Dường như trong cuộc sống, ở bất kể vùng quê hay thành phố, từ tỉnh cho đến huyện và nhất là trong các làng, xã đâu đó đều có một “Chí Phèo”. Chỉ khác ở chỗ, Chí Phèo thời nay biến tướng thành muôn hình vạn trạng, từ một Chí Phèo điển hình đã chuyển hóa và biến tướng thành nhà Chí Phèo, làng Chí Phèo.
Trong đời sống hiện nay, ở thời kỳ mà đất nước ta đang dần tiệm cận đến nền công nghiệp 4.0, thì ở đâu đó trên đất nước vẫn còn những hành vi ứng xử cổ hủ, thiếu văn hóa gần như “vô pháp”. Hình như câu “phép vua thua lệ làng” vẫn ám vào đời sống, từ suy nghĩ đến hành động của đại đa số người dân Việt Nam nhất là những vùng quê còn đầy rẫy những hủ tục, mê tín dị đoan.
Vụ việc điển hình gần đây nhất thể hiện việc “cào mặt ăn vạ” là vụ tai nạn giao thông ngày 01/3/2019 tại huyện Sa Pa. Cụ thể, 12h15 ngày 01/3/2019, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên đường quốc lộ 4D, thuộc thôn Sa Pả, xã Sa Pả, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai làm em Hạng A Câu (SN 2003) tử vong tại chỗ.
Tuy nhiên, khi Công an huyện Sa Pa chuẩn bị di chuyển phương tiện, tử thi nạn nhân để phân luồng giao thông, gia đình của nạn nhân Hạng A Câu cùng nhiều người khác có mặt tại hiện trường cản trở. Những người này không cho lực lượng chức năng di chuyển phương tiện giao thông liên quan đến tai nạn, không cho khám nghiệm tử thi, đưa tử thi đến vị trí khác để tổ chức khám nghiệm và ngang nhiên đưa ra yêu sách bắt hai lái xe ô tô phải bồi thường 400 triệu đồng.
Sự việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông phương tiện qua khu vực này. Chỉ đến khi chính quyền cùng các cơ quan chức năng huyện tổ chức cho hai lái xe ô tô liên quan đến vụ tai nạn hỗ trợ số tiền 200 triệu đồng, gia đình của nạn nhân mới nhất trí cho di chuyển tử thi và các phương tiện liên quan đến vụ tai nạn để thông tuyến Quốc lộ 4D.
Phải khẳng định, cách phản ứng và đòi phạt tiền của gia đình nạn nhân là hoàn toàn trái pháp luật. Tiếp đến, dư luận cũng đặt ra những câu hỏi về cách xử lý của lực lượng công an địa phương khi để xảy ra cảnh “cào mặt ăn vạ” này. Chỉ đến khi dàn xếp “nộp phạt” một nửa số tiền mà gia đình nạn nhân đòi hỏi thì sự việc mới được vãn hồi.
Đây là cách “dàn xếp” theo “thông lệ” bấy lâu nay của các vụ tai nạn giao thông đó là khi tai nạn xảy ra thì xe to phải đền xe bé, người còn sống phải bồi thường cho người đã chết bất luận đúng sai. Một tiền lệ vô cùng sai trái và vô pháp trong những vụ tai nạn giao thông vẫn hiện hữu hàng ngày hàng giờ, từ năm này qua năm khác ở đất nước ta.
Hình thức giải quyết “duy tình” đã ăn sâu, bén rễ vào tâm tưởng của mỗi người dân và ngay cả các cơ quan chức năng khi đối mặt và giải quyết sự việc. Có lẽ vì thế, dù biết nộp 200 triệu đồng “tiền phạt vạ” là vô lý nhưng lực lượng chức năng và cả 2 chủ xe vẫn thực hiện như một “nghĩa vụ” phải làm.
Vẫn biết, văn hóa dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay luôn đề cao và tôn trọng tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau ở khía cạnh “lá lành đùm lá rách” hay “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Ở góc độ tích cực và phạm vi hẹp, “duy tình” tạo nên sự đoàn kết, thương yêu và chia sẻ khó khăn với nhau của mỗi người dân.
Tuy nhiên, muốn một xã hội phát triển theo đúng quỹ đạo, chúng ta cần sự “duy lý” và mọi xung đột, mẫu thuẫn phải hướng về cách giải quyết bằng lý lẽ và pháp luật. Mọi hành vi coi thường lý lẽ và pháp luật đều cần phải lên án và lên án mạnh mẽ đặc biệt là những hành vi sử dụng “lệ làng” trong mâu thuẫn, va chạm xã hội. Đã có rất nhiều vụ án thương tâm trong cách hành xử theo kiểu “lệ làng” xảy ra và cần được ngăn chặn, chấm dứt ngay lập tức.
Cần “duy lý” để các phương tiện to được đối xử công bằng với những phương tiện nhỏ; “duy lý” để đối xử công bằng giữa người sống chấp hành đúng luật và người chết vì vi phạm pháp luật; “duy lý” để xã hội đi theo đúng đường ray mà pháp luật đã vạch sẵn và cho phép. Và trên hết, thượng tôn luật giao thông khi tham gia giao thông nói riêng và thượng tôn pháp luật nói chung là nghĩa vụ mà mỗi công dân bắt buộc phải chấp hành.