Bánh mứt kẹo ba không
Giống như vài năm trở lại đây, thị trường bánh mứt kẹo vẫn thuộc về “sân chơi” của các mặt hàng nhập lậu có xuất xứ từ Trung Quốc. Lý do chính vẫn là giá hàng rẻ, mẫu mã đẹp nên được các chủ đại lý, cửa hàng nhỏ lấy về bán buôn.
Đơn cử như hạt hướng dương từ 60.000-70.000 đồng/kg, hạt bí rang giá 150.000 đồng/kg, mứt hồng khô chỉ 100.000 đồng/kg. Còn bánh kẹo bán theo cân có giá rất phong phú, từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/kg…
Đa phần các quầy hàng đều không thực hiện niêm yết giá trên sản phẩm theo quy định mà cứ tùy thích phát giá, hoặc chiết khấu lớn hơn cho những khách mua buôn khối lượng nhiều.
Đặc biệt, đối với những đại lý yêu cầu hàng hóa có nhãn mác để khách hàng yên tâm, các chủ quầy hàng ở chợ đầu mối Đồng Xuân sẵn sàng cung cấp nhãn mác in sẵn, đại lý mua về chỉ cần dán ra ngoài bao bì sản phẩm là có thể biến hàng Trung Quốc thành hàng nội địa hoặc các nước khác.
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Các mặt hàng sấy khô phục vụ Tết như sen, mít, đậu, khoai lang, khoai môn cũng được người bán cho là hàng Thái Lan, tất cả để trong từng bịch không nhãn mác, người mua cần bao nhiêu thì người bán mới cân và phát từng bịch rời để về đóng gói bán lại nếu ai có nhu cầu lấy bao bì, còn không thì cân ký như kiểu bán hàng xá.
Đáng lo ngại nhất là các loại mứt chà là, mứt cà rốt, mứt khoai lang…, đều được để tênh hênh không che đậy. Khi hỏi nguồn gốc, người bán bảo là hàng Thái Lan. Tuy nhiên, một tiểu thương cho biết đa phần vẫn chỉ là hàng xuất xứ từ Trung Quốc.
Hãy là người tiêu dùng thông thái
Nếu như các năm trước người tiêu dùng thường hướng đến những sản phẩm bánh kẹo nhập ngoại có xuất xứ từ Thái Lan, Malaysia, Pháp, Đan Mạch… thì giờ đã quan tâm hơn đến hàng Việt chất lượng cao. Đơn cử các mặt hàng có nguồn gốc từ các công ty có uy tín như Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Hữu Nghị… luôn là sự lựa chọn của rất nhiều gia đình.
Ngoài ra, những thông tin về bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, bánh kẹo ngoại tráo ruột, sửa hạn sử dụng… tràn ngập khắp thị trường thời gian qua cũng đã tác động lớn đến sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người Việt. Thay vì “sính” hàng ngoại, người tiêu dùng bắt đầu hưởng ứng “người Việt dùng hàng Việt”.
Nắm bắt được nhu cầu khách hàng, năm nay các DN bánh kẹo Việt đã mạnh dạn đầu tư thêm dây chuyền sản xuất để tăng sản lượng. Ví dụ như Công ty Kinh Đô tung ra thị trường hơn 4.000 tấn bánh. Công ty Bibica dự kiến tung ra thị trường 1.300 tấn bánh kẹo, mứt các loại, tăng 10% so với năm ngoái…
Một đại diện của Công ty Bánh kẹo Bibica cho biết, Công ty còn đầu tư để đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã. Các sản phẩm Tết của Công ty hướng đến tất cả các đối tượng người tiêu dùng khác nhau.
Không chỉ mặt hàng bánh kẹo, mứt tết đã bắt đầu bày bán trên thị trường là hàng Việt, ngay cả các sản phẩm dùng để gói giỏ quà tết năm nay cũng là hàng Việt. Hiện, các mẫu giỏ quà tết được bày bán trong hệ thống siêu thị như Big C, Itimex… phần lớn đều được đóng gói từ các sản phẩm trong nước với giá dao động từ 100.000 - 2.500.000 đồng/giỏ.