Qua theo dõi thống kê trên hệ thống tiếp nhận, phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (qua đầu số 5656), VNCERT/CC đã ghi nhận thời gian gần đây đang nở rộ xu hướng lừa đảo tuyển cộng tác viên (CTV) của các sàn thương mại điện tử và các công ty lớn với mức thù lao hấp dẫn nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.
Cụ thể, các đối tượng lừa đảo gửi các tin nhắn tuyển CTV qua iMessage, facebook, zalo… với mức thù lao hấp dẫn, thu nhập 500-1.000.000 đồng/ngày. Ngay khi CTV có nhu cầu, đối tượng sẽ gửi đường link giả mạo các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo... mời chào thực hiện nhiệm vụ.
Những lời mời gọi làm cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử với ưu đãi chiết khấu cao. |
Sau khi nhận nhiệm vụ, đối tượng hướng dẫn cộng tác viên thực hiện đặt mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng, yêu cầu cộng tác viên phải có tài khoản ngân hàng để thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu hoa hồng.
Ban đầu là những nhiệm vụ có giá trị nhỏ chỉ vài trăm nghìn đồng, cộng tác viên sẽ được hoàn tiền hàng và hoa hồng về tài khoản ngân hàng. Cộng tác viên được yêu cầu thực hiện các bước như xác thực đơn hàng, chuyển tiền vào tài khoản công ty.
Đến khi cộng tác viên đã cảm thấy hấp dẫn, dễ kiếm tiền, đối tượng lừa đảo sẽ mời chào họ làm nhiệm vụ với những đơn hàng có giá trị cao, khoảng vài chục triệu đồng.
Sau khi thực hiện 1 giao dịch, cộng tác viên sẽ được thông báo phải thực hiện từ 2 đến 3 giao dịch mới được hoàn lại tiền, lúc đó nạn nhân không còn khả năng chuyển tiền nữa, mới nhận ra mình bị lừa đảo.
“Một số cộng tác viên khác khi thực hiện theo đủ các giao dịch thì bị thông báo hệ thống đang bảo trì, tiếp theo bị chặn đầu mối liên hệ và bị chiếm đoạt tài sản”, VNCERT/CC thông tin thêm.
VNCERT/CC cũng đưa ra hướng dẫn để người dùng tránh bị lừa đảo dẫn đến mất tài sản. Cụ thể, người dùng nên nâng cao cảnh giác đối với các hành vi tuyển dụng CTV qua mạng. Thường xuyên cập nhật các thông tin mới nhất về hình thức lừa đảo mạo danh trên các phương tiện truyền thông, cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Bên cạnh đó, khi nhận được các thông tin quảng cáo từ các lời chào mời với mức thu nhập hấp dẫn, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin của các doanh nghiệp qua các kênh thông tin chính thống để được kiểm chứng.
Ngoài ra, khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử có dấu hiệu lừa đảo người dân nên phản ánh ngay với Cục An toàn thông tin (Trung tâm VNCERT/CC) qua đầu số tin nhắn 5656, qua website https://chongthurac.vn/ hoặc trình báo cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ.
Thực tế, vấn nạn lừa đảo tuyển dụng CTV cho các sàn thương mại điện tử không phải bây giờ mới xuất hiện. Đầu tháng này, phía Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cho biết đơn vị này nhận được nhiều email và cuộc gọi phản ánh về việc các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram... để tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Các hình thức lừa đảo cũng diễn ra tương tự như những gì được phía VNCERT/CC cảnh báo. Cụ thể, sau khi trao đổi và người có nhu cầu tìm việc làm liên hệ, các đối tượng lừa đảo hướng dẫn cộng tác viên thực hiện đặt mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng. Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo yêu cầu cộng tác viên phải có tài khoản ngân hàng để thanh toán đơn hàng trước, với hứa hẹn sau đó sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu hoa hồng.
Đại diện Trung tâm NCSC nhận định, thủ đoạn lừa đảo kể trên chủ yếu lợi dụng uy tín của các sàn thương mại điện tử để lấy lòng tin của những người đang có nhu cầu làm thêm và đánh vào lòng tham của con người để dẫn dụ các nạn nhân “sập bẫy”.