Chúng em rất cần những sân chơi như vậy
Thuộc mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, CLB tiền hôn nhân của tỉnh Khánh Hòa được thành lập trên địa bàn tỉnh từ năm 2011. Và tính đến tháng 10/2016 toàn tỉnh đã phát triển được 12 CLB tại 8/9 huyện, thị xã, thành phố. Trao đổi với báo chí, em Trần Bích Nhi - thành viên CLB Tiền hôn nhân Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa cho biết: “Em tham gia hoạt động CLB từ năm 2012. Mới đầu rụt rè, nhưng qua sinh hoạt em dần dần mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp. Chúng em rất cần những sân chơi, những giờ ngoại khóa để được tìm hiểu nâng cao kiến thức, được tư vấn, chia sẻ, bình đẳng như nam giới”.
Tương tự, được triển khai tại Huế từ năm 2003, mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” được hầu hết các phường tham gia; trong đó hoạt động của 22 CLB tiền hôn nhân được duy trì và phát huy hiệu quả. Đơn cử như CLB tiền hôn nhân phường Phú Hoà thành lập năm 2014. Mỗi buổi sinh hoạt của CLB được bắt đầu bằng việc nói chuyện chuyên đề về sức khoẻ sinh sản tuổi vị thành niên, cách phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhiều câu hỏi được đặt ra và được giải đáp tận tình, chu đáo, cởi mở ngay trong từng buổi nói chuyện. Bằng sự thiết thực, chất lượng, mỗi đợt nói chuyện có từ 18-25 bạn trẻ tham gia.
Có thể nói về số lượng, tuy chưa thống kê đầy đủ, nhưng hầu như ở các địa phương đều có những CLB tiền hôn nhân. Tại Đắk Lắk có 33 CLB tiền hôn nhân đang hoạt động ở 8 huyện, 39 xã, với 1.130 thành viên; tỉnh Long An có 37 CLB tiền hôn nhân được chọn làm điểm, đến nay, nâng lên hơn 50 CLB; tại Hải Phòng, mô hình CLB này được triển khai tại 40 xã thuộc 14 quận, huyện với hơn 7.200 thành viên tham gia, hiện nay, hoạt động của 142 câu lạc bộ với hình thức tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân được duy trì trên toàn thành phố... Số lượng thành viên của các CLB trung bình khoảng 15-20 người; độ tuổi của thành viên các CLB gồm những thanh niên từ 18 tuổi trở lên, nhưng có nơi lại thu hút cả thiếu niên từ 13 tuổi…
Sự “chống lưng” của chính quyền, đoàn thể
Nguồn kinh phí hạn hẹp đó là khó khăn mà các CLB tiền hôn nhân đang phải đối diện hiện nay. Theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Khánh Hòa, thời gian đầu, các CLB Tiền hôn nhân tổ chức sinh hoạt định kỳ mỗi tháng/lần. Nhưng 2 năm gần đây, do kinh phí bị thu hẹp nên hầu hết CLB gặp khó khăn, phải sinh hoạt theo quý.
Một khó khăn nữa của các CLB tiền hôn nhân đó là việc đổi mới nội dung sinh hoạt để thu hút thành viên tham gia. Thực tế cho thấy đa số các bạn trẻ bước vào độ tuổi kết hôn chưa quan tâm đến trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cũng như việc khám sức khỏe trước khi lập gia đình. Thậm chí nhiều bạn trẻ cho rằng, việc khám sức khỏe trước khi kết hôn là việc tự nguyện của mỗi cá nhân và hôn nhân gia đình chủ yếu dựa trên tình yêu và sự tin tưởng lẫn nhau. Vì vây, các CLB tiền hôn nhân phải trăn trở tìm ra cách tuyên truyền sao cho thu hút và “lọt tai” bạn trẻ. Kinh nghiệm tại phường Phú Cát, TP Huế cho thấy Đoàn Thanh niên phường Phú Cát thường xuyên tổ chức các buổi dã ngoại, lồng ghép, sinh hoạt các chuyên đề về sức khỏe sinh sản trẻ vị thành niên ngắn gọn, đơn giản dễ hiểu. Mỗi lần tổ chức sinh hoạt, Ban tổ chức thường lên facebook thông báo cho mọi người địa điểm, hoặc điện thoại trực tiếp về nội dung sinh hoạt, tuyên truyền trên loa phát thanh của phường để các bạn trẻ hiểu.
Tại thị trấn Phú Mỹ, Phú Tân, An Giang nhận thấy đa số các bạn trẻ - đối tượng truyền thông - vì bận học, bận đi làm nên có ít thời gian tham gia các buổi sinh hoạt riêng của CLB nên Ban tổ chức đã quyết định lồng ghép vào các cuộc họp của chi đoàn xã, ấp. Do vậy, nội dung tuyên truyền cũng phải xây dựng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ ghi nhớ, xoay quanh các chuyên đề, như cách chăm sóc sức khỏe sinh sản lứa tuổi vị thành niên, cách thức quan hệ tình dục lành mạnh, phương pháp KHHGĐ, cách phòng ngừa HIV/AIDS...
Theo PGS.TS Đinh Thị Vân Chi – Đại học Văn hóa Hà Nội, để CLB tiền hôn nhân trở thành bạn của người trẻ các CLB cần xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, phù hợp với năng lực của mình và tình hình thực tế tại địa bàn. Các hoạt động của CLB cần được tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng để đỡ cứng nhắc, nhàm chán và để dễ được tiếp nhận.
“Mặt khác, là một mô hình tổ chức tự nguyện, CLB sẽ khó hoạt động được nếu không biết dựa vào các cơ quan, đoàn thể tại địa phương. UBND phường/xã hoặc quận/huyện cần có sự ủng hộ về chủ trương và thủ tục hành chính; hỗ trợ về địa điểm, cơ sở vật chất và kinh phí (nếu có thể). Các CLB cũng đang rất cần sự phối hợp của Ban DS-KHHGĐ để có chuyên gia “ruột” sẵn sàng tư vấn, giải đáp thắc mắc trong các buổi sinh hoạt CLB; nhiệt tình hỗ trợ về chuyên môn cho các hoạt động khác khi cần thiết. Các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương cũng là những đối tác hữu ích cũng cần hỗ trợ cho các CLB…Và cuối cùng, không thể quên việc phối hợp với bệnh viện đa khoa các huyện hoặc thành phố để tổ chức những cuộc khám sức khoẻ định kỳ và kiểm tra sức khỏe sinh sản cho thanh niên trước lúc kết hôn”, theo PGS.TS Đinh Thị Vân Chi.