Cây chanh giật chết người, lỗi tại ai?

Nạn nhân ngất ngưởng sau cơn say trên đường trở về nhà, vô tình ngã vào hàng chanh và bị... điện giật chết. Chủ cây chanh,  chủ đường dây điện, ai sẽ có trách nhiệm bồi thường? Hay nạn nhân "tự ngã thì tự chịu"?

Nạn nhân ngất ngưởng sau cơn say trên đường trở về nhà, vô tình ngã vào hàng chanh và bị... điện giật chết. Chủ cây chanh,  chủ đường dây điện, ai sẽ có trách nhiệm bồi thường? Hay nạn nhân "tự ngã thì tự chịu"?

Hàng chanh đã từng “dọa” anh vé số “tiều đường”

Chị Võ Thị Kim Tư (39 tuổi, ngụ khu Nhị Tỳ người Hoa, ấp Vĩnh Chánh, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) kể lại: Chiều ngày 20/12/2011, chị cùng đứa con trai 18 tuổi đợi chồng là anh Huỳnh Văn Điều (44 tuổi) đi làm về ăn cơm nhưng mãi không thấy. Lát sau, chị nhận được tin chồng chị đã bị chết do diện giật.

Hiện trường vụ án
Hiện trường vụ án đã được dọn dẹp sạch sẽ

Tại hiện trường vụ án, chồng chị đã nằm dưới đất, vướng vào cành một hàng chanh xòa sang đường. Khi công nhân điện lực đến thử mức độ nhiễm điện, họ cho biết toàn bộ hàng chanh bị nhiễm điện hơn 10m, bởi một đầu nối từ trụ điện vào nhà ông Đỗ Văn Út (63 tuổi) gần đó.

Con trai của nạn nhân kể lại, trước đó có anh bán vé số vô khu vực đó “tiểu đường”, bất ngờ bị điện ở khu vực giật văng ra, may là lồm cồm bò dậy được rồi chạy mất dạng. Theo con nạn nhân, lần đó ông Út biết nhưng vẫn tỏ vẻ như không có chuyện gì xảy ra.

Chưa hết, cách đó vài chục mét là một trường trung học cơ sở, hàng ngày có rất nhiều học sinh ra khu vực đó chơi, nguy hiểm đe dọa ngay trước mắt, vậy mà mọi người cứ phớt lờ. Mãi đến khi xảy ra chuyện anh Điều bị điện giật chết, người ta mới khắc phục sửa chữa.  

Xác nạn nhân được đưa về nhà làm lễ mai táng, ông Út là chủ đường dây điện cũng đến dự đám tang như những người hàng xóm bình thường. Người thân nạn nhân thì thương tiếc khóc than bởi cuộc đời quá ngắn ngủi người xấu số. Còn chủ đường dây điện hở gây chết người thì không hề có một lời an ủi để người nhà mát dạ, ngược lại về sau, như lời chị Tư, mỗi khi nhắc đến, ông Út tỏ vẻ không hài lòng, lại thẳng thừng chối bỏ trách nhiệm.

Cho rằng chủ đường dây điện có “cái kiểu xua tay chối bỏ trách nhiệm”, gia đình nạn nhân làm đơn yêu cầu tòa giải quyết nhằm tìm ra ai sai, ai đúng trong sự việc này.

Vợ nạn nhân yêu cầu chủ đường dây điện phải chịu trách nhiệm bồi thường chi phí mua hòm, vật liệu làm mộ, tiền ma chay, tiền tổn thất tinh thần và cấp dưỡng cho đứa con trai của chị đến khi 18 tuổi, tổng số tiền hơn 55 triệu đồng.

Bản án khiến các bên đều không “tâm phục, khẩu phục”

Tuy nhiên, bị đơn cho rằng nạn nhân nhậu say rồi tự té vô đường điện, làm dây hở mạch nên mới bị điện giật chết, rằng “có hàng tá người đi ngang đều không sao, lỗi là do nạn nhân bất cẩn”. Ông Út cũng cho rằng: “Đường điện tôi luôn kiểm tra, không có chuyện đường điện bị hở mạch trước đó, cũng không hề có chuyện cành chanh bị nhiễm điện”.

 Ông Út nói: “Nếu có lỗi, là do ngành điện lực. Ngành điện đã treo một trụ gần cả chục đồng hồ điện. Mà khi di dời trụ, ngành điện đã không mắc dây lên trụ gắn sứ, mà để dây thòng xuống sát đất, mới gây ra sự cố”. Người đàn ông này kết luận: “Tôi không hề có lỗi trong vụ này”.    

Hòa giải không thành, tháng 12/2012, TAND huyện Chợ Lách xử sơ thẩm vụ án, nhận định: Ông Út là chủ sử dụng điện nhưng không theo dõi bảo trì, sữa chữa đường dây điện của mình nên để hở điện và nhiễm vào hàng cây chanh giật chết người, là lỗi hoàn toàn do ông Út.

Tòa cho rằng mặc dù đây là lỗi vô ý, nhưng do hậu quả có thật, cái chết của anh Điều đã xảy ra gây đau thương mất mát cho gia đình là không có gì bù đắp được, nên chủ đường dây điện phải có một phần trách nhiệm trong đó.

Tòa buộc ông Út và vợ có trách nhiệm liên đới bồi thường cho vợ nạn nhân tổng số tiền 22 triệu đồng gồm tiền mai táng và tổn thất tinh thần, đồng thời cấp dưỡng cho con nạn nhân mỗi tháng 500 ngàn đồng đến khi cháu tròn 18 tuổi.

Sau phiên sơ thẩm, bị đơn không “tâm phục khẩu phục”, làm đơn kháng cáo, cho rằng mình không hề có lỗi trong vụ này nên không phải bồi thường.

Mới đây, trong phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Bến Tre đã tuyên hủy toàn bộ bản án trên vì cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Theo Hội đồng xét xử, tòa sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ như khi di dời trụ điện, đơn vị điện lực có thông báo cho các hộ sử dụng điện biết hay không? Khi di dời xong, người thi công có kiểm tra đường dây điện vào các hộ đã đảm bảo kỹ thuật an toàn hay chưa?... Trong khi các vấn đề này chưa được làm rõ, tòa sơ thẩm vẫn nhận định để tuyên án là sai.

Buộc đưa ngành điện vào tham gia tố tụng

Theo thạc sĩ luật Nguyễn Thế Anh (Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam), vụ án này đương nhiên làm phát sinh trách nhiệm bồi thường. Cơ sở pháp lý là Điều 623 Bộ luật Dân sự quy định về Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

c
Vợ nạn nhân mong mỏi tòa sớm phán quyết ai đúng ai sai

Theo đó hệ thống tải điện được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi.

Vấn đề quan trọng nhất là xác định được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ và người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ là ai? Để từ đó tìm ra người bồi thường thiệt hại.

Luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tp.HCM) đồng quan điểm này. Theo ông Tao, TAND tỉnh Bến Tre hủy án sơ thẩm là cần thiết để bảo đảm và tôn trọng sự thật khách quan. Bởi cái chết của người bị hại liên quan đến việc hở nguồn điện ở phần tủ điện và đầu dây nối vào nhà người sử dụng điện, chứ không phải sự cố đường dây do bị đơn cố tình giăng ra.

 Cần phải xác định rõ lỗi kỹ thuật của việc hở hiện do đâu, có phải là do đơn vị điện lực hay không? Nếu cần thiết, tòa phải trưng cầu giám định về kỹ thuật để biết nguyên nhân sự cố. Ngoài ra, một nguyên tắc chung khi giải quyết các vụ án là tòa phải đưa tất cả cá nhân, đơn vị liên quan vào tham gia vụ án chứ không thể theo cảm tính mà bỏ qua.

Thạc sĩ Nguyễn Thế Anh bổ sung thêm: Tuy không phải là chủ sở hữu hay người được chủ sở hữu giao cho chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ (hệ thống tải điện), nhưng người chủ sở hữu cây chanh cũng phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường.

Nếu chủ cây chanh đã biết về sự cố rò điện nhưng đã để mặc cho hậu quả xảy ra mà không có hành động kịp thời ngăn chặn, đó là hành vi trái luật và có yếu tố lỗi. Bốn yếu tố cấu thành để xác định trách nhiệm bồi thường đã rõ: Thiệt hại xảy ra; Hành vi trái pháp luật; Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật và lỗi. Do đó chủ cây chanh phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm