Cát không xuất khẩu được, “chiếm dụng” bến bãi cảng Đà Nẵng

(ĐNĐT) - Cát tồn ứ bến bãi không xuất khẩu được không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn làm mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường cảng Đà Nẵng

(ĐNĐT) - Cát tồn ứ bến bãi không xuất khẩu được không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn làm mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường cảng Đà Nẵng

Ngày 7-3, Cảng Đà Nẵng cho hay, dù đã qua hơn 6 tháng nhưng 55 tấn cát xây dựng của Công ty Đầu tư và Phát triển Kỳ Hà – Chu Lai (Quảng Nam) cùng 27 tấn cát của Công ty TNHH Anh Quân (Quảng Nam) vẫn đang nằm trên bãi cảng Tiên Sa chứ chưa xuất khẩu được.

Theo Công ty Đầu tư và Phát triển Kỳ Hà – Chu Lai, 55 tấn cát kể trên được công ty khai thác và đưa về cảng Tiên Sa để xuất khẩu từ tháng 7-2009 nhưng do điều kiện thời tiết, mưa bão kéo dài nên tàu không thể cập cảng. Sau đó, tàu từ Singapore sang nhận hàng nhưng phải quay về vì có lệnh cấm xuất khẩu cát của Thủ tướng Chính phủ.

Cuối năm 2009, Bộ Xây dựng đã cử đoàn công tác vào kiểm tra thực tế, xác nhận số cát này được Công ty Đầu tư và Phát triển Kỳ Hà – Chu Lai khai thác để xuất khẩu từ trước khi có quy định cấm xuất khẩu cát theo văn bản 1819/TTg-KTN ngày 29-9-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Do không được xuất khẩu nên cát ứ đọng tại cảng Tiên Sa và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do lưu kho, lưu bãi, nhất là bị phạt do tàu cập cảng mà không bốc hàng được. Để tránh thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp và không gây ách tắc vận chuyển hàng hóa tại cảng Đà Nẵng, Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng cho phép Công ty Đầu tư và Phát triển Kỳ Hà - Chu Lai được xuất khẩu 55 tấn cát này.

Ông Nguyễn Hữu Sia, Phó Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng, cho hay, từ đó đến nay Công ty Đầu tư và Phát triển Kỳ Hà – Chu Lai vẫn chưa tìm được đối tác để bán cát nên đang cố thuyết phục đối tác cũ phía Singapore quay lại mua giúp. Còn với Công ty TNHH Anh Quân, hiện Cảng Đà Nẵng chưa nhận được thông tin nào về việc họ sẽ quay lại bán 27 tấn cát đang tồn ứ tại bến bãi cảng Tiên Sa.

Theo ông Sia, mặt bằng bến bãi cảng Tiên Sa có tổng diện tích 17ha nhưng chỉ riêng 82 tấn cát của hai doanh nghiệp kể trên đã chiếm gần 2ha. Do đây là mặt hàng vật liệu xây dựng nên phí bến bãi chỉ bằng một nửa so với mặt hàng thiết bị hoặc container. Vì thế, việc số cát trên tồn ứ kéo dài cũng khiến Cảng Đà Nẵng phải chấp nhận chịu lỗ.

“Ngoài thiệt hại về kinh tế, điều khiến chúng tôi hết sức lo lắng là tình trạng ô nhiễm môi trường. Cảng Tiên Sa thường xuyên đón khách du lịch quốc tế nhưng mấy tháng nay, hễ trời nổi gió là cát bay mù mịt. Xung quanh những đống cát khổng lồ đó cỏ cũng đang mọc um tùm nên rất mất mỹ quan”, ông Sia nói.

Cẩm An

Đọc thêm