Chạy dài mới được cam đoan
Anh D.P.N.T (trú tại phường 6, quận 3, TP HCM) từng đi du học ở Pháp bốn năm, sau đó về nước. Gần đây anh Tiến chuẩn bị kết hôn nên mang chứng minh nhân dân, hộ khẩu đến UBND phường 6, quận 3 làm thủ tục xác nhận độc thân. Cán bộ tư pháp phường nói anh Tiến có khoảng thời gian cư trú bốn năm ở nước ngoài nên theo Nghị định 123/2015/NĐ-CP (hướng dẫn Luật Hộ tịch năm 2014), anh Tiến phải chứng minh tình trạng hôn nhân trong khoảng thời gian ở nước ngoài.
Anh Tiến kể: “Cán bộ tư pháp hướng dẫn tôi nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp xác nhận. Nếu quá hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thư mà tôi không được hồi âm thì phường sẽ có văn bản gửi cơ quan này để hỏi. Nếu sau 15 ngày phường cũng không nhận được kết quả thì tôi được viết cam kết”. Anh bày tỏ, muốn làm người dân chấp hành pháp luật và không muốn phức tạp về sau nên trung thực khai báo khoảng thời gian đi du học nước ngoài nhưng gặp khó khăn phức tạp như vậy.
Việc xác nhận tình trạng hôn nhân ngay ở trong nước cũng gian nan không kém như trường hợp của chị N.T.M.O (trú phường 9, quận Gò Vấp, TP HCM) phản ánh với báo chí. Chị O cho biết đã phải mất 14 ngày với 7 lần qua lại 3 phường khác nhau gồm phường 9, quận Gò Vấp; phường Tân Thành, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Bình để làm thủ tục cấp giấy xác nhận. Riêng tại phường Tân Thành, do năm 2003 có sự kiện tách phường, chị O phải mất 4 ngày và 3 lần lên UBND phường để có được một tờ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân từ năm 2000 - 2003.
Nhiều người dân phản ánh thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân hiện nay rắc rối và khó khăn so với quy định cũ. Trước ngày 1/1/2016, địa phương nơi cư trú cuối cùng của người có yêu cầu xác nhận độc thân thực hiện việc xác nhận, còn những khoảng thời gian tại các nơi cư trú trước đó người dân được cam kết và chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, sau ngày 1/1/2016 khi Luật Hộ tịch có hiệu lực, quy trình này đã thay đổi.
Theo đó, Luật Hộ tịch 2014 và Nghị định 123 quy định người từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau phải có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Nếu không chứng minh được, UBND phường nơi đăng ký thường trú cuối cùng sẽ gửi văn bản đề nghị những nơi người này từng đăng ký thường trú xác nhận về khoảng thời gian người này cư trú tại đó. Thông tư 15/2015/TT-BTP đưa ra thêm một “cửa” nữa là nếu quá hạn mà không nhận được văn bản trả lời của các cơ quan được hỏi thì mới cho người dân được cam kết.
Bảo đảm cấp đúng người và sử dụng đúng mục đích
Tuy nhiên, là “cánh tay nối dài” giúp Nhà nước quản lý về hộ tịch, những cán bộ công chức tư pháp xã, phường cũng có nỗi niềm riêng. Nhiều ý kiến muốn làm chặt chẽ với người đã từng ở nhiều nơi cư trú khác nhau. Vì có địa phương đã xảy ra chuyện vợ chồng bất hòa, chưa ly hôn nhưng vẫn được cấp giấy kết hôn mới gây những hệ lụy hết sức phiền toái. Thậm chí nhiều trường hợp vì quan hệ làng, xã nên nể nang mà cấp giấy chứng nhận độc thân trong khi không biết rõ công dân đó có tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp hay không.
Nếu quá tin tưởng giấy cam đoan do công dân xuất trình hoặc thiếu kiểm chứng... sẽ rất khó kiểm soát, quyền lợi của những đứa trẻ sinh ra từ những cuộc “hôn nhân hờ” đó không được bảo đảm, ít nhất là quyền được khai sinh, quyền thừa kế. Trong nhiều quan hệ dân sự khác, việc cấp giấy kết hôn cho người đang có vợ chồng hợp pháp là sự tiếp tay cho các hành vi lừa đảo, tẩu tán tài sản… Nhiều trường hợp sau thời gian rất lâu mới bị phát hiện và khi ấy giải quyết hậu quả pháp lý là rất khó khăn. Trong khi đó, việc xử lý người cam kết không đúng hiện vẫn đang bỏ ngỏ.
Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh lý giải: Theo Luật Hộ tịch (Điều 76, khoản 3) và Nghị định 123 (mục 3, Chương III) thì “cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân” không chỉ là hoạt động hành chính thông thường của UBND cấp xã, mà là một loại việc hộ tịch, được thực hiện bằng một thủ tục hành chính chặt chẽ, bảo đảm cấp đúng người và sử dụng đúng mục đích.
Trong giai đoạn chuyển tiếp (giai đoạn Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được vận hành đồng bộ, thống nhất trên cả nước), việc cấp xác nhận tình trạng hôn nhân cho người dân (như Nghị định 123 quy định) là cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân và những người liên quan khi tham gia các quan hệ, giao dịch, cũng như bảo đảm chính xác dữ liệu thông tin đầu vào cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Vì vậy, Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định, trước hết cá nhân có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình, nhất là đối với người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (khoản 4 Điều 22). Nếu người dân tự chứng minh được, sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi để thúc đẩy việc cấp xác nhận nhanh hơn.
Trường hợp người dân khó khăn trong việc tự chứng minh về tình trạng hôn nhân (do không nhớ rõ địa chỉ, không có giấy tờ chứng minh..., thì UBND cấp xã (nơi nhận hồ sơ) có văn bản đề nghị nơi thường trú trước đây xác minh. Nếu công dân có thời gian cư trú ở nước ngoài, nay đã về Việt Nam thì cũng phải xác minh tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú ở nước ngoài (bằng cách xác minh qua Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài). “Tinh thần Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chặt chẽ là như vậy” – ông Khanh nhấn mạnh.