Cảnh giác chiêu lừa qua thanh toán online

(PLO) - Giao dịch chuyển khoản bằng hình thức ngân hàng điện tử (Internet Banking) hay Mobile Banking đang ngày càng phổ biến do tính đơn giản, thuận tiện, có thể thực hiện bất kỳ thời gian nào. Tuy nhiên, hiện đã xuất hiện tình trạng lợi dụng hình thức này để lừa đảo.
Người bán hàng nên kiểm tra tiền vào tài khoản trước khi chuyển hàng. Ảnh minh họa
Người bán hàng nên kiểm tra tiền vào tài khoản trước khi chuyển hàng. Ảnh minh họa
Mới đây, chị Hoa (TP.HCM) rao bán một túi xách ngoại với giá 3,9 triệu đồng lên một diễn đàn. Tối thứ bảy, có một khách hàng ở Hà Nội liên lạc và báo đã chuyển khoản cho chị, yêu cầu gửi hàng gấp vì đang cần, kèm theo là ảnh chụp màn hình giao dịch gửi tiền thanh toán. 
Mừng vì bán được hàng, nhưng do số tiền khá lớn nên chị Hoa cẩn thận rà soát tài khoản thì không thấy tiền vào, hỏi thăm một số người quen làm việc ở ngân hàng, được khuyến cáo nên chị kiểm tra và phát hiện biên lai (chụp màn hình giao dịch trên máy tính) khách gửi kèm chỉ mới dừng ở phần điền thông tin, chưa nhấn nút chuyển tiền.
Sau chia sẻ của chị Hoa lên diễn đàn, một số người cũng cho biết từng bị lừa tương tự. Chị Hạnh (Đồng Nai) cũng bị khách mua hàng gửi biên nhận chụp màn hình đã chuyển khoản online và giục gửi hàng gấp trong ngày. Do số tiền chỉ hơn 300.000 đồng nên chị gửi hàng ngay. Tuy nhiên, nhiều ngày sau đó vẫn không thấy tiền về, gọi điện thoại liên lạc thì không được.
Theo một nhân viên ngân hàng ở TP.HCM, việc chuyển khoản khác ngân hàng rất dễ thoái lệnh. Thậm chí, khi đã chuyển khoản trên Internet Banking nhưng tiền chưa vào tài khoản người nhận thì vẫn có thể thoái lệnh tự động. Ngay cả trường hợp có chữ giao dịch thành công cũng chưa chắc chắn, nhất là giao dịch vào cuối tuần vì tận đầu tuần tiếp theo giao dịch đó mới được thực hiện.
Nhưng nguy hiểm hơn là đã xuất hiện tình trạng sử dụng thủ đoạn lừa tinh vi: Sau khi đặt hàng, người mua liên lạc và thông báo mình đã chuyển tiền vào tài khoản của người bán; đồng thời nhắn một tin giả dạng ngân hàng “thông báo tiền đã về” vào điện thoại của chủ tài khoản. Tin nhắn giả dạng này hiển thị từ tổng đài 19001534xx (một số tổng đài nhắn tin và tổng đài thoại được các đơn vị ký hợp đồng cho các tổ chức cá nhân khác kinh doanh nội dung thuê lại).
Nếu không để ý kỹ, người bán hàng sẽ nhầm tưởng ngân hàng báo tiền chuyển khoản đã về và thực hiện việc chuyển hàng. Khi đó, tiền chẳng có mà hàng cũng không đòi lại được. “Vì vậy, đối với những trường hợp mua bán qua mạng, người bán nên kiểm tra ngay số dư tài khoản. Sau khi nhận được tiền từ người mua thì hãy tiến hành gửi hàng. Việc kiểm tra số dư tài khoản khá đơn giản và có thể thực hiện ngay trên Internet Banking hoặc tại các điểm ATM”, nhân viên ngân hàng khuyến cáo.

Đọc thêm