Cao Bằng chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức lễ hội

(PLVN) - Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đang từng bước đi vào nề nếp. Các lễ hội được quan tâm, chú trọng và tổ chức trang nghiêm, sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Lễ hội thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh

Tính đến nay, tỉnh đã khôi phục lại 4 lễ hội dân gian truyền thống gồm: Lễ hội Háng Tán, Lễ hội Lồng tồng xã Cao Chương, Lễ hội Co Sầu (Trùng Khánh); Lễ hội Bó Puông (Thạch An). Xây dựng kịch bản và nâng cấp quy mô các lễ hội: Lễ hội thác Bản Giốc (Trùng Khánh); Lễ hội về nguồn Pác Bó (Hà Quảng); Lễ hội Pháo hoa (Quảng Hòa)…

Hoạt động lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng, phát huy được vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo các giá trị văn hóa của nhân dân; giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh người có công, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân.

Để làm tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện tại địa phương, cơ sở, trong đó, tăng cường quản lý di tích và các hoạt động diễn ra tại di tích; đẩy mạnh chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động lễ hội.

Thực hiện Chỉ thị số 41, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện được quan tâm, chú trọng và thực hiện thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng như bản tin Văn hóa, thể thao, du lịch; Đội tuyên truyền lưu động tỉnh thực hiện tuyên truyền, biểu diễn; trung tâm văn hóa và truyền thông các huyện, Thành phố tuyên truyền Chỉ thị số 41 lồng ghép với nhiệm vụ chuyên môn thông qua nhiều hình thức như: tuyên truyền cổ động trực quan (băng rôn, khẩu hiệu…), tuyên truyền lưu động, biểu diễn văn nghệ...

Qua đó nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò, chức năng của công tác quản lý, tổ chức lễ hội và ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, Đảng viên, người dân trên địa bàn về tổ chức và tham gia hoạt động lễ hội.

Theo Trưởng Phòng Quản lý văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Thu Hằng, những năm qua, các lễ hội trên địa bàn tỉnh được tổ chức an toàn, cơ bản thực hiện tốt quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở.

Trong lễ hội, phần lễ diễn ra trang trọng, kế thừa nghi lễ truyền thống lịch sử, phản ánh bản sắc văn hóa địa phương, đảm bảo tiết kiệm; phần hội có sức hấp dẫn, vui tươi, lành mạnh, thu hút đông đảo du khách tham gia.

Tình trạng mê tín, dị đoan, những biểu hiện “thương mại hóa” lễ hội, bày biện hàng quán tùy tiện… được chấn chỉnh kịp thời và loại bỏ. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, xử lý vi phạm theo quy định, nâng cao hiệu quả các hoạt động trong lễ hội, đảm bảo mỹ quan, văn hóa.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn, thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 41 và các văn bản chỉ đạo của các cấp; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; đảm bảo việc quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy định của pháp luật, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục; phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của nhân dân.

Tăng cường công tác tuyên truyền về các di tích lịch sử, ý nghĩa lễ hội và phổ biến các quy định của pháp luật đến người dân; phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian trong lễ hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội gắn với phát triển du lịch, thu hút du khách tham quan, quảng bá những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương đến bạn bè trong và ngoài tỉnh./.

Đọc thêm