Đêm cuối tháng Năm, người qua đường không khỏi chạnh lòng trước cảnh tượng người đàn ông gò lưng cõng con trên vai, đôi tay quặt ra sau kéo theo chiếc xe đẩy có người vợ nằm đắp chăn thiêm thiếp. Đứa con trai nhỏ giang tay ôm chặt lấy cổ bố, ánh mắt đờ đẫn mệt mỏi. Cứ thế cả nhà rong ruổi hết con phố này sang con phố khác bán vé số...
|
Gia đình ông Tâm trên đường mưu sinh. |
Cảnh đời làm động lòng cả... những tên cướp
Người đàn ông ấy tên Hồ Thanh Tâm (SN 1967, ngụ huyện Cư Mga’r, Đăk Lăk), vợ là Nguyễn Thị Rang (SN 1965, quê gốc thị xã Sông Cầu, Phú Yên). Ông Tâm kể mình sinh ra trong một gia đình nghèo đông con, chỉ được học đến lớp 3. Không nghề nghiệp gì, ông đi phụ làm rẫy cà phê cho người em trai.
Sau một lần gây lộn với một công nhân làm cùng, ông chán nản bỏ quê xuống Phú Yên sinh sống, trong người không còn lấy một đồng. Cơn đói kéo đến, người đàn ông gày nhom chỉ còn da bọc xương đánh liều vào một quán cơm trên địa bàn thị xã Sông Cầu xin ăn. Chủ hàng thương cho đĩa cơm trắng với bát canh.
Cũng vừa lúc, một người đàn bà mù chống gậy đến nơi, cầm bát thều thào xin cơm. Ông chủ hàng lại dọn thêm một suất cho người đàn bà mù. Nhìn hai người đáng thương ngồi ăn cạnh nhau, mọi người rớt nước mắt.
Đột nhiên ông chủ quán phì cười, buông lời nói đùa: “Hai anh chị cũng xứng đôi vừa lứa đấy chứ. Yêu được đấy. Cưới nhau đi cho có bầu có bạn”. Kể từ đó, hễ thấy ông Tâm bà Rang là người ta lại trêu chọc, gán ghép. Nghe trêu mãi, ông cũng thấy thương người đàn bà mù tội nghiệp.
Cuối năm đó ông “mạnh dạn” bày tỏ tình cảm, người đàn bà hạnh phúc gật đầu, hai người từ đó nên duyên vợ chồng. Hàng ngày chồng đi bốc gạch, hoặc người ta kêu gì làm nấy, vợ vẫn đi xin ăn lần hồi. Hai năm sau đứa con trai ra đời, nhà có thêm một miệng ăn, công việc bốc gạch lại bấp bênh, tiền công không đủ ăn, 3 con người bồng bế dắt díu nhau vào TP HCM kiếm sống.
Ông Tâm dẫn cả gia đình đến đại lý vé số xin đi bán. Những ngày đầu còn bán được vài chục tờ, cả gia đình được nhà chủ cho ăn cơm và cho ngủ lại. Những ngày về sau bán không được, nhà chủ “phạt” không cho ăn cơm.
Không còn nơi để bấu víu, 3 con người khốn khổ đành chọn sống cảnh “màn trời chiếu đất”. Người đàn ông vừa phải bồng đứa con trai nhỏ, lại phải dắt theo người vợ mù lòa.
Một người trong Bệnh viện Ung Bướu thấy thế liền cảm thương, khi khỏi bệnh đã tặng lại ông chiếc xe đẩy. Ông Tâm đặt vợ con trên xe kéo đi cũng đỡ mệt hơn nhiều. Ông hào hứng kể thêm về may mắn của gia đình: “Một lần đi qua nhà thờ, chúng tôi vào gặp cha xứ xin cơm. Cha xứ cảm động kêu cả nhà đi tắm rửa rồi vào ăn, và nói ban ngày cứ đến đây mà nghỉ ngơi cho đỡ mệt”.
Hành trình mưu sinh của gia đình này ngày nào cũng tuần tự: Ngày thì đến nhà thờ tắm rửa, ăn cơm, ngủ nghỉ lấy sức, đêm thì đi bán vé số và nghỉ lại tại vỉa hè được dùng bán cà phê trên đường Lê Văn Sĩ (quận 3).
Lý giải cho việc chỉ bán vé số ban đêm, lại nhất nhất phải dắt díu cả gia đình đi, người đàn ông thật thà bật mí: “Tại vì đi ban ngày nắng lắm, vợ tôi không chịu được. Sức khỏe bà ấy rất yếu. Mắt thì không nhìn thấy, lại hay đau đầu vì ảnh hưởng của lần bị ngã. Với lại ban ngày có nhiều người bán vé số quá, nên rất ít người mua của mình. Ban tối chẳng còn ai đi bán, ít người cạnh tranh, tha hồ mà bán. Phải dắt díu cả gia đình đi cùng thì người ta mới thương. Có lúc thằng bé còn được mọi người cho sữa uống nữa. Rồi có người thương tình cho 5 ngàn, 10 ngàn nữa. Chứ đi một mình thì chẳng ai thèm mua”.
Nhiều người lo lắng “làm việc” về đêm thường gặp những thành phần bất hảo, nhưng đã 3 năm nay đại gia đình ấy chẳng hề bị ai gây sự. Chỉ duy nhất có một lần bị hai thanh niên đi xe máy cướp một tập 15 vé số, song đêm hôm sau, cũng trên con đường ấy, hai thanh niên quay trở lại trả ông 150 ngàn đồng. Ông Tâm cười: “Chắc tại trời thương vợ chồng tôi nghèo”.
Ước mơ gửi vào tờ vé số may mắn
Một ngày cuối năm 2010, khi đi ngang qua một đoạn đường đang thi công, chiếc xe đẩy chở vợ con ông Tâm rơi xuống ổ gà. Đứa con trai may mắn không sao, nhưng người vợ phải nhập viện vì máu bầm tụ ở não.
Nhập viện đã được hai ngày, thấy chỉ được đưa thuốc uống chứ không làm phẫu thuật, người vợ “sợ chết” đòi chồng đưa về bệnh viện ở quê. Ông chồng lại tất tưởi bồng con và đẩy vợ ra bến xe, rồi vội vã xin làm phẫu thuật cho vợ với số tiền vay mượn được của hàng xóm 5 triệu đồng. Ca phẫu thuật thành công, gia đình lại có sổ hộ nghèo nên được miễn tiền viện phí. Cả nhà mừng rớt nước mắt mang tiền trả lại bà con hàng xóm.
Khi vợ bình phục, ông lại đưa vợ con vào lại TP HCM bán vé số như xưa, tiếp tục cảnh sống vô gia cư. Người đàn ông suy tính rất cẩn thận: Mỗi lần lấy vé số đi bán, ông chỉ lấy 10 - 20 tờ, không hơn; lúc nào bán hết mới lại dừng ở đại lý nào gặp trên đường mua tiếp rồi đi bán.
Để giải khuây, cũng là tìm chút niềm an ủi, tin vào một niềm hy vọng mong manh, mỗi ngày đi bán vé số ông đều giữ lại cho mình một tờ để dò. Ông nói: “Dẫu biết khả năng trúng rất mong manh, nhưng ít ra nó vẫn tạo cho mình một niềm vui, một sự mong chờ hy vọng”.
Suốt câu chuyện, người đàn ông luôn dành những câu nói yêu thương và ánh nhìn trìu mến về phía người vợ mù. Thi thoảng ông lại quay sang hỏi vợ: “Thằng cu nhà mình sinh năm mấy bà nhỉ?”, “Bà bị ngã vào năm nào nhỉ?” như để kéo vợ vào câu chuyện với khách.
Người vợ uể oải nói: “Mang giấy khai sinh của thằng bé ra là biết ngay mà, tui cũng không nhớ nữa”. Người chồng lại lần tìm bọc ni lông bên dưới chỗ nằm trên chiếc xe đẩy. Nào là chứng minh nhân dân của hai vợ chồng, nào là giấy đăng kí kết hôn, nào là giấy khai sinh của đứa bé, nào là giấy nhập viện…
Khách hỏi: “Cứ vạ vật ngoài đường thế này mà mang nhiều giấy tờ thế, lỡ bị mất thì làm sao?”, ông Tâm cười khà khà: “Mất thế nào được. Tui cất kĩ dưới chỗ nằm của bà ấy mà. Với lại phải mang giấy tờ đi chứ, lỡ công an có hỏi thì trình ra, không công an bắt mình thì chết”.
Trong xấp giấy tờ có cả giấy hẹn tái khám của bệnh viện, người vợ mù bị u nang buồng trứng đang đợi phẫu thuật, số tiền viện phí cần đóng ban đầu là 6 triệu đồng.
Đứa con trai đã 7 tuổi, đáng ra đã học hết lớp một, người đàn ông cũng chưa biết khi nào mới có thể cho con đến trường học. Khách giơ máy chụp hình, đứa trẻ hồn nhiên đưa tay lên tạo kiểu nhí nhảnh.
Người cha chỉ dẫn: “Con phải giơ tay ngang thế này mới đẹp nè”, rồi hai cha con lại nhìn nhau cười nắc nẻ. Khi được hỏi “nếu có một điều ước thì anh sẽ ước điều gì”, ông Tâm đáp: “Ôi, phải thực tế chứ. Trên đời này điều ước có bao giờ thành thật đâu. Ước là ước thôi. Sống thì cứ sống, nghĩ ngợi lo lắng làm gì cho mệt. Giờ tôi chỉ lo bán vé số lấy tiền mua cơm ăn, tiền chữa bệnh cho bà ấy, tiền cho con đi học thôi”.
Bạn đọc có tấm lòng hảo tâm vui lòng liên hệ theo số điện thoại của ông Hồ Thanh Tâm: 0167.432.6350.
Theo Xa lộ pháp luật