Câu chuyện “trôi sông”

(PLVN) - Có lẽ dòng sông nào cũng chảy, nên sông trôi là hợp lẽ tự nhiên. Thế nhưng “trôi sông” là điều bất bình thường. Khi tiếng Việt dùng đến “trôi sông” là nói đến những điều đau đớn.
Tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng
Tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng

Sau 5 ngày rạn nứt, đoạn quốc lộ 91 (QL91) qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang bị sụp xuống sông Hậu rạng sáng 1/8. 

QL91 dài 142 km, nối từ TP. Cần Thơ đến cửa khẩu Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Năm ngày trước, tại khu vực sạt lở này đã xuất hiện vết nứt kéo dài hơn 50 m, ăn sâu vào giữa đường. UBND An Giang đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Phải nói rằng, QL91 là một trong những tuyến đường huyết mạch của An Giang và các địa phương lân cận cũng như giao thương với Campuchia. 

Theo như lãnh đạo An Giang thì câu chuyện QL91 “trôi sông” sẽ được báo cáo nhanh về Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan để sớm tìm nguyên nhân và giải pháp xử lý. Không riêng An Giang, nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều bị sạt lở. Năm ít, năm nhiều, không nơi này thì nơi khác.

Theo các nhà khoa học thủy lợi, nằm ở cuối nguồn sông Mê Công, ĐBSCL được biết đến như một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của các dự án thủy điện của các quốc gia đầu nguồn và chuyển nước đang triển khai trên thượng nguồn. Tác động của các dự án hồ chứa trên dòng chính cùng với các hiệu ứng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra đã tạo nên “mối đe dọa kép” thách thức sự tồn tại của ĐBSCL. Tình trạng sạt lở đang gia tăng về phạm vi và cường độ chính là biểu hiện của “mối họa kép” đã được dự báo.

Có nguyên nhân về địa chất, địa mạo; có nguyên nhân từ bên ngoài, từ khách quan, nhưng không thể không “vạch mặt chỉ tên” nguyên nhân của chính con người, từ con người. Nguyên nhân cốt lõi của sụt lún nền đất là do phát triển kinh tế và bùng nổ dân số đã kéo theo gia tăng khai thác nguồn nước ngầm tràn lan và mở rộng ồ ạt mạng lưới hạ tầng, tạo ra sức ép rất lớn lên nền đất  Và việc khai thác cát cả hợp pháp và phi pháp phục vụ nhu cầu xây dựng và dân sinh đã tạo ra các hố sâu khổng lồ dưới đáy sông, làm thay đổi gần như vĩnh viễn lòng sông và đặc tính dòng chảy tự nhiên. Trước tòa phán xử thì “trôi sông” con người vừa là “nạn nhân”, vừa là “thủ phạm”.

Trong khi chờ các bộ, ngành “vào cuộc” tìm nguyên nhân và giải pháp như mong muốn của An Giang thì các nhà khoa học trước đó đã nói rằng: quy hoạch đô thị và công nghiệp phải tính kỹ yếu tố bền vững, gia tăng diện tích rừng che phủ để làm giàu lượng nước ngầm và hạn chế tối đa các hoạt động thăm dò, khai thác cát nhất là trên các sông Tiền và sông Hậu là những hành động cần thiết phải làm.

Nói thật là, không phải chỉ hạ tầng giao thông, nhà cửa, vườn tược của người dân nơi này nơi khác bị “trôi sông” do sạt lở mà nhiều, rất nhiều thứ tiếp tục “trôi sông” do chính con người. Chúng ta đang làm cho nhiều thứ thuộc về nguồn lực “trôi sông”, không gian sống “trôi sông” và bị đe dọa. 

Đọc thêm