Cánh đồng vàng quê tôi

Trải rộng mênh mông  là màu xanh của các loại rau gia vị. Trên vùng chuyên màu rộng hơn 5 ha này, bà con nông dân ở An Thọ (An Lão) quê tôi trồng rau quanh năm trong nhà lưới, vòm che, thu nhập 140- 200 triệu đồng/ ha.

-Các cháu đã ra thăm cánh đồng vàng của quê mình chưa? - Đó là câu hỏi đầu tiên của bà nội khi đón chúng tôi về quê những ngày đầu thu.
- Bây giờ lúa đang thì con gái, đã chín đâu bà?
“Cánh đồng màu mà giúp cả làng có thu nhập cao gấp mấy lần cấy lúa, không phải là cánh đồng vàng ư”- Bà nội tôi mỉm cười, dí dỏm so sánh. Rồi bà giục chúng tôi cất đồ đạc vào một chỗ và cùng bà ra khu vực đồng màu của làng. Trải rộng mênh mông  là màu xanh của các loại rau gia vị. Trên vùng chuyên màu rộng hơn 5 ha này, bà con nông dân ở An Thọ (An Lão) quê tôi trồng rau quanh năm trong nhà lưới, vòm che, thu nhập 140- 200 triệu đồng/ ha. Đặc biệt, nông dân đang trở thành công nhân ngay trên chính đồng ruộng của mình bằng việc liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần thương mại Quảng Ích.

Xanh thắm vùng rau An Thọ (An Lão) Ảnh: Duy Lân
Xanh thắm vùng rau An Thọ (An Lão)                                    Ảnh: Duy Lân

Ký ức của bà đưa chúng tôi trở về những ngày thành phố chưa giải phóng. Hồi ấy, Ruộng vườn hoang hóa, mất mùa liên tiếp, hàng chục vạn nông dân lâm vào cảnh thiếu đói triền miên. Đau đớn hơn, trong những ngày đói rét ấy, bà mất đi người chồng thân yêu tham gia kháng chiến chống Pháp, bị giặc bắn chết trên đường từ quê nhà  ra vùng căn cứ địa. Người mẹ nghèo khó lặn lội nuôi con và góp sức cùng bà con nuôi giấu cán bộ cách mạng. Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, cha tôi được đi lao động học tập tại nước ngoài, sau này về nước trưởng thành,  trở thành cán bộ ngành điện. Bà vẫn bảo: “Đời bà và cha các cháu đổi thay nhờ cách mạng. Có sống những ngày chiến tranh, chịu đủ đắng cay mới thấy giá trị của những ngày hoà bình. Bao người dân quê mình cũng trở thành cán bộ, đảng viên như cha các cháu. Thậm chí, giờ đây nhiều nông dân như bà cũng trở thành công nhân nông nghiệp ngay trên chính đồng đất quê hương”.

Những cánh đồng vàng như ở quê tôi có khá nhiều tại Hải Phòng. Kết quả thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy toàn thành phố có  10 nghìn ha đạt thu nhập hơn 50 triệu đồng/ha/năm; hình thành 300 cánh đồng có doanh thu từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên, tập trung ở 150 xã, chiếm 69% tổng số xã, phường có sản xuất nông nghiệp. Từ đói nghèo, thiếu lương thực, các vùng quê Hải Phòng hôm nay xuất khẩu  nông sản, xây dựng được nhiều cánh đồng  cho thu nhập cao.

Từ quê nội, chúng tôi có dịp qua xã Tú Sơn (Kiến Thụy). Khu vực sân vận động xã cờ đỏ tung bay. Cổng các làng văn hoá  bừng lên  màu đỏ của băng giôn, biểu ngữ. Bác Chủ tịch UBND xã  Bùi Duy Tông khoe:

- Tú Sơn đang dồn sức xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí quốc gia. Xã quy hoạch xong khu trung tâm  và triển khai xây dựng 3 vùng sản xuất tập trung: 2 vùng chuyên màu rộng gần 100 ha; vùng cấy hai vụ lúa 260 ha, vùng nuôi trồng thủy sản kết hợp phát triển trang trại rộng 92 ha. Nhiều công trình hạ tầng mới mọc lên như: 2 khu vực chợ trung tâm, hệ thống đèn cao áp chiếu sáng, 100% số đường giao thông  nhựa hoá, bê tông hóa, trường học cao tầng; 4 làng văn hóa của Tú Sơn đều có khu trung tâm văn hóa khang trang với sân vận động làng, nhà văn hóa làng, di tích đình chùa…Tất cả  nhờ xã thực hiện thành công quy chế dân chủ, ý Đảng hợp lòng dân. Khi xưa, Tú Sơn đường sá lầy lội, đồng đất chua mặn, người dân nghèo khó, nay cuộc sống  sung túc, lúa gạo đầy đồng, cá tôm đầy ao, có rau màu xuất khẩu. Tú Sơn hôm nay bừng sáng ánh điện, nhộn nhịp tiếng máy reo, tiếng nói cười của những nông dân được mùa vàng bội thu. Xã không còn hộ đói, không còn hộ phải ở nhà tranh, nhà tạm. Tú Sơn đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc thành lập thị trấn mới của huyện.

Bằng việc thực hiện tốt quy chế dân chủ, nhiều vùng quê khác cũng tạo được cơ sở hạ tầng khang trang như Tú Sơn. Trong 5 năm qua, các huyện đầu tư và huy động sức dân hơn 40 tỷ đồng cho việc xây dựng các nhà văn hoá xã; các làng văn hoá vận động nhân dân đóng góp xây dựng 669 trung tâm văn hoá làng, trong đó, có 439 nhà văn hoá làng trị giá hơn 40 tỷ đồng. Đến nay, khu vực ngoại thành đầu tư cải tạo 1300km đường trục xã, 326 km đường trục huyện từ cấp 6 lên cấp 5 đồng bằng và 100% đường trục huyện được láng nhựa, 100% xã có đường ô tô về đến trung tâm xã... 0Những làng quê đổi mới với đường giao thông rộng mở, khu dân cư mới hình thành đang giúp thành phố như rộng thêm ra, vươn mình ra phía biển. 65 năm sau ngày độc lập, nông thôn Hải Phòng hôm nay không chỉ có những cánh đồng lúa rập rờn, đồng màu biếc xanh, tiếng máy cày rộn rã mà đã có cả những nhà máy, khu đô thị mới vươn mình trong nắng thu...

Hoàng Yên

Đọc thêm