Cấp dưỡng con cái sau ly hôn - Cần giữ cái tình cái nghĩa về sau

Sự hận thù, hụt hẫng, sự chán nản... cùng 1001 lý do của cuộc sống thời kỳ hậu ly hôn đã khiến nhiều ông bố bà mẹ hết tình, hết nghĩa với nhau và quên đi trách nhiệm và bổn phận cao quý của mình là nuôi dưỡng, chăm chút cho con cái lớn khôn. Việc cấp dưỡng nuôi con sau hôn nhân vô hình trung cũng đã trở thành cách để họ tiếp tục làm khó nhau...

Sự hận thù, hụt hẫng, sự chán nản... cùng 1001 lý do của cuộc sống thời kỳ hậu ly hôn đã khiến nhiều ông bố bà mẹ hết tình, hết nghĩa với nhau và quên đi trách nhiệm và bổn phận cao quý của mình là nuôi dưỡng, chăm chút cho con cái lớn khôn. Việc cấp dưỡng nuôi con sau hôn nhân vô hình trung cũng đã trở thành cách để họ tiếp tục làm khó nhau...

Né tránh trách nhiệm

Ly hôn chồng đã bốn năm nhưng suốt 48 tháng qua, một mình chị Ngọc Anh (phố Hoa Bằng, Cầu Giấy) bươn chải để chăm sóc và nuôi dưỡng cậu con trai nhỏ. "Rời nhà chồng, tôi chỉ có hai bàn tay trắng, công việc chưa ổn định. Lương thử việc của nhân viên văn phòng chỉ đủ cho hai mẹ con thuê căn phòng trọ nhỏ và sống tằn tiện. Mỗi lúc con ốm đau lại lo thắt ruột..." - nước mắt rơm rớm khi chị nhớ lại những ngày đầu thời kỳ hậu ly hôn. Chồng chị - cán bộ một ngân hàng lớn tại Hà Nội đã lạnh lùng nói trước toà: Lương tôi cũng chả hơn cô là mấy nên hằng tháng cố lắm cũng chỉ góp được một nửa để nuôi con. Một nửa mà anh tuyên bố vào thời điểm năm 2006 là... 800000 đồng nhưng sẽ được chuyển làm hai lần trong tháng, ứng với mỗi kỳ trả lương của anh.

Thoả thuận là vậy nhưng việc thực hiện thế nào lại do anh quyết định. Những bất đồng sâu sắc và dư vị cay đắng của cuộc ly hôn đã làm cạn kiệt hết nghĩa tình trong lòng anh. Nhớ con nhưng không muốn nhìn mặt vợ, cô đơn và chán nản, nghĩa vụ làm cha bị cuốn theo công việc và tìm niềm vui ở những cuộc nhậu, những chuyến rong chơi và cả những cô bạn gái mới. Một mình xoay xở với cuộc sống, con lại hay ốm đau, ôm con trong viện, tiền cạn dần chị mới dám gọi cho anh nhưng cũng chỉ nhận được những tiếng quát nạt...

"Phải hằng năm sau đó, anh mới chuyển người quen mang đến cho tôi gần tám triệu tiền nuôi con và năng đến chơi, đưa con đi chơi, mua sắm. Được bố đưa đi vườn thú, mua cho cái ô-tô, cu cậu vui ra mặt...". Con hí hởn nhắc bố hàng tuần còn người mẹ ấy cũng đều đặn nhận được phong bì "bố chuyển thư cho mẹ này" - cậu bé bi bô và hồn nhiên trước mặt mọi người. Ai ngờ đâu, trong bì thư mà anh đều đặn gửi con mang về ấy là những khoản kê vội vàng với nét chữ nguệch ngoạc. "Anh ta kê khai đầy đủ, chi tiết các khoản chi phí cho buổi thăm con, không thiếu khoản nào, từ vé vào cửa đến cây xúc xích... Tổng chi phí chia đôi, anh ta trừ vào tiền cấp dưỡng hằng tháng" - chị Ngọc Anh không cầm được nước mắt. "Tôi chết đứng trong lòng nhưng vì con, vì nụ cười và niềm vui của cháu mỗi tối được bố cho đi chơi mà phải nuốt nước mắt vào trong". "Bì thư tình" đó hằng tuần chị vứt thẳng vào sọt rác mà không cần quan tâm xem số tiền đó là bao nhiêu, hằng tháng chị bị trừ bao nhiêu vào phần "lương cứng" mà anh chuyển.

Cùng một "mẫu số chung" là bị cắt tiền cấp dưỡng nhưng chị Lê Ngọc Hà (khu chung cư Bắc Linh Đàm) lại ở hoàn cảnh khác. Bỏ vợ, tài sản chia rành mạch từng thứ một, anh chồng xách va-li sang nước ngoài làm nghiên cứu sinh và tìm kiếm hạnh phúc mới. Tiền bạc rủng rỉnh nhưng số tiền cam kết nuôi con trước toà không biết "cá trê chui ống" từ lúc nào. Anh có thể gọi điện, chat hàng tiếng đồng hồ với con gái, với vợ cũ rất vui vẻ. Con gái thích quà gì bố cũng đáp ứng. Cần máy tính là có ngay, cần đồ chơi là có hàng châu Âu đạt tiêu chuẩn gửi về… Song tuyệt nhiên, gần sáu năm qua, anh có thể thao thao bất tuyệt với vợ cũ đủ thứ trên đời nhưng không một lời đả động đến nghĩa vụ của mình. Thân con gái từ quê lên Hà Nội lập nghiệp, chồng bỏ, cha mẹ ở xa, một mình nuôi con kiếm sống, nhiều lúc chị Hà kiệt sức. Thế nhưng, chỉ cần đề cập đến chuyện tiền nong nuôi con là anh lại… mất hút, cắt đứt liên lạc với chị hằng tháng trời. "Bản án ly hôn vẫn ghi rõ số tiền đóng góp nuôi con đến khi trưởng thành. Thế nhưng, rời toà là hết trách nhiệm. Bạn bè khuyên tôi nên khởi kiện để đòi quyền lợi nhưng thời gian làm việc đó tôi thà dành để kiếm tiền, nuôi con. Đến trách nhiệm của mình với con anh ta cũng rũ bỏ thì chẳng còn gì để nói" - chị Hà lắc đầu.


Sinh không bằng dưỡng

Luật sư Phạm Thanh Tùng - Văn phòng luật sư Phạm Hoàng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, tại các vùng nông thôn, cuộc sống thiếu thốn vất vả cộng thêm sự thiếu hiểu biết về pháp luật khiến nhiều ông bố mà mẹ né tránh trách nhiệm cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn, tuy vậy ngay tại các thành phố lớn, tình trạng này cũng khá phổ biến. Ly hôn, chấm dứt cuộc sống vợ chồng dựa trên sự thoả thuận đôi bên nhưng việc cấp dưỡng nuôi con được pháp luật bảo hộ, cho dù việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cái là nghĩa vụ thiêng liêng của các bậc làm cha, làm mẹ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đứa trẻ. Theo luật sư Tùng, Luật Hôn nhân gia đình đã dành hẳn điều 92 để quy định: "Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con". Đây là nghĩa vụ mang tính nhân thân, không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác. Để hướng dẫn thực hiện, hội đồng thẩm phán, toà án nhân dân tối cao ban hành hẳn một nghị quyết. Theo đó, tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý. Phương thức cấp dưỡng cũng do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hằng tháng. Đi kèm với những quy định này là các hình phạt cho các trường hợp cố tình chây ỳ, trốn tránh từ chối… "Đó đều là những hành vi vi phạm pháp luật" - luật sư Tùng khẳng định.

Về lý, khi một trong hai bên không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có thể khởi kiện để buộc cha hoặc mẹ phải có trách nhiệm thi hành án. Tuy nhiên, theo các luật sư, tỷ lệ khởi kiện và khởi kiện thành công không nhiều. Có rất nhiều lý do để trốn tránh cấp dưỡng và cũng có nhiều lý do để chấp nhận. Luật sư Tùng cho rằng, có thể do ngại đụng chạm đến thủ tục pháp lý, không muốn mất thời gian và công sức đi lại; do hận thù, không quan tâm; do tự chủ kinh tế nên coi thường… "Quan niệm này là sai lầm bởi ly hôn chỉ có thể chấm dứt mối quan hệ vợ chồng nhưng quan hệ giữa cha, mẹ và con vẫn tồn tại và kéo dài cho đến suốt đời. Vì vậy, cũng sẽ không bao giờ có chuyện "chấm hết" hoặc không "dính líu", không "ràng buộc". Các hành vi từ chối, thoái thác, lẩn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con của một số người vừa vi phạm pháp luật, vừa đáng lên án về mặt đạo đức. Dù không còn là chồng vợ thì vẫn còn là cha mẹ của những đứa con. Công sinh không bằng công dưỡng - cha ông ta đã đúc kết như vậy. Những người bố, người mẹ đã tự rũ bỏ quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với con cái, sau này liệu con cái có còn coi họ là bố là mẹ nữa hay không? Vì thế, ly hôn và chăm con, nuôi con sau ly hôn không đơn giản, vẫn cần giữ lấy cái tình cái nghĩa về sau".

Đức Hạnh

Đọc thêm