Câu chuyện môi trường

(PLVN) - Tổ chức Air Visual đưa thành phố Hà Nội vào Bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí (AQI) xấu nhất thế giới và xếp hạng Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới (chỉ số AQI luôn trên 200 - mức xấu). 
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Điều đáng nói là chỉ mỗi câu chuyện này đã cho thấy cách xử lý với thông tin khá thiếu nhất quán. Thấy nhân dân lo lắng nên đã có sự phản ứng vụng về là “biện minh”. Mới đây nhất, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa chính thức lên tiếng về việc này.

Theo đó, tại Hà Nội, trong thời gian từ ngày 12/9 đến ngày 29/9, AQI liên tục có những ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho biết, các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Đặc biệt, trong buổi sáng các ngày từ 25-30/9 ghi nhận một số trạm AQI giờ đã vượt ngưỡng 200, ở mức xấu. Đó là các trạm Hoàn Kiếm, Thành Công, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai, Sứ quán Mỹ và 556 Nguyễn Văn Cừ, tập trung vào khung giờ 0h-6h. Trong đó, từ 27-30/9 là những ngày có nhiều trạm và nhiều giờ AQI ở mức xấu nhất trong 2 tuần từ ngày 12-30/9.

Không nói thì ai cũng biết, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh – 2 đô thị lớn nhất nước ô nhiễm “toàn diện”: không khí, mặt nước, nước ngầm... Chỉ có điều về AQI, Tổng cục Môi trường nhấn mạnh “thời điểm giao mùa”.

Nếu như gia đình nào có con, cháu nhỏ không may bị sốt thời gian này, phải vào các bệnh viện trẻ em, nhất là Viện Nhi Trung ương mới thấy “hậu quả” ghê gớm như thế nào. Bình thường không dễ nhận ra.

Ô nhiễm (trong đó có ô nhiễm không khí) là cái “giá” của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Ở quốc gia nào trên thế giới cũng vậy, không riêng Việt Nam. Riêng Việt Nam, điều này nghiêm trọng hơn ở chỗ do phát triển thiếu quy hoạch và không có tầm nhìn. Cứ nhìn Hà Nội ở 2 điểm: một là, cứ “hở” ra đất là xây dựng chung cư để bán; hai là, nhiều tuyến đường dù mới vẫn chỉ khoảng 5 năm là phải xén dải phân cách. Thậm chí, cứ để ý các khu đô thị mới chưa mưa đã ngập cho thấy “tầm nhìn” của quy hoạch rất yếu kém.

Hà Nội phải làm gì? Nếu nhìn vào việc, từ năm 1954 đến nay diện tích mặt nước đã bị lấp gần 80%, các nhánh của sông Tô Lịch... đã bị “cống hóa”, nhà kính, nhà cao tầng và phương tiện giao thông cá nhân gia tăng chóng mặt thì ngay các chuyên gia đô thị nước ngoài cũng “bó tay”.

Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường 2014 cũng đã quy định rõ: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân”.

Tuy nhiên, cách nào để huy động sự tham gia một cách tự giác và tích cực của xã hội chung tay giải quyết các vấn đề liên quan đến ô nhiễm không khí hiện nay, lại là điều không đơn giản. Bài học về ô nhiễm của Hà Nội và TP. HCM luôn có giá trị cảnh cáo các nhà quy hoạch đô thị mới. 

Đọc thêm