Cảnh giác với các đối tượng cướp taxi, xe ôm

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng đã xảy ra nhiều vụ cướp taxi, xe ôm táo tợn. Nhiều nạn nhân bị bọn cướp lấy đi không chỉ tài sản mà cả tính mạng, khiến những người hành nghề này cũng phải “chờn”.

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng đã xảy ra nhiều vụ cướp taxi, xe ôm táo tợn. Nhiều nạn nhân bị bọn cướp lấy đi không chỉ tài sản mà cả tính mạng, khiến những người hành nghề này cũng phải “chờn”.

Những vị khách... sát thủ!

Người lái xe ôm (xe thồ) và taxi cần nâng cao cảnh giác đối với bọn cướp tài sản khi hành nghề. 

Cho đến hôm nay, chị Đặng Thị B., tài xế của hãng taxi Xanh vẫn còn kinh hoàng về sự việc mình bị tên tội phạm khống chế để cướp tài sản, diễn ra vào đêm 13-3 vừa qua. Chị cho biết: Hôm đó đã khuya, nhận được điện thoại của trung tâm đến đón khách gần Siêu thị Metro, là phụ nữ đi trong đêm khuya phải chở một vị khách nam, bản thân chị cũng ái ngại. Và điều đó đã xảy ra khi vị khách này dùng dao khống chế, sau đó cướp điện thoại di động và tiền của chị. Nếu không có các bạn Ngô Tấn Quang (sinh viên ĐH Kinh tế Đà Nẵng) và Nguyễn Minh Hoàng (sinh viên ĐH Sư phạm Đà Nẵng) ra tay cứu giúp, thì tính mạng của chị B. như “ngàn cân treo sợi tóc”. Bởi khi cơn ác thú của tên tội phạm này nổi lên thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Sống sót và bình an trở về, chị B. thầm cảm ơn những người tốt như 2 sinh viên kia. Tuy nhiên, với chị, việc chở khách đêm hôm đó có lẽ là bài học nhớ đời.

Không may mắn như chị B., anh Lê H. (39 tuổi), trú phường Hải Châu 2, quận Hải Châu hành nghề xe ôm đã phải mang vết thương sau một cuốc xe mà đến hôm nay anh vẫn còn đau đớn. Thoát khỏi lưỡi hái tử thần, anh không khỏi bàng hoàng và sợ hãi. Đó là chiều ngày 19-3, anh đón một thanh niên từ Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng (chợ Cồn) về phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Quãng đường xa, anh hy vọng cuốc xe thồ này sẽ kiếm được vài chục nghìn đồng bù lại thời gian cả ngày chưa có chuyến nào. Thoáng chốc, anh đã chở người thanh niên này về tận Trường Cao đẳng Việt – Hàn. Khi đến nơi, người khách bảo anh chờ để tiếp tục chở lên Sơn Trà.

Một công đôi việc, anh khỏi phải tốn tiền xăng khi quay về, lại có thêm tiền công. Tuy nhiên, anh không thể ngờ rằng vị khách của mình là tên cướp nguy hiểm, đã có âm mưu từ trước. Khi đi đến đoạn đường vắng, không có một bóng người qua lại, đối tượng đã ra tay sát hại anh để cướp xe. Dù bị đâm ba nhát vào hông và mạng sườn rất đau đớn, nhưng anh vẫn cố kêu cứu trước khi ngất xỉu. Nhờ đó mà anh được người dân kịp thời đưa đi cấp cứu, giành được mạng sống.

Không chỉ  có anh H., chị B. gặp nạn khi đón khách mà anh Đặng Quang Trinh (28 tuổi), quê thành phố Quảng Ngãi là tài xế của Hãng taxi Mai Linh cũng đã gặp cảnh cướp khống chế suốt 10 tiếng đồng hồ trên đường; ông Võ Hoàng Minh (SN 1957, trú tổ 40, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) làm nghề xe ôm cũng bị bọn cướp dùng dao đâm trọng thương để cướp xe... Những trường hợp trên đã may mắn thoát chết; tuy nhiên, suốt cuộc đời họ có lẽ không bao giờ quên được những chuyến chở khách kinh hoàng đó.

Cần cảnh giác cao độ!

Hoạt động của tội phạm cướp taxi, xe ôm có những diễn biến phức tạp với những thủ đoạn hết sức tinh vi và liều lĩnh. Sau khi đón taxi, xe ôm, chúng yêu cầu tài xế lái xe đi lòng vòng rồi mới đưa tới địa điểm vắng để gây án.

Đại tá Nguyễn Đình Chính, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của bọn tội phạm nói chung, bọn chuyên cướp taxi, xe ôm nói riêng, Công an thành phố đã triển khai nhiều phương án phối hợp với các hãng taxi và những người hành nghề xe ôm để tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn cướp, giúp họ nhận thức rõ và phòng tránh.

Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Đình Chính, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do nhiều người vẫn bất cẩn, chủ quan chở khách không rõ lai lịch, đi quãng đường dài vào ban đêm. Muốn công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm cướp tài sản của lái xe taxi, xe ôm đạt hiệu quả tích cực hơn, không thể chỉ trông chờ vào lực lượng công an, mà ngay bản thân những người lái xe chở khách đó phải ý thức được việc tự bảo vệ tính mạng và tài sản của mình khi hành nghề.

 

Do đó, các hãng taxi cần phải trang bị cho đội ngũ nhân viên của mình kiến thức cơ bản về phòng chống tội phạm; những người hành nghề xe ôm phải biết lựa chọn khách để chở, không vì kiếm tiền mà dẫn đến “tiền mất, tật mang”. Khi phát hiện khách có những dấu hiệu bất thường thì phải biết từ chối hoặc liên hệ với cơ quan chức năng, tránh dừng đỗ xe ở những chỗ vắng...

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

Đọc thêm