Cảnh báo tỷ lệ ly hôn tăng cao ở gia đình trẻ

Yêu sớm, kết hôn vội rồi nhanh chóng chia tay đang là tình  trạng đáng buồn của hôn nhân thời hiện đại. Nạn nhân chịu thiệt thòi nhất trong cuộc chia tay là những đứa trẻ…

Yêu sớm, kết hôn vội rồi nhanh chóng chia tay đang là tình  trạng đáng buồn của hôn nhân thời hiện đại. Nạn nhân chịu thiệt thòi nhất trong cuộc chia tay là những đứa trẻ…

Tỷ lệ ly hôn tăng nhanh
Người thân, bạn bè bất ngờ khi biết Bùi Hoàng H và Đỗ Ngọc Q, ở phường Đông Hải 1 (quận Hải An) ra tòa ly hôn sau đám cưới rình rang tại một khách sạn lớn cách đây chưa đầy 2 năm. Họ kịp có với nhau một con gái xinh xắn và ngôi nhà đầy đủ tiện nghi ở trung tâm quận. Nhưng, chẳng có gì níu kéo được họ…Bà hàng xóm của hai vợ chồng H, Q chép miệng: “Những ngày đầu mới cưới, hai đứa quấn nhau lắm, đi đâu cũng ríu rít có nhau. Từ khi có con, bắt đầu xảy ra cãi cọ. Thằng Q chán nản bỏ đi tối ngày, tội nghiệp con bé suốt ngày loay hoay với con thơ. Thế rồi đùng một cái, chúng ra tòa. Bọn trẻ bây giờ yêu gấp, cưới gấp rồi chia tay gấp. Đường ai nấy đi nhẹ như bấc…”. Đều là con một, đôi vợ chồng trẻ ở độ tuổi 8X này chỉ nghĩ đến cái tôi. Vốn được nuông chiều, thích gì được nấy, khi bước vào cuộc sống hôn nhân bị ràng buộc trách nhiệm với gia đình, chăm sóc con cái, giữa H và Q nảy sinh mâu thuẫn. Vừa thiếu kinh nghiệm, vừa thiếu sức bền chịu đựng mâu thuẫn lại không biết cách giải quyết xung đột phát sinh từ đời sống hôn nhân và cuối cùng dẫn tới kết cục tan vỡ. Theo nhiều thẩm phán xét xử các vụ án ly hôn, các cặp vợ chồng trẻ viện ra đủ lý do lẫn nguyên nhân không thể tiếp tục chung sống với nhau được. Có những lý do khiến họ chia tay hết sức trẻ con như chồng quên tặng quà sinh nhật, không chờ chồng cùng về ăn cơm, không đưa vợ đi chơi thường xuyên như khi yêu nhau…Ngoài thiếu thực tế thì sự hiếu thắng, sĩ diện, kèm cái tôi “quá to” ở những cặp vợ chồng trẻ luôn là tác nhân gây sóng gió và nó có thể nhấn chìm con thuyền hạnh phúc bất cứ lúc nào.
Hầu như TAND quận, huyện nào cũng bận rộn, đau đầu vì các vụ án ly hôn chiếm khoảng 50% trong các án về dân sự. Quận Đồ Sơn là một ví dụ. Từ tháng 12-2009 đến tháng 5-2010, trong số 41 vụ án dân sự Tòa án nhân dân quận thụ lý có đến 32 vụ liên quan đến hôn nhân gia đình.

Hiện nay, giới trẻ yêu nhau sớm khiến tỷ lệ ly hôn tăng cao
                                                                           (Ảnh mang tính chất minh họa).          

Thiếu kiến thức làm vợ, làm chồng
Sở dĩ các cặp vợ chồng trẻ chọn giải pháp chia tay nhanh sau khi kết hôn là do họ chưa được trang bị kỹ năng sống chung lẫn kiến thức làm vợ, làm chồng. Khi sống chung dưới một mái nhà, “sóng ngầm” từ sự khác biệt về môi trường sống, lối sống, cách giáo dục, sở trường, cá tính, thói quen…sẽ nảy sinh và dễ có nguy cơ mạnh dần thành bão tố. Nếu không được trang bị cơ bản kỹ năng sống để chia sẻ, nhường nhịn, điều chỉnh những khác biệt để thích ứng với nhau thì tan vỡ là điều khó tránh . Sau những giây phút lãng mạn, ngây ngất men say tình yêu, nhiều cặp vợ chồng trẻ cảm thấy thất vọng, nhàm chán vì phải đối mặt với sự thật-con người thật của nhau. Chẳng những bị “sốc”, nhiều đôi vợ chồng trẻ không có đủ sức bền chịu đựng để vượt qua thác ghềnh xung đột nên đòi chia tay nhau sau vài tháng “góp gạo thổi cơm chung”. Ở các nước trên thế giới, việc trang bị kiến thức tiền hôn nhân rất được coi trọng, còn ở nước ta, số thanh niên chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân, chưa chủ động và quan tâm đến vấn đề này nhiều. Đoàn thanh niên, Hội LHPN thành phố xây dựng CLB tiền hôn nhân, phụ nữ trẻ. Nhiều bạn trẻ thừa nhận được tiếp thu những kiến thức bổ ích từ những lớp học này nhưng có một thực tế là lớp học chưa thu hút đông bạn trẻ tham gia. Nguyên nhân chủ yếu là mô hình chưa được nhân rộng và không ít bạn trẻ chưa quan tâm đến việc trau dồi kiến thức làm vợ, chồng thông qua lớp học tiền hôn nhân.
Sau cơn bão ly hôn, không chỉ có con cái chịu thiệt thòi mà cả phụ nữ lẫn đàn ông đều dễ bị trầm cảm, hụt hẫng về tinh thần. Mỗi năm, Hải Phòng có khoảng 5 nghìn trẻ em rơi vào tình cảnh thiếu cha hoặc thiếu mẹ do ly hôn. Hơn 30% số trẻ lang thang đường phố và 8% số trẻ phạm tội có cha mẹ bỏ nhau, ly hôn nói lên hậu quả đau xót của những cuộc chia tay. Không chỉ hụt hẫng vì cảnh “tan đàn, xẻ nghé”, nhiều cuộc đời non trẻ mang vết thương lòng khi chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vã, đánh đập nhau vì mâu thuẫn, xung đột trầm trọng trước khi chia tay. Khi lớn lên, đó là  vết sẹo lớn, in đậm trong ký ức khiến các em dị ứng với hôn nhân. Hãy mở rộng lòng bao dung, vị tha và tập thói quen chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau thì hạnh phúc mới đơm hoa kết trái và mái ấm gia đình mới trở thành bến đậu bình yên, hạnh phúc.

Thanh Thủy

Đọc thêm