Nô nức đổ về Thanh Hóa săn chim đêm

(PLO) - Mỗi năm, khi đàn chim di cư kéo về chao liệng kín mít trên những ngọn đồi của người dân xứ Mường thuộc bản Đồng Chư (xã Thành Công, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa), những tay thợ săn bản lại nô nức “trẩy hội” săn chim đêm.
Thợ săn chim mang theo nỏ, dao, mũi tên, đèn pin và cả súng
Thợ săn chim mang theo nỏ, dao, mũi tên, đèn pin và cả súng
Khi ánh mặt trời khuất dần xuống đỉnh núi là lúc hành trình săn chim đêm bắt đầu. Những tay thợ săn trong bản kiểm tra đồ nghề như: Dây nỏ, tên bắn chim, súng đạn, đèn pin, túi đựng, dao đi rừng... Anh Bùi Văn Công, một thợ săn đang kiểm tra lại độ chắc chắn của dây nỏ cho biết: “Mới tối hôm qua mình tôi bắn hạ được 11 con chim”. 
Đúng 18h, đoàn thợ săn đã tập trung ở đầu bản, ai cũng trang bị những chiếc nỏ được đẽo trơn tru và hàng chục mũi tên, ngoài ra còn có súng hơi, súng tự chế… Cùng đi còn có một số “tay” nghiệp dư ở bản khác cũng đến góp vui, gửi xe máy dưới chân đồi. Khi trời tối hẳn, cánh thợ săn đã ở bìa rừng, chỉ chờ chim ngủ say là xuất phát. 
Trèo lên đỉnh đồi, các “tay nỏ” kiểm tra kỹ lại đồ nghề rồi tiếp tục tiến sát vào cánh rừng trồng keo của bản. Anh Công nói: “Cứ đi và nói chuyện thoải mái, loại chim này ngủ kỹ lắm, mình bắn trượt một mũi tên vẫn có thể lên nỏ bắn lại mũi tên thứ hai. Dân ở đây gọi loại chim này là chim mùa đông”.
Loài chim lạ khá giống với loài Diều mốc
Loài chim lạ khá giống với loài Diều mốc
Giữa tiếng bước chân sột soạt trên những lá keo khô, bất chợt vang lên tiếng súng hơi đầu tiên, sau đó là tiếng chim kêu. Liên tiếp sau đó là tiếng lên nỏ, tiếng mũi tên xé gió và tiếng kêu thất thanh trong đêm tối của những chú chim trúng tên.
Anh Công phát hiện một con chim đang rúc đầu vào cánh, tập trung rọi đèn pha sáng quắc lên ngọn cây để xác định mục tiêu, vị trí chú chim cách gốc cây khoảng 20m. Người thợ săn chĩa nỏ, buông tay, trong giây lát, chú chim mùa đông trúng tên rơi xuống đất. Anh chạy lại túm lấy cánh, rút mũi tên đang găm vào ức con chim.
Tiếng súng, tiếng nỏ bắn vẫn không ngớt. Có những con chim bị bắn trúng đùi, cố gắng vùng vẫy bay lên để thoát thân. Một thợ săn bình luận: “Những con chim đó trước sau cũng chết thôi”. Người này còn chia sẻ kinh nghiệm: Khi ngắm nỏ tuyệt đối phải tránh cành cây, lúc chuẩn bị bóp cò phải nín thở và ngắm đúng ức của chim, tuyệt đối không được run tay.
Hành trình săn chim diễn ra thâu đêm, nhìn từ ngọn đồi này sang ngọn núi kia vẫn thấy những ánh đèn pin lóe sáng. Đã về khuya nhưng những tiếng súng, nỏ vẫn vang lên từng loạt. Chỉ qua một đêm, đàn chim mùa đông trú ngụ trên các ngọn đồi của bản chỉ còn lác đác vài con. Thợ săn ở bản hồn nhiên nói: “Thịt chim ngon thì bắn”.
Cụ Bùi Văn Hoan (78 tuổi) nói về nguồn gốc loài chim di cư trên: “Loài chim này khá giống với loài diều mốc, thân hình tròn, cánh rộng, đuôi rộng, nặng đến vài trăm gam, thịt thơm và rất ngon”. Theo cụ suy đoán, loài chim này từ châu Âu di cư về một số nước ở châu Á để tránh mùa đông lạnh giá. 
Anh Quách Văn Thượng, Phó Chủ tịch xã Thành Công cho biết: “Tình trạng săn bắn chim mùa đông tại một số bản trên địa bàn vẫn thường xuyên xảy ra. Chúng tôi đã kết hợp với kiểm lâm để kiểm soát. Tuy nhiên, đàn chim thường bay về với số lượng lớn và chỉ trong một vài ngày, khiến việc tuần tra kiểm soát rất khó khăn. Các tay thợ săn thường đi vào ban đêm, lợi dụng sự sơ hở của cơ quan chức năng để săn bắn”.

Đọc thêm