Quản lý công dân bằng cách cấp cho mỗi người một mã số, số này được ghi vào sổ bộ hộ tịch và các giấy tờ khác là mục tiêu lý tưởng mà dự thảo Luật Hộ tịch đang hướng tới. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến băn khoăn khi ngành Công an cũng xây dựng để tiến tới cấp số định danh cá nhân.
Quản lý công dân bằng mã số
Cho rằng, việc cấp Số định danh công dân (SĐDCD) là cần thiết để Nhà nước quản lý công dân, quản lý xã hội được hiệu quả hơn trong tương lai, nhưng theo TS Nguyễn Kim Hồng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thì cần phải tiếp tục làm rõ mục đích, vai trò của SĐDCD; SĐDCD được quản lý, sử dụng như thế nào, giá trị pháp lý ra sao; mối quan hệ giữa SĐDCD với các loại mã số của công dân hiện đang có trong nhiều loại giấy tờ Nhà nước quản lý, chẳng hạn số chứng minh thư, mã số thuế…
|
Làm thủ tục cấp CMTND cho công dân |
Ngoài ra, theo TS Hồng, việc giao Bộ Công an quản lý kho SĐDCD cũng cần được cân nhắc, bởi việc cấp SĐDCD gắn với công dân khi đăng ký khai sinh là vấn đề mang tính dân sự, do đó nên giao cho cơ quan quản lý hộ tịch quản lý từ đầu thì phù hợp hơn. Trường hợp các bộ, ngành khác cần khai thác thì bộ quản lý cơ sở dữ liệu sẽ cung cấp.
Th.s Đỗ Huy Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Quốc hội) cũng dẫn chứng: Hiện công dân nước ta có rất nhiều giấy tờ hộ tịch, giấy tờ tùy thân; chẳng hạn giấy khai sinh, hộ chiếu, sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, bằng lái xe, thẻ đảng viên, thẻ sinh hoạt các tổ chức xã hội…học bạ học sinh, Lý lịch cán bộ, công chức, lý lịch quân nhân, đảng viên…mã số thuế, tùy theo các trường hợp, trong các mối quan hệ nhất định các giấy tờ trên có thể chứng minh về nhân thân của mình.
Các giấy tờ trên hiện do nhiều cơ quan xây dựng cơ sở dữ liệu và được nhiều cấp, nhiều ngành lưu giữ gây khó khăn cho cả người dân và cơ quan quản lý nhà nước, do đó ông Trung kiến nghị “cần nghiên cứu khắc phục tình trạng nhiều cơ quan cấp nhiều loại giấy tờ tùy thân cho công dân hiện nay”.
Điều 10 dự thảo Luật Hộ tịch quy định: SĐDCN được cấp một lần duy nhất cho công dân Việt Nam sinh ra kể từ ngày luật này có hiệu lực, được ghi vào Sổ bộ hộ tịch, Sổ hộ tịch cá nhân và các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật; Bộ Công an quản lý kho SĐDCN và phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc cấp, quản lý SĐDCN. |
Theo Th.s Nguyễn Thị Dung, Viện Nghiên cứu lập pháp thì việc xây dựng SĐDCD nhằm “tạo tiền đề cho công tác quản lý của Nhà nước có hiệu quả”. Đây là nội dung mới, tiến bộ mà nhiều nước trên thế giới đang thực hiện.
Tuy nhiên, theo bà Dung, cần làm rõ mối quan hệ của các giấy tờ tùy thân mà công dân hiện có với mục đích xây dựng SĐDCD. Đặc biệt, hiện các giấy tờ của mỗi cá nhân do nhiều cơ quan xây dựng cơ sở dữ liệu và được lưu giữ tại nhiều cấp, nhiều ngành lưu giữ
“Việc xây dựng quá nhiều cơ sở dữ liệu liên quan đến công dân lại giao cho các cơ quan khác nhau thực hiện dẫn đến vừa phân tán nguồn lực, không kết nối nội dung quản lý, lại khó có thể bảo đảm việc quản lý thống nhất, chặt chẽ. Nhà nước cần có đề án để xây dựng SĐDCD chung và chỉ giao cho một cơ quan thực hiện, các cơ quan, ngành khác được khai thác, sử dụng theo chức năng của mình”, bà Dung đề nghị.
Lo có sự “chồng lấn”
Ngày 18/8/2010, Chính phủ có Nghị định số 90/2010/NĐ-CP quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư. Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định quy định CSDLQG về dân cư được xây dựng thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân. Việc xây dựng Dự án CSDLQG dân cư đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an thực hiện.
Trong thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành dự án khả thi CSDLQG về dân cư. Bộ Công an cho biết, Dự án đã đề xuất phương pháp sinh, cấp và quản lý SĐDCN trong CSDLQG về dân cư và hiện đang báo cáo Thủ tướng phê duyệt để triển khai trên toàn quốc. Theo đó, SĐDCN được cấp cho công dân từ khi sinh ra đến khi chết.
Mỗi công dân Việt Nam sẽ đảm bảo có một mã số duy nhất, không thay đổi trong suốt cuộc đời. SĐDCN để nhận biết, xác định từng công dân và được sử dụng để Bộ Công an có thể kết nối, chia sẻ các dữ liệu thông tin với các cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành khác.
Như vậy, với SĐDCN được quy định trong dự án Luật Hộ tịch, còn nhiều ý kiến băn khoăn lo có sự “chồng lấn” khi ngành Công an cũng đang xây dựng để tiến tới cấp số định danh.
Tuy nhiên, về lâu dài thì đại đa số ý kiến cho rằng rất cần thiết phải cấp số định danh thống nhất và việc này phải được quy định trong Luật. Nhưng để tránh gây xáo trộn thì chỉ nên cấp SĐDCN khi đăng ký khai sinh kể từ khi Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành.
Cũng có ý kiến băn khoăn, đối với hơn 87 triệu người dân sinh ra trước đó thì không được cấp số định danh và vẫn được quản lý theo cơ chế cũ, vậy sẽ không phát huy được tác dụng phục vụ cho yêu cầu quản lý. Do đó, có thể xây dựng một Đề án để đảm bảo tính khả thi cho quy định nói trên.
Huy Hoàng