Trưng cầu ý dân: Việc giám sát phải độc lập với tổ chức

(PLO) - Hôm qua (5/5), Hội đồng Tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp 2013 đã họp Phiên thứ 10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường để cho ý kiến vào Dự án Luật Trưng cầu ý dân. 
Ảnh minh họa. Bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Đảng bộ huyện Con Cuông, Nghệ An.
Ảnh minh họa. Bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Đảng bộ huyện Con Cuông, Nghệ An.
Cả 2 phương án đều chưa đạt
Hiến pháp 2013 quy định Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân (TCYD) và chỉ có một quy định về vấn đề TCYD, đó là: “Việc TCYD về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”. Cụ thể hóa quy định này, Ban soạn thảo Dự án Luật đưa ra 2 phương án về những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định TCYD. 
Phương án 1 chỉ quy định về mặt nguyên tắc, khái quát những vấn đề được đề nghị để Quốc hội quyết định đưa ra TCYD. Theo đó, vấn đề đưa ra TCYD là những vấn đề quan trọng về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng. 
Phương án 2 liệt kê các vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định TCYD gồm những vấn đề quan trọng về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; những chính sách quan trọng có liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng; xây dựng các công trình, dự án kinh tế - kỹ thuật đặc biệt quan trọng.
Đại diện Ban soạn thảo, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền thông tin thêm: Tham khảo kinh nghiệm của một số nước thì có tới 65 nước không quy định vấn đề đưa ra TCYD là vấn đề nào mà tùy thuộc vào kiến nghị TCYD của các chủ thể đưa ra kiến nghị, miễn là đáp ứng được những quy định của pháp luật; một số nước chỉ quy định TCYD bắt buộc đối với Hiến pháp; một số khác quy định cụ thể những vấn đề phải TCYD. Trên cơ sở tham khảo, Ban soạn thảo nhất trí với phương án 1.
Quán triệt tinh thần và nội dung các quy định của Hiến pháp, thay mặt Nhóm II của Hội đồng Tư vấn, TS. Dương Thị Thanh Mai phân tích, các vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định TCYD phải là những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Đó là chức năng thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Quốc hội. 
Từ đó, Nhóm II cho rằng cả 2 phương án trên đều chưa đạt, cần nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện. “Phương án 1 chưa thật sự khái quát, có những vấn đề không hoàn toàn thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội như vấn đề xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là vấn đề có nội hàm rất rộng, thuộc thẩm quyền quyết định không chỉ của Quốc hội. 
Phương án 2 liệt kê không đầy đủ các vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định TCYD. Hơn nữa, có những vấn đề rất khó định lượng và chưa thật phù hợp với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, chẳng hạn thế nào là vấn đề quan trọng về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, các điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng…” – bà Mai thẳng thắn chỉ rõ.
Cần dung hòa quy định về vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân
Tán thành sự cần thiết phải xây dựng, ban hành đạo luật này “để vượt qua sự e dè hiện hữu”, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Võ Khánh Vinh cho biết thêm: Qua một số nghiên cứu của Viện cho thấy có sự mong đợi, ý chí, nguyện vọng của người dân để nói lên tiếng nói của mình. 
Có điều, ông Vinh bày tỏ sự thất vọng khi Dự án Luật vẫn chỉ là “vấn đề trên giấy, chưa đưa được, chưa thể hiện được mong muốn thực tế” và đưa ra nhiều ý kiến góp phần hoàn thiện Dự án Luật như không hạn chế quyền biểu quyết TCYD của những người bị bắt giam, người bị tạm giam chưa có bản án kết tội có hiệu lực của Tòa án; các cuộc TCYD được thực hiện trên phạm vi cả nước và địa phương... Riêng vấn đề đề nghị TCYD, theo ông Vinh, nên quy định theo hướng loại trừ.
Một số ý kiến kiến nghị hoàn thiện phương án 1 theo hướng kế thừa cách quy định khái quát tại Hiến pháp năm 1946: “Đề nghị TCYD về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội”. 
Một số ý kiến đề nghị đồng thời quy định các vấn đề không được đề nghị TCYD như vấn đề thay đổi thể chế chính trị. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lại ủng hộ phương án 2. “Vấn đề nào cần đưa ra TCYD thì phải quy định rõ để tránh sự tùy tiện” – ông Dũng nhấn mạnh.
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, các vấn đề đề nghị TCYD không nên quy định quá chung chung mà cũng không quy định quá cụ thể. Qua ý kiến tư vấn của các thành viên Hội đồng, Bộ trưởng nhận thấy cơ bản có những vấn đề cần đề nghị TCYD là sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; vấn đề cụ thể trong một đạo luật, một điều ước quốc tế nào đó mà liên quan mật thiết đến người dân (như kết hôn đồng giới); vấn đề quan trọng của đất nước như xây dựng đường cao tốc, có điện hạt nhân rồi thì sau có bỏ không. Đặc biệt, theo Bộ trưởng, TCYD là biểu quyết của dân, là phương thức dân chủ trực tiếp quan trọng và mạnh mẽ nhất nên cần tăng cường giám sát và việc giám sát phải độc lập với tổ chức.

Đọc thêm