tháng 3/2010, nên số bệnh nhân mắc bướu cổ chưa phản ánh đúng thực chất trong cộng đồng, vì trong 9 tháng năm 2009 đã có 2.843 bệnh nhân mắc bướu giáp đơn thuần được khám và cấp thuốc điều trị miễn phí.

Sau 5 năm thanh toán được các rối loạn do thiếu I-ốt gây ra, Lâm Đồng đã cắt giảm mạnh nguồn lực đầu tư cho chương trình này (kinh phí chương trình phòng chống các rối loạn do thiếu I-ốt gộp chung với dự án phòng chống suy dinh dưỡng), nhất là hoạt động truyền thông vận động toàn dân dùng muối I-ốt hàng ngày để cộng đồng hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng muối I-ốt đã bị cắt giảm kinh phí đến con số không. Bên cạnh đó, các phương tiện cận lâm sàng giúp chẩn đoán, điều trị bướu cổ còn thiếu, phòng khám bướu cổ tạm ngưng hoạt động vì không có cơ sở vật chất. Chương trình thiếu thuốc bướu cổ để cấp miễn phí cho bệnh nhân nghèo thuộc các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Năm 2010, chương trình này không được cấp kinh phí để mua thuốc bướu cổ, chỉ còn thuốc dự trữ 30.000 viên từ năm 2009 chuyển sang, BS Chính cho biết: “Chương trình cần khoảng 50-70 triệu đồng để mua thuốc bướu cổ cho năm nay vì làm công tác y tế dự phòng không thể để thiếu thuốc”. Nếu không quan tâm đúng mức về đầu tư nguồn lực cho các hoạt động chuyên môn và đẩy mạnh truyền thông thì vài năm tới tình trạng nhiều bệnh nhân mắc các rối loạn do thiếu I-ốt sẽ xảy ra, đặc biệt gia tăng tỉ lệ bướu cổ ở trẻ em ở các thể nặng.
Diệu Hiền

Đọc thêm