Như vậy, câu chuyện của Jack Ma làm chúng ta phải tiếp tục suy nghĩ về thương mại điện tử (TMĐT). Công bằng mà nói, những năm gần đây, mỗi năm, TMĐT ở Việt Nam thường đạt tốc độ tăng trưởng từ 25-35%, mức tăng này tương đương với khu vực.
Năm 2016 TMĐT của Việt Nam đạt 5 tỉ USD, và hiện nay pháp lý, hạ tầng dần hoàn thiện. Thời gian tới, TMĐT Việt Nam dự kiến sẽ chiếm 30% trên thế giới. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hoá, TMĐT của Việt Nam cũng phát triển với công nghệ thế giới như công nghệ 4.0.
Trong “kỷ nguyên logistics” toàn cầu, chia sẻ về thanh toán thương mại đa ngành như logistic, hải quan, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam hiện nay vẫn rất lớn. Do đó cần phải tiếp tục giải quyết các tồn đọng khi vẫn có tới 89% thanh toán bằng tiền mặt, và mới có 18% thanh toán qua trung gian. Nguyên nhân thanh toán di động còn thấp do liên quan đến niềm tin và nhiều yếu tố khác.
Rõ ràng là “văn hóa tiền mặt” còn “ngự trị” trong thói quen tiêu dùng của người Việt mặc dù hiện ở Việt Nam có 50% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Đây là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy thanh toán di động, cũng như các dịch vụ tài chính và TMĐT khác đến tất cả các vùng miền, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và tất cả các nhóm dân cư ở Việt Nam, thay đổi triệt để thói quen dùng tiền mặt như hiện tại.
Mấu chốt của vấn đề là làm sao sử dụng công nghệ để khiến khách hàng thấy thoải mái, tin cậy với dịch vụ?
Việt Nam từ lâu đã phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng (TNH). Theo số liệu của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý II/2017, Việt Nam có khoảng 121 triệu TNH đã phát hành. Với dân số khoảng 95 triệu dân, tính trung bình mỗi người dân sở hữu 1,3 chiếc thẻ. Có điều khác với các nước, TNH Việt Nam chỉ được sử dụng để rút tiền.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc ồ ạt mở nhiều TNH nhưng không dùng đến là một sự lãng phí nguồn lực, tiền bạc. Nếu chỉ nghe về con số thẻ mới mở thì ấn tượng nhưng thực tế có bao nhiêu thẻ trong số đó được sử dụng thường xuyên mới là điều đáng nói. Thực tế cho thấy, lượng “thẻ ngủ” quá lớn phần nào chứng minh cho việc hạ tầng vẫn “ưu tiên” dùng tiền mặt lỗi thời thay vì chuyển qua giao dịch điện tử.
Được biết hiện nay Chính phủ đã và đang có nhiều quyết sách, đề án để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán di động nói riêng. Chính phủ cam kết sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy xu hướng thanh toán di động tại Việt Nam.
Ở nước ngoài, thanh toán một món hàng nhỏ người dân cũng quen trả bằng thẻ và lấy hóa đơn. Máy tính tiền của cửa hàng, siêu thị đều được kết nối với cơ quan thuế. Như vậy TTĐT còn góp phần chống trốn thuế, tham nhũng và rửa tiền. Việt Nam không thể đứng ngoài “cuộc chơi” văn minh.