Niềm say mê âm nhạc không dừng lại đối với bất cứ tâm hồn nào, nó càng không dừng lại khi khát vọng cháy bỏng về một cuộc sống tươi đẹp, có ý nghĩa của người khuyết tật. Anh Ngô Hữu Huynh ở 180 Trần Phú – thành phố Bảo Lộc là một minh chứng cho nghị lực phi thường và niềm đam mê cháy bỏng ấy.
|
Vào năm 1993 khi đang ở độ tuổi đẹp nhất trong đời (17 tuổi), thì anh Ngô Hữu Huynh không may bị u não và phải tiến hành phẫu thuật để lấy khối u não đó đi, kết quả là khối u được lấy đi, não được bảo toàn, nhưng di chứng để lại sau ca phẫu thuật đó khiến anh bị tê liệt hoàn toàn một nửa người bên trái, chân và tay trái không cử động được.Thất vọng nặng nề và vô cùng đau khổ khi đang là một người bình thường bỗng chốc trở thành người tàn tật, bao nhiêu dự định dang dở đành phải gác lại. Những ngày tháng ban đầu mắc bệnh đối với anh thật vô cùng gian nan, một ngày qua đi cảm giác sao dài vô tận, cuộc sống này dường như không còn có ý nghĩa. Một thời gian sau, sẵn niềm đam mê âm nhạc từ bé, anh đã mày mò và bắt đầu làm nghề sửa chữa đàn ghi ta.Sửa được rất nhiều đàn cho mọi người, nghe mọi người chơi đàn anh lại bùng lên khát vọng muốn hòa mình vào những bản nhạc cho tâm hồn vợi bớt nỗi buồn, thế nhưng mình chỉ có một tay – làm sao chơi đàn đây ? Một quyết tâm nữa lại bừng lên trong anh, mình phải tự chế cho mình một cây đàn thôi. Và thế là cây đàn tự chế gồm 24 dây được ra đời, nó như một người bạn tri kỷ của anh, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong anh, giúp anh thỏa nguyện nỗi khát khao về âm nhạc, và được giãi bày những cung bấc cảm xúc khác nhau qua phím đàn. Từ đây anh có thể chơi được rất nhiều bản nhạc với nhiều thể loại khác nhau. Mỗi khi anh cất lên tiếng đàn người nghe dường như cảm nhận được nỗi niềm của anh trong đó, tiếng đàn réo rắt, du dương đến lạ thường. Có thể bởi anh vốn dĩ không phải là người bình thường chăng? Bản nhạc “ Mừng giáng sinh” do anh biểu diễn trong ngày hội tôn vinh người khuyết tật vừa được tổ chức tại Đà Lạt vào trung tuần tháng 12/2010 đã gây xúc động cho không chỉ những anh chị em khuyết tật mà gây bất ngờ cho nhiều đại biểu có mặt. Mọi người thầm thán phục về một nghị lực phi thường của anh. Cũng chính từ cây đàn tự chế đó đã mở ra hướng đi cho nhiều người khuyết tật yêu âm nhạc. Cho dù chỉ còn một tay, nhưng bạn vẫn có thể chơi đàn và đó cũng là thông điệp mà anh Huynh muốn gửi đến cho những người cùng cảnh ngộ. Không dừng lại ở đó, anh Ngô Hữu Huynh là người đàn ông duy nhất trong gia đình, sống cùng với mẹ và em gái, nên anh đã tự dằn vặt với chính mình, đã là đàn ông – trụ cột của gia đình thì mình phải làm được một việc gì đó có ích cho bản thân và gia đình, cho dù là mình có bị tàn phế! Thế rồi duyên may cũng đến với anh khi mùa hè đến, nhiều cậu học trò tìm đến đặt anh làm quay (cù), anh bắt đầu làm thử và tiện được con quay đầu tiên. Anh Huynh nói: những con quay đầu tiên của tôi bắt đầu quay theo tiếng cười của các cậu học trò. Đó là việc làm tuy nhỏ, nhưng lại là niềm vui lớn trong tôi, tôi bắt đầu được các em yêu mến và lui tới như những người bạn. Cũng từ đó, nhiều bà con hàng xóm xung quanh, bắt đầu tò mò, đem đến những khúc gỗ nhỏ để đặt anh làm thử bình hoa, chân nến…bằng sự tỉ mỉ, cẩn thận của mình anh Huynh đã tiện thành công nhiều mẫu sản phẩm đẹp mắt và khá độc đáo. Nghề tiện gỗ cũng đeo đuổi anh từ đó, anh bắt đầu có thu nhập và phụ giúp được mẹ và em gái của mình.Ước mơ tưởng chừng như không bao giờ đạt được thì nay nó đã trở thành hiện thực.Mẹ và em gái anh cũng hoàn toàn ngỡ ngàng trước những việc làm và dự định của anh. Lúc này, do khách hàng đặt nhiều, không thể chỉ làm bằng một tay mãi được, anh đã dành dụm tiền và mua được một chiếc máy tiện định hình và một máy tiện tự do. Tuy nhiên, khi mua về anh lại gặp khó khăn khi không thể sử dụng được vì bị khuyết tật, không thể đứng để sử dụng máy, ngồi trên xe lăn thì cồng kềnh, vướng víu, còn ngồi dưới đất thì gỗ vụn, dăm bào đâm vào người rất khó chịu. “Cái khó lại ló cái khôn”, anh Huynh đã nghĩ ra cách chế tạo ra những chiếc ván trượt ( giống như tấm trượt patin) đảm bảo phù hợp với sức khỏe và thuận tiện trong khi sử dụng máy làm tiện gỗ. Theo đó, nhiều mẫu sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật khó hơn cũng được anh làm thành công như: cán dao, cán búa, lục bình, tay vịn cầu thang…khách hàng ngày càng ưa chuộng và tìm đến anh để đặt hàng. Xin mượn lời tâm sự của anh để kết thúc bài viết như một hướng mở cho mọi người khi suy nghĩ và nhìn nhận về người khuyết tật. Đau đáu một quyết tâm với nghị lực phi thường, anh Huynh tâm sự: “ Với những người lành lặn, có thể cuộc sống, sinh hoạt mọi thứ đều dễ dàng.Với riêng tôi là cả một quá trình đấu tranh với bệnh tật để đạt được ước mơ và dự định trong tương lai của mình.Tôi không cho phép mình được dừng lại, bởi nếu tôi dừng lại có nghĩa là minh chứng cho mọi người thấy mình là người vô dụng.Cho dù vết thương ở đầu theo thời gian nó ngày càng lớn và đau nhiều hơn, nhưng được làm việc với công việc mà mình đam mê, yêu thích thì cánh cửa cuộc đời luôn rộng mở và đón chào. Tôi tin là như thế!”
Nguyệt Thu