Câu lạc bộ gia đình – hoạt động chung vì hạnh phúc riêng

Sở dĩ nói như vậy vì mô hình câu lạc bộ gia đình qua thực tiễn hoạt động đã mang đến những hiệu quả bất ngờ. Đó là những con người hồi tâm chuyển hướng, đó là những gia đình ấm êm, hạnh phúc. Bạo lực, mâu thuẫn, tệ nạn…, mọi thứ dường như đã ở phía bên kia của cánh cửa ngôi nhà.

Sở dĩ nói như vậy vì mô hình câu lạc bộ gia đình qua thực tiễn hoạt động đã mang đến những hiệu quả bất ngờ. Đó là những con người hồi tâm chuyển hướng, đó là những gia đình ấm êm, hạnh phúc. Bạo lực, mâu thuẫn, tệ nạn…, mọi thứ dường như đã ở phía bên kia của cánh cửa ngôi nhà.

Một buổi sinh hoạt của mô hình Câu lạc bộ gia đình

Dù ở “kênh” nào cũng phát huy hiệu quả

Chia sẻ của anh Nguyễn Văn Tú tại một hội nghị liên tịch về quản lý, giáo dục con em không mắc tệ nạn xã hội do Bộ Công an tổ chức đã khiến người nghe ngạc nhiên. Bởi thành công của một câu lạc bộ đã giúp người thanh niên này từ “con nghiện” trở về là “con người”. Quê ở huyện Hương Sơn, Hòa Bình, con một, thiếu sự quan tâm của người cha, Tú đã sa vào con đường nghiện hút.

Một lần bị công an bắt quả tang khi cùng đám bạn đang phê thuốc, Tú bị đưa vào trại cai nghiện tập trung. Cai xong, Tú được mẹ đưa về quê tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Tây để tránh xa đám bạn cũ. Đúng lúc đó, Hội phụ nữ xã đã đến giúp đỡ và nhận Tú vào học nghề mộc tại xưởng của gia đình. Được sự động viên, chăm sóc từ chỗ ăn, ở Tú đã xóa đi mặc cảm, chịu khó học tập và trở thành người thợ có tay nghề vững vàng.

Hiện Tú đã có việc, thu nhập ổn định với mức 40.000đ/ngày; có một gia đình hạnh phúc với hai cháu gái lên 5 và 3 tháng tuổi.  Nguyễn Văn Tú là một trong những ví dụ thành công của “Câu lạc bộ phòng chống ma tuý-tệ nạn xã hội từ gia đình” huyện Thường Tín  - mô hình do Hội LHPN huyện Thường Tín thực hiện.

Tuy không thuộc “kênh” CLB gia đình do Bộ VH-TT&DL triển khai,  nhưng ví dụ nói trên  đã cho thấy tầm quan trọng của hình thái CLB gia đình trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình và sự bình yên của xã hội. Thời gian gần đây, đi đôi với việc công tác gia đình được chú trọng quan tâm về mọi mặt, mô hình Câu lạc bộ gia đình đã có được “đất tốt” để phát huy hiệu quả.

Được Bộ VH-TT&DL hỗ trợ kinh phí để duy trì (mỗi tỉnh, thành 5 CLB Xây dựng gia đình phát triển bền vững, mỗi CLB có trung bình 25 gia đình tham gia), đến nay, trên 63 tỉnh thành đã có 320 CLB và 8.000 gia đình là thành viên tham gia. CLB không những là nơi để triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về PCBLGĐ, giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống gia đinh, sức khỏe sinh sản…, mà còn là nơi vui chơi, giải trí của các gia đình ở cộng đồng.

Thành viên của CLB là các gia đình với một loạt các mối quan hệ phổ biến trong gia đình như vợ - chồng, bố mẹ - con, ông bà – cháu… Chính vì vậy khi tham gia CLB, các thành viên không chỉ được truyền thông mà còn giao lưu, thể hiện bản thân mình, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, để tiến tới biết cách hóa giải mâu thuẫn trong gia đình, hạn chế bạo lực, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Địa phương chủ động nhân rộng

Tuy mỗi tỉnh thành, Bộ VH-TT&DL chỉ hỗ trợ kinh phí để duy trì 5 CLB, nhưng đến nay, từ những thành công vượt mức mong đợi, đã có rất nhiều địa phương đã chủ động nhân rộng số CLB Xây dựng gia đình phát triển bền vững bằng nguồn kinh phí địa phương.

Cụ thể, tại Đồng Tháp đã triển khai mô hình trên 144/145 xã phường thị trấn với 149 CLB được thành lập mới; Bạc Liêu bằng nguồn kinh phí địa phương đã nhân rộng thêm 50 CLB ở 12 xã phường; Hải Dương nhân rộng thêm 30 CLB ở 6 huyện, thị xã; Đồng Nai có 285 CLB; TP.HCM 2.746 CLB, Bắc Giang 374 CLB… Tính đến nay, tổng số CLB do cả trung ương và địa phương triển khai là 7.778 CLB – nơi sinh hoạt của 525.000 hộ gia đình.

Theo báo cáo của các địa phương, bên cạnh những mặt ưu việt khác, mô hình CLB gia đình được xem là giải pháp hữu hiệu trong việc phát hiện, ngăn chặn về số vụ cũng như tính chất nghiêm trọng của BLGĐ, điển hình như CLB ấp Rau Dừa xã Hưng Mỹ huyện Cái Nước, Cà Mau; CLB ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông, Đồng Tháp; CLB phố Đông Lân thành phố Thanh Hóa; CLB thị trấn Phú Minh, Phú Xuyên, HN… Nhiều gia đình, khi mới bắt đầu tham gia CLB, có rất nhiều mâu thuẫn. Thế nhưng, sau khi được tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức, thậm chí một số hộ còn được hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế, nên những mâu thuẫn trong gia đình đã giảm hẳn, tiến tới xóa bỏ nạn BLGĐ.

Mô hình CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc đã từ lâu được Hội LHPN Việt Nam triển khai.  Tại đây, các thành viên cũng được học hỏi những kinh nghiệm trong làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình, tư vấn cách nuôi dạy con cái, cách ứng xử giữa mẹ chồng - nàng dâu... Thành viên của CLB rất đa dạng gồm: cán bộ, công nhân viên chức, những người làm công tác nghiên cứu khoa học, người lao động nghèo… với nhiều độ tuổi khác nhau. Không chỉ vậy, CLB còn là nơi hòa giải, hàn gắn hạnh phúc cho nhiều đôi vợ chồng; đứng ra bảo lãnh cho những thành viên nghèo được vay vốn làm kinh tế gia đình...  Đại hội Phụ nữ toàn quốc đã khẳng định mô hình CLB XDGĐHP là một trong những mô hình phát huy hiệu quả trong việc xây dựng gia đình theo tiêu chí no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

An Nhiên – Linh Đan

Đọc thêm