Cảnh giác trước lời tư vấn về các “quy hoạch tương lai”

(PLVN) - Những hình thức góp vốn, đặt cọc, là điều kiện để các đối tượng xấu tiến hành trục lợi, chiếm dụng vốn và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để nâng cao cảnh giác trong quá trình giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cơ quan Công an khuyến cáo người dân trước khi thực hiện giao dịch, cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý dự án.
Cảnh giác với hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc.

Cụ thể là, phải kiểm tra xem dự án có thuộc diện bị thu hồi hay không; kiểm tra các giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giấy phép xây dựng; giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ dự án; kiểm tra dự án có phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện.

Dự án đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án hay chưa. Hoặc người dân có thể nhờ hỗ trợ thông tin qua các cơ quan quản lý nhà nước, lựa chọn giao dịch đúng quy định pháp luật, khi ký kết hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai phải có bảo lãnh của ngân hàng.

Đồng thời, cần khảo sát thực tế dự án bằng cách đến địa chỉ nơi có dự án và xem xét dự án đã có cơ sở hạ tầng hay chưa, mức độ hoàn thành đến đâu. Trong quá trình giao dịch, ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc thông qua đơn vị môi giới bất động sản cần đề nghị cung cấp hợp đồng đại lý với chủ đầu tư dự án để thực hiện nhiệm vụ môi giới các sản phẩm bất động sản của dự án đó. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần đến cơ quan Công an để trình báo.

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản tại Quảng Ninh luôn thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Cùng với việc phát triển nhanh về số lượng của các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh, một số dự án còn chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật trước khi đưa giao dịch (mở bán) nhưng chủ đầu tư đã tiến hành ký kết các loại hợp đồng như: đặt cọc giữ chỗ, hợp tác kinh doanh, góp vốn, mua bán... để huy động tiền của người mua.

Thực tế cho thấy, việc người dân giao dịch bất động sản dưới hình thức hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc hầu như không tìm hiểu kỹ thủ tục pháp lý của dự án, mua bán chủ yếu theo xu hướng “đám đông” hoặc nghe theo lời tư vấn của môi giới về các “quy hoạch tương lai”, tạo nên một thị trường ảo gây sốt đất.

Nhiều người dân vì nghĩ cơ hội đầu tư chỉ dành cho người đi đầu, ham rẻ mà chấp nhận rủi ro, giao tiền trước khi dự án đủ điều kiện mở bán. Hệ quả là khi dự án không thể triển khai hoặc dự án không tiếp tục thực hiện, những người này gặp rất nhiều khó khăn trong bảo vệ quyền lợi của mình.

Hiện nay, pháp luật đã quy định rất cụ thể các trường hợp giao dịch, mua bán bất động sản dưới hình thức hợp đồng góp vốn, hợp tác kinh doanh và điều kiện để chủ đầu tư kinh doanh, mua bán các sản phẩm bất động sản trên thị trường.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 3, Điều 19, Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ: Việc huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở dưới hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh phải thông qua hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Chủ đầu tư chỉ được ký kết các hợp đồng này sau khi có đủ các điều kiện, bao gồm: Đã có hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phê duyệt theo quy định của pháp luật; dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng theo tiến độ thực hiện dự án được phê duyệt; đã có biên bản bàn giao mốc giới của dự án; đã có thông báo đủ điều kiện được huy động vốn của Sở Xây dựng nơi có dự án.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở, theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về điều kiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền đó là:

Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải”.

Đọc thêm