Câu hỏi bỏ ngỏ trước ngưỡng cửa đại học

(PLVN) - Theo số liệu thống kê sơ bộ năm 2024 đối với 137 trường đại học và học viện tại các tỉnh phía Bắc tính từ Thanh Hóa trở ra (không bao gồm các trường quốc tế) có 35 trường đại học đang đào tạo đa ngành, tương đương với 25,5% trong tổng số. Trong đó gồm 15 trường có trụ sở tại Hà Nội (chiếm 43%) và 20 trường phân bố tại 16 tỉnh, thành phố khác (tỉnh Bắc Ninh có nhiều nhất với 3 trường).
Ảnh minh họa

Các trường đại học đa ngành này đang là nguồn cung cấp nhân lực phong phú có chất lượng, kiến thức tốt làm động lực cho sự phát triển ngay tại từng địa phương (9 trường do UBND tỉnh, thành phố đứng ra thành lập) và các khu vực vùng miền (3 trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo). Trong công cuộc xã hội hóa giáo dục mạnh mẽ hiện nay, hình thức trường đại học tư thục đang rất phát triển và cung cấp thêm 13 trường đa ngành với quy mô khá lớn cho khu vực miền Bắc.

Theo công bố trong đề án tuyển sinh hoặc thông báo tuyển sinh của 35 trường đại học nêu trên, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm học 2024 - 2025 các trường là hơn 90 nghìn sinh viên. Trong đó, Top 10 trường đại học có chỉ tiêu tuyển sinh số sinh viên cao nhất là: Đại học Phenikaa (Hà Nội) - 11.296 (cho 53 chuyên ngành), Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - 7.030 (28 chuyên ngành), Đại học Vinh (Nghệ An) - 5.050 (62 chuyên ngành), Đại học Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh) - 5.000 (20 chuyên ngành), Đại học Đại Nam (Hà Nội) - 4.750 (36 chuyên ngành), Đại học Mở Hà Nội - 4.100 (21 chuyên ngành), Đại học Hải Phòng - 3.336 (28 chuyên ngành), Đại học Hòa Bình (Hà Nội) - 3.129 (27 chuyên ngành), Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) - 2.926 (37 chuyên ngành), Đại học Hạ Long (Quảng Ninh) - 2.300 (24 chuyên ngành). Ngoài ra, nếu theo số liệu năm 2023 (chưa có số liệu chính thức năm 2024), Đại học FPT đã có tổng chỉ tiêu tuyển sinh 20.080 sinh viên với 18 chuyên ngành (cho cả 5 cơ sở tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh) và Đại học Lương Thế Vinh (Nam Định) với 2.356 sinh viên (15 chuyên ngành)...

Nhìn vào các số liệu và chỉ tiêu tuyển sinh trong các năm gần đây của các trường đại học tư thục, không ít người sẽ “choáng” với tốc độ “tăng trưởng nóng” này. Việc đa dạng và linh hoạt trong các phương thức, tiêu chuẩn tuyển sinh của các trường tư thục giúp cho việc trở thành sinh viên không còn khó khăn như nhiều thập kỷ trước (đặc biệt là tiêu chuẩn về trình độ học lực đầu vào đã được hạ thấp yêu cầu). Giờ đây muốn học đại học cần phải có đủ khả năng tài chính để đóng học phí và chi phí liên quan tối thiểu không hề nhỏ (từ khoảng 150 triệu tới hàng trăm triệu đồng) cho các trường đại học trong cả khóa học từ 3,5 tới 5 năm học.

Nhưng sau khi hoàn thành khóa học, trình độ và kiến thức đã thu nhận của sinh viên liệu có mang lại thu nhập thỏa đáng theo kỳ vọng của bản thân hay không, đây vẫn là câu hỏi còn đang bỏ ngỏ.

Một câu hỏi bỏ ngỏ nữa là tấm bằng đại học liệu có bảo đảm cho sinh viên sẽ thành công và có việc làm tốt hay không? Theo nghiên cứu năm 2020 của Đại học Bách khoa Hà Nội (do GS. TS Vũ Văn Yêm, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, ThS Nguyễn Yến Chi chủ trì), chỉ có khoảng 5% sinh viên Việt Nam có việc làm đúng chuyên ngành (đã được đào tạo) trong vòng 1 năm sau khi tốt nghiệp đại học. Cũng trong 1 năm đầu tiên này, có tới khoảng 25% phải làm các công việc hoặc nghề nghiệp không liên quan đến chuyên ngành đào tạo.

Có nhiều nguyên nhân từ nhiều bên đã dẫn tới tình trạng đáng báo động này. Đối với các cơ sở giáo dục đại học, nguyên nhân có thể do chuyên ngành và nội dung chương trình đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội hoặc do chất lượng giảng viên còn thấp. Đối với các sinh viên, nguyên nhân có thể do trình độ kiến thức và kỹ năng chưa đáp ứng yêu cầu của công việc hoặc đã lựa chọn ngành nghề không phù hợp với khả năng của bản thân.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo dành thời gian từ thời điểm cho phép thời hạn các cơ sở giáo dục đại học công bố Đề án tuyển sinh chính thức cho tới khi thí sinh đăng ký dự tuyển quá ngắn nên luôn khiến cho các học sinh và gia đình rất bối rối, vội vàng trong việc tham khảo, so sánh thông tin của hàng loạt trường để đưa ra quyết định lựa chọn dự tuyển (đơn cử như, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2024 (theo Quyết định số 1139/QĐ-BGDĐT ngày 15/4/2024) cho phép thời hạn các cơ sở giáo dục đại học công bố Đề án tuyển sinh (bản chính thức) trên cổng thông tin tuyển sinh của mình ít nhất 30 ngày (tức là vào ngày 10/7/2024) trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển, nguyện vọng xét tuyển (từ 10/7/2024 đến 17h ngày 25/7/2024). Thời hạn và kế hoạch này được đánh giá là không khác nhiều so với các năm gần đây).

Thông thường, các thông tin trong đề án tuyển sinh được thí sinh đặc biệt quan tâm là: chuyên ngành đào tạo, chương trình học, mức học phí, chỉ tiêu tuyển sinh cùng các tiêu chuẩn và phương thức xét tuyển. Mỗi chuyên ngành yêu thích của thí sinh có thể được triển khai đào tạo ở rất nhiều trường khác nhau. Nhưng nếu chỉ có hơn 30 ngày để nghiên cứu và đưa ra lựa chọn cuối cùng phù hợp nhất là không hề dễ dàng, rất dễ dẫn đến những sai lầm phải trả giá đắt.

Hy vọng các bên có liên quan đến lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam sẽ cùng nhìn nhận thấu đáo về những vấn đề này, để giúp cho thế hệ tương lai có khởi đầu thuận lợi nhất khi bước vào đời sau tuổi 18.

Đọc thêm