Cảnh sát hình sự và những “vai diễn” sinh tử

Đại uý Lương Huy Giang vẫn nhớ như tạc từng khoảnh khắc cùng đồng đội ngồi ăn bánh mỳ, uống nước lọc trong bãi tha ma giữa đêm khuya để phục kích một tên cướp xe ôm.

“Cánh lính hình sự chúng tôi phải hoá thân vào nhiều vai diễn không có ánh đèn sân khấu nhưng nhiều khi phải đánh cược với sinh mạng của chính mình...” - đó là những lời mà các trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, hay còn gọi là Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an Hà Nội vẫn thường nói về công việc của mình.

Cảnh sát hình sự lên đưòng làm nhiệm vụ. Ảnh: VTC

Cảnh sát hình sự lên đưòng làm nhiệm vụ. Ảnh: VTC

Được lãnh đạo phòng PC45 - Công an Hà Nội giới thiệu, chúng tôi đã gặp gỡ với 2 gương mặt trẻ của Phòng được tuyên dương trong tổng số 34 thanh niên Công an tiêu biểu năm 2011, đó là Đại úy Trần Văn Hải (Đội phó Đội Cảnh sát đặc nhiệm) và Đại úy Lương Huy Giang (Đội phó Đội Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm cướp, cướp giật tài sản).

Trong suy nghĩ ban đầu, chúng tôi cứ hình dung 2 cảnh sát hình sự này hẳn phải nghiêm nghị, hầm hố hay chí ít là bặm trợn lắm. Thế nhưng, xuất hiện trước mặt chúng tôi lại là 2 chàng trai rất dí dỏm và bình dị.

Trinh sát nhập vai dân chài

Đại úy Trần Văn Hải có dáng người đẫy đà, nước da trắng trông giống hệt... dân văn phòng. Anh cười: “Cảnh sát chúng tôi cũng biết yêu ghét, dí dỏm và yêu đời lắm chứ. Ngoài thời gian chuyên tâm làm nhiệm vụ, ai cũng muốn được “đổi màu” cho mình một chút!”. Sau phút làm quen vui vẻ, giọng anh mới trầm xuống, say sưa kể về một trong những chuyên án đáng nhớ mà mình đã tham gia.

Chuyên án mang bí số VA145P diễn ra vào những ngày giáp tết Kỷ Sửu (2009). Trong tiết trời trời rét căm căm, người người nô nức chuẩn bị đón năm mới, Trần Văn Hải cùng các anh em trong đội giả làm dân chài lưới, thợ máy để tiếp cận từng tàu bè, thu thập những chứng cứ về hành vi của đối tượng Đỗ Mạnh Báu (tức Báu “Cửu”) và đàn em - nhóm thủy tặc khét tiếng trên đoạn sông Hồng qua khu vực bến Chèm.

Bắt nguồn từ việc nước sông Hồng xuống thấp nên nhiều tàu bè lớn dễ bị mắc cạn, nhiều công ty dịch vụ cứu hộ đã mọc lên như nấm dọc theo dòng sông, trong đó có cả những công ty “ma”. Chúng phân chia địa bàn, ép các chủ tàu phải ký hợp đồng cứu hộ dài hạn với giá không hề “mềm”.

Công ty của Báu “Cửu” cũng nằm trong số này, với cả chục tên côn đồ chuyên dùng vũ lực để ép người khác giao nộp “lệ phí cứu hộ tàu bè” khi đi qua khúc sông này. Ai không chấp thuận, Báu và đồng bọn sẽ dùng mọi thủ đoạn gây nhũng nhiễu, thậm chí dằn mặt khiến các chủ tàu bè đi qua đây đều khiếp hãi.

Sau khi hóa thân, Trần Văn Hải cùng đồng đội đã lênh đênh sông nước từ Hà Nội ngược lên Phú Thọ và ngược lại. Các trinh sát đã làm đủ các công việc bất đắc dĩ như lái tàu, thợ máy, dân chài lưới... để thu thập các chứng cứ phạm pháp của nhóm Báu “Cửu”.

Đại úy Trần Văn Hải nhớ lại: “Có những đêm trời rét căm căm, chúng tôi vẫn phải nhảy xuống dòng nước lạnh giá cho phù hợp với “vai diễn” của mình. Một số đồng chí sau vài lần “diễn” đã bị cảm, đơn vị phải cử người khác lên thay phiên nhau “đóng thế”, vậy mà không ai nản lòng. Mệnh lệnh của lòng tự trọng nghề nghiệp đã thôi thúc anh em phá thành công chuyên án”.

Ngồi bãi tha ma, rình bắt cướp

Còn đối với Đại úy Lương Huy Giang, đến giờ, anh vẫn nhớ như tạc từng khoảnh khắc cùng đồng đội ngồi ăn bánh mỳ, uống nước lọc trong bãi tha ma giữa đêm khuya để phục kích một tên cướp xe ôm.

Vài năm trước, tại một lối đường liên thôn nhỏ ở xóm 12, xã Trung Văn (huyện Từ Liêm, Hà Nội) bỗng liên tục xảy ra các vụ cướp xe ôm táo tợn, gây nỗi khiếp đảm và hoang mang cho dư luận.

Khoảng 7h tối một ngày đầy sương giá, 3 mũi trinh sát đã nhận lệnh mật phục để bắt sống nghi can. Trời đã về khuya, sương xuống dày đặc mà đối tượng vẫn chưa lộ diện. Chân tay các trinh sát đều tê cóng, dù ai nấy đều đã quấn hai lượt áo mưa nhưng như thế vẫn chẳng thấm vào đâu so với cái lạnh đang len lỏi khắp cơ thể.

Giữa lúc ấy, tổ công tác bỗng quên sạch cơn đói và cái rét khi phát hiện một ánh đèn xe máy leo lét chập chờn vừa vụt lên rồi tắt ngấm. Ngay sau đó, một tiếng kêu thất thanh vang lên, báo hiệu việc nghi can đang tấn công “con mồi”. Anh Giang cùng đồng đội lập tức lao vút ra khỏi chỗ mật phục và bắt sống đối tượng...

Đằng sau chiến công là hậu phương vững chắc

Xa nhà đằng đẵng, sẵn sàng nhận lệnh lên đường bất kể ngày đêm để theo đuổi các chuyên án là một đặc thù của nghề cảnh sát hình sự nên các anh rất cần một chỗ dựa gia đình vững chắc. Đại uý Trần Văn Hải ví von: “Nếu không có những bà vợ thấu hiểu và thông cảm cho tụi lính hình sự chúng mình thì có khi chuyên án cũng dễ hỏng lắm đấy chứ!”.

Có lần, nhân một ngày nghỉ, anh Hải đang chở "bà xã" đi dạo phố thì bất ngờ phát giác một đối tượng cướp tài sản của người đi đường. Anh Hải chỉ kịp táp xe vào lề đường, bỏ lại cô vợ rồi lao vù theo tên cướp. Xong xuôi, anh mới quay lại chỗ cũ để đón chị nhà mà không hề bị “một nửa” của mình giận dỗi...

Với ý chí kiên định, lòng say mê nghề nghiệp, Đại úy Hải đã hoàn thành xuất sắc mọi “vai diễn phòng, chống tội phạm” được giao. Trở về với đời thường, anh chia sẻ: “Sau những chuyến đi dài phá án, niềm hạnh phúc lớn lao đối với tôi là giây phút sum họp đầm ấm bên gia đình, thưởng thức mâm cơm do vợ chuẩn bị và nhìn thấy nụ cười trong trẻo, đáng yêu của 2 đứa con thơ”.

Anh Hải, anh Giang cùng các đồng đội của hai anh - những người đã và đang hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình và gia đình để góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, góp phần mang lại yên bình cho giấc ngủ và sinh hoạt của người dân Thủ đô.

Tiến Phong

Đọc thêm