Cạnh tranh về giá có còn hiệu quả?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vinfast nhận được số lượng đơn đặt hàng xe điện VF3 cao hơn 10.000 chiếc so với xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam năm 2023 chỉ sau vài chục giờ mở bán. Mức giá thấp có phải là lý do khiến đơn hàng xe VF3 bùng nổ? Và câu chuyện cạnh tranh về giá có luôn mang đến hiệu quả kinh doanh tốt nhất không?
Nhiều siêu thị dùng chiến lược giá để hút khách. (Ảnh minh họa: PV).
Nhiều siêu thị dùng chiến lược giá để hút khách. (Ảnh minh họa: PV).

Thông tin Vinfast công bố nhận 27.649 đơn đăng ký mua xe điện VF3 chỉ sau gần 3 ngày mở bán trực tuyến và trực tiếp (cao hơn gần 10.000 chiếc so với xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam năm 2023) được nhiều người cho rằng, đó là sức hút của chiếc xe có giá bán thấp.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến - một quản lý showroom ô tô nhiều năm cho biết, cuộc cạnh tranh về giá giữa các hãng xe ô tô là câu chuyện bình thường. “Thông thường, mỗi khi khách hàng có nhu cầu mua xe bao giờ cũng đặt vấn đề về giá, sau đó lựa chọn thương hiệu trong mức chi phí của mình. Do đó, các hãng, các showroom luôn cạnh tranh nhau bằng các chiến dịch khuyến mại để giảm giá bán. Tuy nhiên, việc VF3 công bố nhận được đơn hàng khủng chỉ sau ít ngày mở bán cho thấy, cuộc chiến giá cũng chỉ là một phần trong lựa chọn của khách hàng” - ông Tiến phân tích.

Theo ông Tiến, thời điểm Vinfast mở bán xe điện VF3, có dòng xe khác tương tự đã bán ở Việt Nam có mức giá thấp hơn (dù không đáng kể) nhưng khách hàng vẫn lựa chọn VF3 cho thấy, người tiêu dùng cũng vẫn muốn lựa chọn thương hiệu Việt để tin dùng hơn là hãng xe nước ngoài.

Đây cũng là điều mà ông Gajae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ tại một cuộc họp báo về thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới. Theo ông Gajae Seong, thành công của nhiều doanh nghiệp (DN) không hẳn chỉ nằm trong “câu chuyện giá”. Bởi thực tế, nếu người bán hàng nhằm đến giá để cạnh tranh thì sẽ có thể gặp phải rủi ro bị trả lại hàng khi khách hàng không hài lòng và điều này sẽ làm tăng chi phí nhiều hơn cho DN.

Ở góc nhìn khác, bà Nguyễn Minh Phượng - chủ nhiều gian hàng trên các trang TMĐT lại cho rằng, trong giai đoạn TMĐT đang bùng nổ này thì cạnh tranh về giá cũng khá quan trọng. Bản thân bà Phượng đã phải lập liên tiếp nhiều gian hàng tại nhiều sàn để bán các mặt hàng của mình với nhiều mức giá khác nhau nhằm “đón được số lượng lớn nhất khách hàng có thể”. Thậm chí, có nhiều gian hàng cần phải “hy sinh” bán lỗ nhiều mặt hàng để hút khách đến với các mặt hàng khác để giữ chân và có tệp khách hàng quen.

“Cạnh tranh về giá sẽ xuất hiện ở các nhà bán hàng, DN mới thâm nhập thị trường. Bởi các đối tượng này thường đặt ra mức giá thấp để có một lượng khách nhất định, sau đó sẽ có nhiều phản hồi về sản phẩm. Từ đó những phản hồi tốt sẽ định hướng được lựa chọn của lượng khách hàng chưa tiếp cận được với giá tốt. Còn với DN đã có tên tuổi và kinh nghiệm lâu năm trên thị trường thì đa phần sẽ lựa chọn nhiều hơn phương thức để cạnh tranh. Cạnh tranh giá cũng là một yếu tố quyết định đến sự thành công của bán hàng nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Mức giá phù hợp và hấp dẫn là yếu tố mà các bên đều mong muốn” - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nói.

Chiến dịch cạnh tranh bằng giá bán cũng đã được nhiều hệ thống siêu thị đình đám đưa ra. Nguyên lãnh đạo một siêu thị lớn cho biết, ngày còn điều hành siêu thị, bà đã vấp phải “bài toán khó giải” về giá khi các hệ thống phân phối khác luôn đưa giá ra để hút khách. Cách đây vài năm, Big C luôn đưa ra thông điệp “giá rẻ nhất”, sau đấy, trung tâm thương mại V+ cũng lao vào “cuộc chiến” về giá với nhiều mặt hàng có mức giá cạnh tranh hơn. Sau này, Big C đã không còn tự tin “giá rẻ nhất” nữa mà buộc phải đổi thành “giá luôn rẻ hơn”. Còn V+ mặc dù có chiến lược cạnh tranh về giá nhưng cũng không hút được khách hàng.

Lý giải về nguyên nhân không kéo được khách dù có giá tốt, nguyên nữ lãnh đạo siêu thị cho rằng, với việc bán lẻ, còn rất nhiều yếu tố để kéo khách hàng. V+ không hút khách vì không có vị trí thuận lợi và không có nhiều tiện ích. Theo bà, nhiều siêu thị bán với giá khá cao nhưng vẫn có một lượng khách lớn nhất định vì họ mang lại cho khách hàng nhiều trải nghiệm tốt. Với nhiều khách hàng, đi mua sắm là đi chơi, không phải đi chợ nên giá cả không phải là yếu tố quan trọng nhất. Hay nói cách khác, giá là một yếu tố quan trọng để thu hút khách nhưng không phải quan trọng nhất.

Đọc thêm