Câu chuyện lớn về chung cư nhỏ

 

Làn sóng chung cư mini đang trỗi dậy kể từ sau khi Nghị định 71 và Thông tư 16 có hiệu lực. Tuy nhiên, các vấn đề không nhỏ  đang manh nha xung quanh những chung cư nhỏ…

 Làn sóng chung cư mini đang trỗi dậy kể từ sau khi Nghị định 71 và Thông tư 16 có hiệu lực. Tuy nhiên, các vấn đề không nhỏ  đang manh nha xung quanh những chung cư nhỏ…

Trào lưu đầu tư chung cư mini

Gia đình chị Nguyễn Thị Lan (Long Biên, Hà Nội) có một khu đất hơn 600 m2 ông bà để lại. Hiện không có thành viên nào ở trên mảnh đất đó, nhưng bán đi thì tiếc mà để lại thì chẳng ai trông nom. Nhiều phiên họp gia đình quyết định số phận khu đất không mang lại kết quả, bởi tiền thì cần mà rời bỏ hoàn toàn mảnh đất ghi dấu tuổi thơ thì không ai trong gia đình mong muốn.

Lời giải đã được cả gia đình chị Lan tìm thấy sau khi chung cư mini được hợp pháp hóa bằng Nghị định 71/2010/NĐ – CP quy định chi tiết Luật Nhà ở và Thông tư 16/2010/TT – BXD. Với diện tích 600m2, gia đình chị có thể dễ dàng thiết kế một khu chung cư với vài ba chục phòng diện tích vừa phải có cả khuôn viên và khu vực sinh hoạt chung. “Chúng tôi có thể giúp một số gia đình có chỗ ở khi bán căn hộ với mức giá chừng mực so với địa thế thuận tiện của mình, trong khi đó, vẫn có thể giữ lại một số căn để không phải rời bỏ hoàn toàn nơi ở cũ” – chị Lan nói.

Câu chuyện lớn về chung cư nhỏ ảnh 1

Giải pháp tương tự của chị Lan được khá nhiều các gia đình, nhất là những hộ có đất thổ cư ven đô, lựa chọn. Không những thế, ở các khu vực Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm, trong các ngõ sâu ở những làng cũ nội thành, các công ty xây dựng tư nhân đang lùng mua đất kẹt, nhỏ lẻ để xây chung cư mini. “Chúng tôi gọi đây là giải pháp lấy ngắn nuôi dài, bởi diện tích mấy trăm mét mua luôn từ các hộ dân nằm trong khả năng tài chính của các công ty nhỏ, lại không vướng các thủ tục hành chính cầu kỳ và không ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người. Chung cư mini giá thành phù hợp với nhiều người, tính thanh khoản cũng khá cao” – ông Trần Đức Anh, đại diện Công ty xây dựng Anh Đức dự kiến xây hai khu chung cư mini ở Từ Liêm, chia sẻ.

Chấp nhận đánh đổi?

Sau khi khảo sát một số vị trí dự kiến sẽ mọc lên chung cư mini, chúng tôi nhận thấy, rất hiếm đất có diện tích rộng và giao thông thuận tiện như khu vực nhà chị Lan. Đa phần các khu đất chỉ khoảng 200m2, đường ngõ nhỏ, ngoắt ngoéo, và rõ ràng sự gia tăng dân số sẽ gia tăng áp lực không nhỏ lên hạ tầng kỹ thuật của khu vực.  Các chung cư mini tự phát từ trước khi Nghị định 71 có hiệu lực thường cao khoảng 6 – 7 tầng, không cầu thang thoát hiểm, không có các phương tiện chữa cháy tối thiểu, cũng không áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật an toàn bắt buộc khác, do nó vốn được xây như nhà riêng lẻ.

Việc mua bán kiểu “chìa khóa trao tay” đơn giản, gọn nhẹ, không phải chịu mức giá chênh này nọ trong khi cảm giác được sống ngay trong nội thành khiến chung cư mini được các hộ gia đình bình dân ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, rõ ràng người mua chung cư mini đang phải đánh đổi việc thỏa mãn các nhu cầu nói trên với nơi ở chật chội, thiếu các tiện nghi xã hội cần thiết và chất lượng nhà “chưa thể nói trước”.

Ông Nguyễn Trọng Lịch – chủ đầu tư của ba khu chung cư mini ở quận Long Biên - bày tỏ, nếu chủ đầu tư có ý thức xã hội, ý thức trách nhiệm cao, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật thì mới duy trì lâu dài độ bền của khu chung cư. Ngược lại, nếu sau một thời gian sử dụng, chung cư xuống cấp, lún nứt, nguy hiểm thì cũng chưa biết các hộ dân sẽ xoay xở như thế nào. “Nếu còn ràng buộc quyền lợi với chủ đầu tư thì còn có thể yêu cầu này nọ, nhưng chủ đầu tư bán đứt không tìm thấy hoặc đã giải thể thì chẳng lẽ các hộ dân bỏ tiền xây lại nhà?” – ông Lịch đặt vấn đề.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc “mở đường” cho chung cư mini là cần thiết, nhưng không thể mở toang, mà phải có các giải pháp hậu kiểm để đảm bảo chung cư mini được quản lý trong khuôn khổ. Còn đối với những người thu nhập bình dân, mua chung cư mini có thể là lựa chọn trước mắt, nhưng về lâu dài chưa chắc đã phải là tối ưu.

Tuấn An

Đọc thêm