“Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi”
Từ bao đời nay, người dân Việt Nam đã chú trọng tới việc đặt tên cho con bởi mỗi cái tên gắn bó với mỗi con người suốt cả cuộc đời. Không có một nguyên tắc chung nào cho việc đặt tên nhưng tên người Việt Nam thường gồm 3 phần chính là Họ + Tên đệm + Tên chính.
Nếu như ngày xưa phần lớn người dân Việt Nam quan niệm đặt tên con “xấu xấu” cho dễ nuôi thì ngày nay việc đặt tên cho con thường đẹp hơn, cầu kỳ hơn. Nhiều gia đình cũng chú trọng đặt tên cho con sao cho không “phạm húy”, không quá khó nghe, khó đọc. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp gặp vô vàn phiền toái vì chính cái tên cha mẹ đặt cho mình.
Năm 1987, ông Mai Văn Cán ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam “lỡ” sinh đứa con thứ năm. Vì ông vi phạm chính sách dân số nên chính quyền xã quyết định phạt ông 6.500 đồng. Ông Cán năn nỉ xin tha nhưng không được. “Giận” chính quyền, ông quyết định đặt tên con mình là Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi.
Can không được vì luật không quy định cụ thể về việc người dân phải đặt tên như thế nào, cán bộ hộ tịch đành phải ghi vào khai sinh cái tên Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi. Đến tận năm 2005, khi Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi được 18 tuổi, anh tự mình đi làm thủ tục thay đổi họ tên thành Mai Hoàng Long để bạn bè đỡ chê cười.
Cũng vì “giận” chính quyền địa phương, ông Từ Văn Đức ở Thanh Hóa đã đặt cho con gái thứ ba cái tên Từ Nay Tôi Xin Thôi. Mỗi khi bị bạn bè trêu chọc, Xin Thôi lại hậm hực với bố nhưng ông Đức cương quyết không đổi tên cho con.
Không “xấu” như mấy cái tên đã kể, cô gái có cái tên toàn những từ lung linh là Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương ở Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vẫn gặp không ít rắc rối vì cái tên dài lê thê của mình. Mỗi khi phải điền tên vào giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ, cô không biết phải làm thế nào để ghi cho đủ hết họ tên. Nay Dương đã lấy chồng, sinh con và cô cho biết sẽ không bao giờ đặt tên cho con quá 3 từ vì “một mình mẹ gặp rắc rối là đã quá đủ rồi!”.
Không được đặt tên hoàng tộc?
Trường hợp khác, anh Bảo Nguyên sinh ra trong gia đình thuộc Nguyễn Phước tộc, tức thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn. Theo quy định của dòng họ, con trai sinh ra được đặt là Nguyễn Phước hoặc Nguyễn Phúc cộng với một trong hai mươi tên lót cộng với tên chính. Còn đối với con gái thì đặt là Tôn Nữ + tên lót + tên.
Tuy nhiên, do kỵ húy nên trên thực tế tên của nam không có Nguyễn Phúc hoặc Nguyễn Phước mà chỉ có hai thành phần phía sau (tên lót + tên), còn họ thì được ngầm hiểu. Do đó, tên của tất cả mọi người thuộc phái nam trong gia tộc nhà anh đều không có “Nguyễn Phúc” và tên của tất cả mọi người thuộc phái nữ đều là Tôn Nữ + tên lót + tên. Năm 2012, anh Bảo Nguyên sinh con gái đầu lòng nên đến UBND phường 3, quận Tân Bình để đăng ký khai sinh cho con là Tôn Nữ Quỳnh Phương nhưng không được chấp nhận.
Theo qui định tại Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì: “Khi đăng ký khai sinh, họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ”. Như vậy, về nguyên tắc, dù theo tập quán hay theo sự thỏa thuận, lựa chọn của cha, mẹ thì khi khai sinh, đứa trẻ cũng chỉ có thể mang họ của cha hoặc của họ mẹ chứ không thể mang họ khác được.
Anh Bảo Nguyên “không phục” bởi anh biết ở huyện Hoài Đức, Hà Nội có hẳn một làng chuyên lấy tên đệm của cha làm họ đặt cho con gái và ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên có hẳn 9 dòng họ lớn khi sinh con trai đều để họ đằng sau tên đệm như Đỗ Tràng, Đỗ Trí (Đỗ là tên đệm, Tràng và Trí mới là họ - PV), trong khi con gái thì lại để họ đứng đầu tên gọi như bình thường. Anh Bảo Nguyên cũng dẫn chứng về hàng loạt trường hợp người dân tùy tiện lấy tên Nokia, Samsung, Motorola đặt cho con… để thuyết phục cán bộ hộ tịch, nhưng yêu cầu của anh vẫn không được chấp nhận.
Luật còn quy định chung chung
Điều 26 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó”, “Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.
Điều 27 Bộ luật này cũng quy định cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong trường hợp việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó. Người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình, người được xác định lại giới tính… cũng có quyền thay đổi họ, tên. Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ.
Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về việc đặt tên của một người nên mới có những chuyện bi hài xung quanh tên gọi, chẳng hạn tên quá dài, quá xấu, đặt theo tên các lãnh tụ, các anh hùng dân tộc, tên thần thánh, tên “nửa Tây, nửa ta”. Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng cần có khung pháp luật về đặt tên để các tên gọi phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Nhiều nước đã có điều luật cấm đặt tên xấu
Tại Mexico, tháng 12/2013 nhà chức trách nước này đã ban hành một điều luật cấm sử dụng tên gọi nhằm châm biếm hay sỉ nhục ai đó. Tại Đức, các bậc cha mẹ không được phép dùng tên thị trấn hay thương hiệu để đặt cho con mình.
Nghiêm trọng hơn, tại Ai Cập, hồi tháng 9/2013, một nông dân đã bị bắt sau khi ông này đặt tên con lừa của mình theo tên của tướng Abdel Fattah al-Sisi, Tổng Tư lệnh lực lượng vũ trang Ai Cập. Tại NewZealand, hồi tháng 10/2013, Bộ Nội vụ đã đưa ra một danh sách 77 cái tên cấm cha mẹ không được phép đặt cho trẻ.