Câu hỏi tuyệt vọng của cô gái trẻ có mẹ lĩnh án tử

Bị dẫn giải ra xe đặc chủng về trại giam, giữa vòng kiểm soát của lực lượng cảnh sát tư pháp, Hoa quay quắt gọi tên con. Sau lưng người phụ nữ, Trâm chạy theo, đưa tay về phía mẹ nhưng càng với thì càng tuyệt vọng. Khi bà Hoa vào xe, Trâm chỉ biết đứng bất động, nước mắt dàn dụa. Nhìn chiếc xe đặc chủng chuyển bánh, Trâm đổ khuỵ giữa sân toà, miệng kêu lên “Mẹ ơi, giờ con biết phải làm sao?!”.

22 tuổi nhưng nhìn Trâm chẳng khác nào trẻ vị thành niên. Dáng người to bè khiến bước đi của em thêm chậm chạp. Sau khi sắp xếp cho hai em ăn uống, Trâm vội vã đến toà, với mong ước một bản án nhẹ dành cho mẹ để bà có thế trở về với ba chị em cô.

"Trượt chân" vì người mới quen

Nguyễn Thị Hoa (SN 1966, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cùng ba con gái sống trong một căn nhà nhỏ. Cuộc sống càng vất vả hơn khi chồng chị vừa qua đời trong một tai nạn. Một nách ba con còn nhỏ dại, Hoa vừa đi giúp việc vừa làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Khoảng tháng 3/2012, thông qua bạn trai cũ tên Minh (không rõ lai lịch), Hoa quen biết với Trần Thị Phương Trinh (tự Thảo, SN 1984, ngụ phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM).

Sau vài lần gặp gỡ, Trinh biết hoàn cảnh của Hoa nên rủ người chị mới quen đi vận chuyển quần áo cũ từ châu Phi về Philippines. Mỗi chuyến đi 10 - 15 ngày sẽ được hưởng tiền công 2.000 USD (tương đương 40 triệu đồng). Chưa một lần đi nước ngoài nhưng nghĩ đến khoản tiền thù lao nhận được sẽ dùng để sửa chữa nhà bị dột, các con sẽ có quần áo mới và sách vở để đến trường, Hoa đồng ý.

Bị cáo Hoa đau đớn gọi tên con.

Ngày 19/4/2012, Hoa cùng Trinh đi ôtô khách qua Campuchia rồi lấy vé máy bay để Hoa đi Abjdian (một thành phố của Bờ Biển Ngà). Khi đến nơi, Hoa được một phụ nữ người châu Phi đến đón về khách sạn. Trong thời gian ở khách sạn thì Hoa nhận điện thoại hỏi thăm sức khoẻ từ Thu (một người bạn của Trinh) cho Hoa biết đang đi vận chuyển ma túy cho Trinh.

Mặc dù chưa hiểu rõ sự tình nhưng vì đã “phóng lao” nên Hoa đành “theo lao”. Vài hôm sau, người phụ nữ da đen lần trước đến khách sạn, dẫn Hoa đi mua quần áo cũ. Sau đó bà ta giao cho Hoa giữ một chiếc vali “hàng mẫu”.

Theo kế hoạch, đến ngày 30/4/2012, Hoa tiếp tục lên máy bay đi từ Abidjan đến Philipines giao hàng. Tuy nhiên, khi đến cửa khẩu sân bay thì nhà chức trách không cho Hoa nhập cảnh do vé máy bay không đúng tên. Vì vậy, Hoa buộc phải mua vé máy bay quay trở về Việt Nam.

Sáng sớm 4/5/2012, khi Hoa xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì bị kiểm tra hành lý và bắt quả tang dưới tấm lót đáy vali có giấu một túi nilon chứa 5,15 kg chất rắn. Qua giám định, số chất rắn trên có chứa thành phần Methamphetamine, thường gọi là hàng đá.

Từ lời khai của Hoa, ngày 7/5/2012, cơ quan cảnh sát điều tra – công an TP.HCM đã bắt khẩn cấp Trần Thị Phương Trinh. Theo Trinh thì khoảng tháng 3/2011, Trinh quen một người phụ nữ tên Lan (không rõ lai lịch) và được Lan thuê đi sang Châu Phi xách quần áo về Campuchia với tiền công và chi phí tổng cộng 1.900 USD.

Từ tháng 6/2011, Trinh đã 4 lần vận chuyển “hàng mẫu” từ Châu Phi về Campuchia. Chỉ đến lần thứ 5, do vô tình mở vali ra thì phát hiện ma tuý nên cô báo với Lan sẽ không tiếp tục vận chuyển hàng nữa. Tuy nhiên, Trinh vẫn đồng ý giới thiệu người khác thay chỗ cho mình. Mỗi chuyến thành công, Trinh được Lan trả hoa hồng từ 400 đến 500 USD.  

Trinh đã thu được 5.700 USD tiền công vận chuyển ma tuý và giới thiệu nhiều người tham gia đường dây với số tiền huê hồng nhận được khoảng 3.250 USD. Mặc dù có rất nhiều phụ nữ được Lan và Trinh thuê vận chuyển ma tuý nhưng vì các đối tượng này đều phạm tội ngoài lãnh thổ Việt Nam nên cơ quan điều tra không có cơ sở để điều tra, xử lý.

Phạm tội dẫu chưa nhận một đồng thù lao

Sáng hôm đó, TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử 2 vụ án “vận chuyển trái phép chất ma tuý” mà 4 bị cáo đều là  nữ. Đứng trước vành móng ngựa, sau khi nghe Trinh khai nhận tội trạng, Hoa cũng run rẩy thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố. Lần đầu phạm tội, Hoa biết chỉ có thành khẩn mới mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Bị cáo Hoa cho biết mình đã thực sự bị số tiền công mà Trinh hứa trả mê hoặc bởi thế nên mới đồng ý đi nước ngoài. Sang Châu Phi, không một đồng mang theo, Hoa chỉ biết làm theo sự chỉ dẫn của Trinh.

Sau khi nghe bạn của Trinh điện thoại bảo là đang giúp Trinh vận chuyển ma tuý, Hoa cũng đã mơ hồ biết công việc của mình. Vì lo sợ, Hoa cũng đã mở vali kiểm tra hành lý nhưng chỉ thấy quần áo cũ. Chỉ có điều, Hoa phát hiện chiếc vali này có 2 đáy nhưng lại không dám kiểm tra vì “sợ”.

Và cũng chính vì “biết” mà vẫn xách vali hàng mẫu về nước nên Hoa phải chịu trách nhiệm với 5,15 kg ma tuý này. Cho đến khi bị bắt quả tang với số ma tuý trên, Hoa vẫn chưa nhận được một đồng tiền thù lao nào. Thế nhưng tội vẫn là tội.

Với hành vi phạm tội nêu trên, đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình dành cho cả hai bị cáo Trinh và Hoa mới đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.  

Trinh (trước), Hoa (sau) khóc ròng sau khi toà tuyên án tử.

Được nói lời nói sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án, bị cáo Hoa bật khóc nức nở. Tiếng được, tiếng mất, Hoa nói “Trong thời gian ở tù bị cáo rất hối hận khi đã trót vướng vào đường dây vận chuyển ma tuý.

Bị cáo biết mình đã phạm vào tội mà có thể bị xử mức án cao nhất nhưng xin HĐXX xem xét cho hoàn cảnh của bị cáo mà cho bị cáo có một con đường sống để trở về với ba đứa con nhỏ dại đã sớm mất cha giờ cũng không có mẹ bên cạnh”. Không chỉ Hoa mà dưới hàng ghế dự khán, Trâm cũng nước mắt chảy dài khi nghe những lời đầy ăn năn của mẹ.

Mất mẹ, con biết ra sao…

Bên khung cửa sổ toà sơ thẩm, Trâm đứng cô đơn với những giọt nước mắt đau thương. Cô gái trẻ cho biết từ ngày mẹ bị bắt, Trâm vừa là cha, vừa làm mẹ. Em phải thay đấng sinh thành nuôi dạy và chăm sóc hai cô em gái đang tuổi đến trường.

Ngày mẹ bị bắt, Trâm như suy sụp hoàn toàn. Nỗi đau mất cha chưa nguôi giờ lại thêm nỗi buồn vắng mẹ. Nhìn hai cô em gái suy sụp, Trâm lại phải nén lòng đứng dậy động viên các em. Với số tiền lương 2 triệu từ công việc rửa chén thuê, Trâm nghĩ mình và các em sẽ không thể sống nổi. Nhưng em biết chỉ có cách bám trụ tại quán ăn này thì ba chị em em mới có cái ăn.

Trâm ấp úng cho biết: “Mặc dù việc làm ở đây lương thấp nhưng được cái chủ quán rất thương em vì họ biết hoàn cảnh".

Trâm, con bị cáo Hoa, ngã quỵ giữa sân toà.

Những lần được vào thăm mẹ, cả bốn mẹ con đều khóc ròng. “Mẹ đã xin lỗi tụi em vì đã làm tụi em khổ. Mẹ cũng dặn ngày xét xử không được cho các em đi theo vì sợ hai đứa khóc. Mẹ còn nói em nếu mẹ không được trở về mà cuộc sống quá khó khăn thì em hãy cho một trong hai đứa em nghỉ học. Mặc dù nói thế nhưng em biết mẹ buồn lắm. Vì trước kia có túng thiếu đến thế nào mẹ vẫn vay mượn để đóng học phí cho các con. Mẹ không muốn tụi em phải khổ như cha mẹ…”.

Tiếng chuông tuyên án vang lên cắt đứt dòng suy nghĩ của cô gái trẻ. Em luống cuống chạy vào phòng xử mặc những giọt nước mắt vẫn chưa kịp khô.

Chỉ vì lợi nhuận mà các bị cáo đã xem thường pháp luật khi vận chuyển ma tuý về Việt Nam. Hành vi đó là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến xã hội, gây ra nhiều vấn nạn… Sau khi nghị án, HĐXX quyết định tuyên phạt Nguyễn Thị Hoa và Trần Thị Phương Trinh cùng nhận mức án tử hình về tội “vận chuyển trái phép chất ma tuý”. Mức án vừa tuyên, Hoa và Trinh đều khuỵ ngã dưới vành móng ngựa.

Bị dẫn giải ra xe đặc chủng về trại giam, giữa vòng kiểm soát của lực lượng cảnh sát tư pháp, Hoa quay quắt gọi tên con. Sau lưng người phụ nữ, Trâm chạy theo, đưa tay về phía mẹ nhưng càng với thì càng tuyệt vọng. Khi bà Hoa vào xe, Trâm chỉ biết đứng bất động, nước mắt dàn dụa. Nhìn chiếc xe đặc chủng chuyển bánh, Trâm đổ khuỵ giữa sân toà, miệng kêu lên “Mẹ ơi, giờ con biết phải làm sao?!”.

Quốc Bảo

Đọc thêm