Việc ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) lần đầu tiên luật hóa chi tiết quyền được bồi thường thiệt hại của tổ chức, cá nhân khi bị cơ quan nhà nước, công chức nhà nước gây thiệt hại trong quá trình thi hành công vụ. Tuy nhiên, không dễ để thực hiện quyền này, nhất là với quy định người bị thiệt hại phải có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
“Hung thần giấu mặt” trên xa lộ Hà Nội
Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, cầu vượt Cát Lái (quận 2, TP.HCM) xảy ra 8 vụ lật xe nghiêm trọng. Sự cố đầu tiên xảy ra vào ngày 14/9/2010, đúng 1 tháng cầu vượt Cát Lái đưa vào sử dụng. Một xe container chở gốm sứ xuất khẩu theo hướng từ xa lộ Hà Nội vào cảng đã bị lật nhào đè lên thành cầu vượt, gốm sứ bên trong bị hư hỏng gần như hoàn toàn. Tiếp đó, sáng 24/6/2011, một container rơi từ trên xe xuống đường làm hư hỏng mặt cầu và rào chắn khi lưu thông vào cảng.
Vụ lật container mới nhất trên cầu vượt Cát Lái |
Hơn 1 tháng sau, ngày 26/7/2011, một xe container lưu thông trên nhánh A cầu vượt Cát Lái từ hướng xa lộ Hà Nội vào cảng đã bị rớt container xuống mặt cầu. Vụ thứ tư xảy ra chiều 11/8/2011 khi một xe đầu kéo container lưu thông từ xa lộ Hà Nội về cảng Cát Lái đã bị lật nhào giữa cầu. Vụ thứ 7 xảy ra vào ngày 14/2/2013 và vụ mới đây nhất xảy ra vào rạng sáng 7/5. Rất may là cả 8 vụ này đều không gây thiệt hại về người.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính khiến hàng loạt vụ lật xe là do thiết kế của cầu chưa hợp lý. Cụ thể, đường dẫn lên cầu vượt Cát Lái ngắn và dốc, trong đó thiết kế độ mở rộng bụng của đường cong trên cầu vượt Cát Lái còn thiếu khoảng 1m so với tiêu chuẩn Việt Nam. Trong khi cơ quan chức năng lúng túng trong việc tìm phương án xử lý thì nhiều tài xế và hàng chục nghìn lượt người qua lại mỗi ngày dưới gầm cầu lúc nào cũng canh cánh lo sợ.
Nếu lại xảy ra tai nạn, các thanh chắn không đỡ được các thùng container nặng hàng chục tấn rơi xuống thì điều gì sẽ xảy ra cho những người tham gia giao thông trên xa lộ Hà Nội?. Không chỉ băn khoăn khi nào mới tìm biện pháp khắc phục và liệu sẽ tiếp tục xảy ra bao nhiêu vụ lật xe nữa trên “khúc cua tử thần”, dư luận còn đang đặt câu hỏi thiết kế sai, gây hậu quả như vậy thì có bồi thường cho chủ phương tiện không, ai có trách nhiệm bồi thường?.
Văn bản xác định hành vi trái pháp luật – “cánh cửa đóng”
Những câu hỏi trên cũng được đặt ra tại tọa đàm “Những hạn chế, vướng mắc của pháp luật về TNBTCNN” do Bộ Tư pháp tổ chức vào hôm qua – 16/5 tại Hà Nội. LS Nguyễn Huy Thiệp – Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.Hà Nội cho rằng, trường hợp này tương tự như các trường hợp người dân bị thiệt mạng vì bị cây đổ vào lúc mưa bão hay lọt hố ga đều liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật TNBTCNN rất hạn chế, còn thực tế đã phát sinh vô vàn thiệt hại mà thiệt hại là vô giá.
Ông Thiệp phân tích, đây đều là các công trình, tài sản thuộc sở hữu Nhà nước mà trong quá trình khai thác, sử dụng xảy ra thiệt hại thì chủ sở hữu là Nhà nước không thể né tránh trách nhiệm bồi thường của mình. Vì vậy, theo ông Thiệp, trong các trường hợp ấy, trước hết Nhà nước cần bồi thường để giảm thiểu thiệt hại cho người dân, sau đó tiến hành xem xét thu hồi lại từ đơn vị mà Nhà nước giao quản lý.
Một vấn đề khác nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu là “điều kiện cần” để thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Điều 4 Luật TNBTCNN quy định người bị thiệt hại chỉ có quyền yêu cầu bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Nhưng trên thực tiễn, để có được văn bản xác định hành vi trái pháp luật làm căn cứ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thì người bị thiệt hại phải thực hiện thủ tục khiếu nại, tố cáo để có văn bản đó.
Có người ví von “văn bản xác định hành vi trái pháp luật chẳng khác gì cánh cửa đóng lại quyền yêu cầu bồi thường mà không phải người dân nào cũng mở được”. Qua thực tiễn hành nghề, LS Ngô Văn Hiệp (Văn phòng LS Hiệp và liên danh) nhận thấy việc người bị thiệt hại có được văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thì mất rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian.
Trong một số trường hợp, cơ quan chủ quản bênh vực cán bộ trong cơ quan của mình và do đó, việc có được văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ đối với người bị thiệt hại là rào cản đầu tiên và khó vượt qua trong hành trình đi tìm công lý.
Còn Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tịnh phải thừa nhận, đây là lý do ở một số Bộ, ngành, địa phương qua 3 năm triển khai thi hành Luật vẫn chưa có bất kỳ một trường hợp yêu cầu bồi thường nhà nước bởi người bị thiệt hại đang trong quá trình đề nghị xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử (TANDTC) Nguyễn Văn Cường lại đề cập đến vướng mắc sẽ phát sinh trong trường hợp không có bất cứ văn bản nào xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ đã chết, mặc dù người này đã có hành vi trái pháp luật và gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức và Nhà nước sẽ giải quyết ra sao để đảm bảo quyền lợi chính đáng của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại?
Theo số liệu tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương, từ khi Luật TNBTCNN có hiệu lực, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý 173 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, giải quyết được 133 vụ việc (đạt tỷ lệ gần 77%) và chi trả khoảng 20 tỷ đồng tiền bồi thường. Hầu hết các vụ việc đều được giải quyết tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường, có 22 vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với kết quả giải quyết của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và khởi kiện yêu cầu Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. |
Thục Quyên