“Cây gạo thành tinh” khiến trai làng đua nhau kêu khóc

(PLO) - Liên tiếp hai câu chuyện xảy ra  khiến ai nấy đều hoang mang. Người dân nơi đây đã định “chặt cây gạo tinh đi để tránh ảnh hưởng đến những đời sau”. 
“Cây gạo thành tinh” khiến trai làng đua nhau kêu khóc
Khách lạ đến thôn Đông Trung (Hà Bình, Hà Trung, Thanh Hóa) sẽ được người dân nơi đây kể cho nghe những câu chuyện “lạ lùng” về lời nguyền ghê rợn bên “gốc gạo thành tinh” sừng sững đầu làng. Chuyện bắt nguồn từ việc nhiều năm trước, một thiếu nữ bị tình phụ đã treo cổ tự vẫn ở đây. Liên tiếp nhiều người phát bệnh thần kinh trong làng đều từ cơ duyên đi ngang qua gốc gạo giữa đêm, hoặc nhặt cành củi khô của cây. Cả làng sợ cái cây đến nỗi vây bạt quanh gốc “đánh dấu lãnh địa”, cấm mọi người lại gần. Thực hư chuyện này ra sao?
Lời nguyền “nhập hồn” vào cây gạo
Thôn Đông Trung nằm ở vị thế khá đặc biệt, xung quanh là núi đồi bao bọc, quanh làng nhiều ao hồ nên không khí khá trong lành. Cả thôn chưa đầy 30 nóc nhà, sau những chuyện li kì, ghê sợ về lời nguyền ma quái từ cây gạo, người làng bỗng trở nên khó gần, nghi ngờ tất cả. 
Người làng kể, cách đây đã lâu, có đôi trai gái trong làng yêu nhau say đắm, đã thề nguyền sống với nhau cho đến suốt đời. Vì quá nghèo, không có tiền làm đám cưới, chàng trai đành phải bỏ làng đi xa xứ, mong kiếm đủ mới quay về với người thương. 
Sau ba năm, cô gái vẫn chờ đợi chàng trai trở về vì tin lời hứa “Ba năm sau, anh sẽ về xin cưới em làm vợ”. Nhưng mọi thứ sụp đổ khi cô gái phát hiện chàng trai vì tiền đã yêu người khác, bội ước với mình. Đau khổ, tuyệt vọng, cô chạy ra gốc cây gạo đầu làng, nơi hai người thường hò hẹn ngày trước, thắt cổ tự tử. Trước khi làm điều dại dột, cô gái còn cắt tay, lấy máu vẩy lên cây gạo, như một sự giao kết nào đó với “hồn cây”.
Cụ Nguyễn Thị Sinh (84 tuổi), nhớ lại: “Người ta cho là chính vì trước khi chết, cô ấy bôi máu lên cây nên hồn không được siêu thoát, vẫn trú ngụ dưới gốc cây. Nhiều đêm, người yếu bóng vía vẫn nghe tiếng phụ nữ vẳng ra từ cây gạo. Lúc thì cười rũ rượi, cười sằng sặc, lúc lại khóc lóc rất thảm thiết. Dù cười, dù khóc, những âm thanh ấy vẫn khiến chúng tôi lạnh sống lưng. 
Từ đó, nhiều người đồn thổi, cho rằng cô ấy biến thành ma không bao giờ có thể đầu thai được”. Cụ Sinh cho biết thêm, chính hành động vẩy máu lên cây của thiếu nữ, khiến hoa gạo ở cây này có màu đỏ rực rỡ hơn những cây khác quanh vùng. Nhiều người tin rằng, cô gái vì chết oan, đã nhập hồn mình vào thân cây để khóc lóc, than vãn về nỗi đau vì bị người yêu phụ bạc.
Một người làng tự nhận là từng nghe thấy tiếng khóc ma quái bên gốc cây gạo đại thụ nhớ lại: “Hôm đó trời  mới nhá nhem tối, đang đi làm đồng về qua khu vực đó, tôi bỗng nghe thấy khóc thút thít. Hỏi to mấy câu xem ai khóc nhưng không hề có ai trả lời. Quanh gốc cây, trên cây cũng tịnh không một bóng người. Tôi sợ quá, cắm đầu chạy thẳng về nhà”. 
Nói về nguồn gốc của cây gạo “ma ám”, ngay cả các cao niên trong làng cũng không biết cây có từ bao giờ và do ai trồng lên. Tuy thế, họ đều khẳng định, từ ngày còn bé đã thấy cây gạo “sừng sững xanh tốt đầu làng”. Trước đó, cây gạo cũng không có hiện tượng gì khác thường, chỉ từ sau khi có thiếu nữ treo cổ, mới bắt đầu chứng kiến những sự ma quái. 
Người dân nơi đây đều gọi cây gạo này là “cây gạo tinh” vì nó luôn phát ra những tiếng kêu ghê rợn. Đặc biệt, người làng truyền tai nhau, mỗi khi đến ngày giỗ của thiếu nữ xấu số, chàng trai nào đi qua gốc cây gạo vào ban đêm sẽ bị “hớp hồn”, sau đó trở nên điên dại, người thì bỏ nhà đi, người thì điên điên, khùng khùng. “Cứ gần đến vụ giáp hạt đầu hè, khi ngày giỗ của cô gái đến gần, không chàng trai nào dám bén mảng ra đến gốc cây gạo vì sợ oan hồn bắt làm chồng”, một cao niên chia sẻ. 
Trai làng đi qua là bị ‘bắt” làm chồng?
Theo người làng kể lại, một vài chàng trai đang khỏe mạnh bình thường bỗng thành ngơ ngẩn chỉ sau một đêm vô tình đi qua cây gạo. Như một nam thanh niên khỏe mạnh người trong làng. Một đêm, khi đi chơi cùng đám bạn về qua gốc cây gạo, anh này nghe thấy có tiếng la hét rất thảm thiết phát ra từ gốc cây nên đứng lại nhìn ngó xung quanh. Không thấy ai, chàng trai tiếp tục đi về nhà. Sáng sớm hôm sau, người nhà giật thót, bừng tỉnh giấc khi thấy trai làng đứng thẫn thờ ngoài sân, hò hét những tiếng vô nghĩa rồi đập phá mọi thứ. 
Sau đó, người nhà đã đưa anh thanh niên đi chữa trị nhiều nơi nhưng đều không có kết quả, đành phải đưa bệnh nhân vào điều trị ở bệnh viện tâm thần. “Mới đầu không ai biết nó làm sao, lúc tỉnh lúc mê rồi đập phá đồ đạc trong nhà. Những ngày sau đó, đêm nào nó cũng chạy ra gốc cây gạo ngồi một mình, có khi nó còn khóc nữa. Người nhà đưa về nhưng đến nửa đêm, nó lại trốn ra đó ngồi khóc cả đêm”, người mẹ anh này đau lòng cho biết. 
Một nhân chứng trong làng kể chuyện "cây gạo thành tinh"
 Một nhân chứng trong làng kể chuyện "cây gạo thành tinh"
Câu chuyện bất ngờ kể trên vừa lắng xuống, dân làng lại được phen nháo nhào vì một trai làng khác bỗng nổi cơn điên, khóc lóc suốt đêm rồi bỏ làng ra đi. “Anh ấy vốn làm thuê ở xa, đợt đó đang lúc giáp hạt nên bố mẹ nhắn về để chuẩn bị gặt lúa. 
Đáng ra về sớm thì không sao, đằng này, anh ấy lại bị lỡ chuyến xe nên về muộn. Chắc do đi làm lâu ngày, quên cả điều cấm kỵ, anh ấy mới chọn đường đi qua cây gạo. Về đến nhà, ngủ một đêm thì cơ sự xảy ra”, một người em họ của người này nhớ lại. 
Sáng hôm sau thức dậy, người nhà hốt hoảng thấy chàng thanh niên cứ ngơ ngẩn, miệng lẩm bẩm hát không ra câu, cười nói một mình, ai hỏi gì cũng không trả lời. Sau đó, người nhà chưa kịp mang đi chữa trị, trai làng này bỗng nhiên bỏ đi. Đến tận bây giờ, dù đã cử nhau đi tìm khắp nơi, người nhà vẫn chưa lần ra tung tích người bị “ma ám”. 
Liên tiếp hai câu chuyện xảy ra nêu trên khiến ai nấy đều hoang mang. Người dân nơi đây đã định “chặt cây gạo tinh đi để tránh ảnh hưởng đến những đời sau”. Tuy nhiên, dự tính chưa kịp thực hiện, chuyện kì lạ lại xảy ra. 
Đó là câu chuyện về một người đàn bà trong làng, trót nhặt những cành khô quanh gốc gạo về làm củi đun, chỉ vậy mà về nhà, không hiểu sao phát bệnh thần kinh. Ban ngày, người ấy hát hò, la hét khắp xóm nhưng cứ đến tối, lại tìm đến gốc cây gạo để ngủ bất kể mưa gió. Hai năm sau khi phát bệnh, người đàn bà này đang khỏe mạnh bỗng mắc bệnh mà qua đời. Cũng từ đó, không ai dám nhắc đến chuyện chặt “cây gạo tinh” ấy nữa. 
Hiện nay, cây gạo đã được người dân trong vùng tiến hành quây kín lại, không cho ai đến gần. Chính quyền thôn Đông Trung cũng tìm nhiều cách xoa dịu người dân, không để những lời đồn thổi ảnh hưởng không tốt đến tâm lý mọi người. 
Theo vị trưởng thôn, những tin đồn về cây gạo ma quái hoàn toàn không có cơ sở. Một số thanh niên trong làng có những biểu hiện điên loạn, đều đã được đưa đi khám bệnh. Các bác sĩ đều kết luận họ bị tâm thần phân liệt hoặc do làm việc nhiều quá, mệt mỏi sinh chứng hoang tưởng./.