Cấp Phiếu Lý lịch tư pháp: Lợi ích từ mô hình “kiềng ba chân”

(PLO) - Tại nhiều địa phương, vẫn còn tình trạng chậm cấp Phiếu lý lịch tư pháp lên tới trên 50% so với quy định của Nhà nước. Để tháo gỡ khó khăn trên, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia Hoàng Quốc Hùng đã quyết định áp dụng mô hình “kiềng ba chân” trong lĩnh vực cấp Phiếu lý lịch tư pháp. 
Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Quốc Hùng xung quanh vấn đề này. 
Ông có thể cho biết đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) chậm trễ tại một số địa phương? 
- Thực trạng chậm thời hạn cấp Phiếu LLTP trong thời gian qua xuất phát từ các nguyên nhân khác nhau. Trong đó, về khách quan, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập về thể chế chính sách pháp luật như còn có “điểm nghẽn”, “điểm ách tắc” trong tra cứu, xác minh tại cơ quan hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát Công an tỉnh được quy định tại Điều 25 Nghị định 111; mô hình tổ chức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về LLTP chưa phù hợp; đội ngũ cán bộ công chức làm công tác cấp Phiếu LLTP còn thiếu về số lượng và tính chuyên nghiệp; điều kiện về cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác cấp Phiếu LLTP cũng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. 
Ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia
Ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia 
Tuy nhiên, chúng tôi thấy, nguyên nhân chủ quan vẫn giữ vai trò quyết định là do thiếu sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND cấp tỉnh; nhận thức của người đứng đầu các cơ quan Tư pháp và Công an địa phương về vai trò, tầm quan trọng công tác LLTP chưa đúng mức; trách nhiệm với người dân và doanh nghiệp trong việc cấp Phiếu LLTP còn yếu kém. 
Trên thực tế, có hiện tượng một số cán bộ làm công tác cấp phiếu LLTP chưa hết lòng vì dân, thậm chí còn lợi dụng để gây phiền nhiễu, tiêu cực. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Sở Tư pháp với cơ quan Công an trong hoạt động tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP chưa đi vào nền nếp, chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc thời hạn tra cứu xác minh theo quy định của pháp luật.  
Được biết Trung tâm LLTP Quốc gia đã có sáng kiến áp dụng mô hình “kiềng ba chân: Trung tâm – C53 – Sở Tư pháp”, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ để công tác tra cứu xác minh LLTP được nhanh chóng, hiệu quả. Ông có thể cho biết những hiệu quả cụ thể của mô hình này? 
- Có thể nói rằng giải pháp “kiềng ba chân” là sản phẩm kết tinh trí tuệ và sự quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát  - Bộ Công an và Lãnh đạo Trung tâm LLTP Quốc gia. Chúng tôi cũng đã phải vượt qua những khó khăn, thách thức rất lớn khi triển khai thực hiện giải pháp này, thậm chí đã thử nghiệm nhiều giải pháp, đã thất bại, rút kinh nghiệm để có giải pháp “kiềng ba chân” thành công ngày hôm nay.
Về những thành quả đạt được trong thời gian áp dụng thí điểm mô hình “kiềng ba chân”, xin vui mừng chia sẻ rằng, kết quả rất khả quan, 100% hồ sơ gửi về Trung tâm và C53 tra cứu, xác minh đều được trả kết quả về Sở Tư pháp trong thời hạn pháp luật quy định. Đấy là nói một cách khiêm tốn, còn trên thực tế, chúng tôi thường trả kết quả cho các Sở Tư pháp chỉ trong khoảng 2 đến 3 ngày kể từ ngày nhận được Phiếu yêu cầu tra cứu, xác minh qua mạng Internet (trước đó thường là trên 20 ngày).  
Trong thời gian qua, chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm tại các Sở Tư pháp TP.HCM, Khánh Hòa, Phú Yên, Đà Nẵng, Bình Dương. Tại Hội thảo ngày 6/3/2015, đại diện các Sở Tư pháp nói trên đã chính thức thông báo kết quả thời hạn trả kết quả tra cứu, xác minh đều trong khoảng thời gian 2 đến 3 ngày. Có thể nói đây là thành công lớn trong năm 2015 của Trung tâm LLTP Quốc gia và các Sở Tư pháp được thử nghiệm giải pháp “kiềng ba chân”.
Nhưng phải chăng đó mới là kết quả bước đầu trong chuỗi kế hoạch dài hơi để công tác cấp Phiếu LLTP cho người dân một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn, thưa ông? 
- Trong công tác LLTP thì có 2 nhiệm vụ cơ bản nhất là cấp Phiếu LLTP và xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu LLTP. Để thực hiện các nhiệm vụ trên có hiệu quả thì phải áp dụng 3 giải pháp cơ bản. Ngắn hạn thì áp dụng giải pháp “kiềng ba chân” để dùng cơ chế phối hợp và ứng dụng tin học hóa công tác tra cứu, xác minh nhằm khắc phục sự bất cập của thể chế. 
Trung hạn thì phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 111 theo hướng mở cho người có thẩm quyền cấp phiếu được tra cứu, xác minh ở bất cứ tổ chức, cá nhân nào nhanh nhất, đầy đủ, chính xác nhất để phục vụ kịp thời việc cấp Phiếu LLTP cho dân. 
Dài hạn thì phải tiến hành xây dựng Luật LLTP mới thay thế Luật LLTP hiện hành để xây dựng, chuyển đổi mô hình cơ sở dữ liệu LLTP từ hai cấp thành một cấp; thành lập Cục LLTP thuộc Bộ Tư pháp; đổi mới, đa dạng hóa các  phương thức tiếp nhận, trả kết quả cấp Phiếu LLTP; sửa đổi quy định về cấp Phiếu LLTP số 2 và rất nhiều vấn đề khác.
Ông có nhắn nhủ điều gì tới người dân khi đang và sẽ yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu LLTP  không, thưa ông?
- Xin chỉ có một câu: Những người dân có yêu cầu cấp Phiếu LLTP ở những địa phương chưa được thử nghiệm giải pháp “kiềng ba chân” hãy tin rằng Trung tâm LLTP Quốc gia đang cố gắng hết sức mình để triển khai toàn quốc giải pháp này trong năm 2015 nhằm phục vụ người dân có nhu cầu xin cấp Phiếu LLTP trong cả nước với phương châm “Nói không với chậm”. 
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm