be không có chủ trương “đốt tiền”
CEO beGroup cho biết, beGroup là công ty vận tải công nghệ ra đời từ tháng 12/2018 tại Việt Nam. “Chúng tôi đã và đang phát triển mạnh mẽ chỉ sau 20 tháng có mặt trên thị trường!”- bà Phương chia sẻ.
Hiện tại, ứng dụng “be” đã phát triển đầy đủ các dịch vụ: beBike (dịch vụ đặt xe 2 bánh), beCar (dịch vụ đặt xe 4 bánh), be Taxi (dịch vụ đặt xe Taxi); thuê xe theo giờ; thuê xe đường dài (be Đi tỉnh); be Đi chợ (dịch vụ đi chợ hộ); đại lý bán vé xe khách trực tuyến; beFinancial (hợp tác với định chế tài chính để kết nối dịch vụ cung cấp giải pháp tài chính hiệu quả cho khách hàng cá nhân, tài xế và DN); beExpress (dịch vụ chuyển phát, bưu chính); beDelivery (dịch vụ giao hàng); beLoyalty (tính năng tích lũy điểm thưởng cho người dùng);… giúp mở ra một hệ sinh thái số tiềm năng sẵn sàng chào đón các DN khác cùng hợp tác và phát triển.
Về thị phần, hiện nay, ứng dụng gọi xe “be” đã được tải xuống hơn 8 triệu thiết bị di động với hơn 100.000 tài xế, khoảng 350.000 chuyến xe được yêu cầu mỗi ngày và đã hoàn thành hơn 80 triệu chuyến xe beBike và beCar kể từ khi bắt đầu chính thức triển khai dịch vụ.
Tính đến nay, ứng dụng gọi xe “be” đã có mặt tại 10 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng và Quảng Ninh. Theo báo cáo từ Công ty nghiên cứu thị trường ABI Research tại Việt Nam (công bố tháng 9/2019), beGroup giữ vị trí thứ 2 về thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam.
Về trải nghiệm khách hàng, hiện ứng dụng “be” đang được đánh giá 4,7* trên kho ứng dụng Android và 4,0* trên iOS, cao hơn hẳn so với ứng các ứng dụng gọi xe khác trên thị trường.
“beGroup có hướng đi riêng và đang phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi định hướng là công ty vận tải ứng dụng công nghệ, với chiến lược vận hành hiệu quả và khả năng thực thi vượt trội, đây sẽ là hướng đi mở đường cho các công ty vận tải truyền thống trong nước để cùng cộng hưởng, góp phần mạnh mẽ vào công cuộc chuyển đổi số của ngành vận tải Việt Nam đi đúng hướng, chuyên nghiệp, bài bản và cạnh tranh tốt hơn với các ông lớn trong khu vực…”- CEO Nguyễn Hoàng Phương cho hay.
Trước thông tin cho rằng hãng xe này có chủ trương “đốt tiền”, bà Phương khẳng định, beGroup không chủ trương “đốt tiền” mà sẽ chi tiêu một cách hợp lý và khôn ngoan.
“Bằng chứng là sau những đợt cao điểm của dịch Covid-19 rất nhiều DN Việt Nam và trên thế giới buộc phải ngừng hoạt động kinh doanh, nhưng beGroup vẫn đang chứng tỏ sức mạnh nội tại và khả năng phát triển mạnh mẽ của mình bằng chính sản phẩm, dịch vụ và kế hoạch mở rộng trong tương lai...” - CEO beGroup dẫn chứng.
Cạnh tranh là động lực để doanh nghiệp phát triển
Với câu hỏi về việc sáp nhập của hai thương hiệu gọi xe lớn của Đông Nam Á liệu có vi phạm luật cạnh tranh, đại diện beGroup không đưa ra bình luận.
“Đó là quyết định của các DN tham gia và họ sẽ phải tuân theo quy định hiện hành của pháp luật nước sở tại. Tuy nhiên, chúng ta cũng không quên những tranh cãi liên quan vụ việc Grab mua lại hoạt động của Uber tại thị trường Việt Nam hồi năm 2018. Ngoài ra những hệ lụy mà các tài xế, nhân viên, khách hàng gánh chịu cũng không hề nhỏ…” - bà Phương nhận định.
CEO beGroup cũng cho rằng, khả năng sáp nhập là điều hoàn toàn có thể với bất kỳ DN nào nếu sự sáp nhập giúp cho các bên có thể tận dụng ưu thế của nhau.
“Tuy nhiên, nếu lý do sáp nhập không xuất phát từ khách hàng, cộng đồng tài xế và nhân viên thì nó sẽ không tạo ra nhiều giá trị tích cực cho thị trường. Điều đó cho chúng ta thấy rằng một số các ứng dụng có nguồn gốc nước ngoài đến Việt Nam để khai thác, tìm kiếm lợi nhuận tối đa (tận thu) và khi quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng, họ sẵn sàng từ bỏ thương hiệu, giá trị của mình để sáp nhập và "tận thu" nhiều hơn nữa…” - CEO Nguyễn Hoàng Phương bày tỏ quan điểm.
Bà Phương cũng cho rằng, khi Grab mua Uber tại Việt Nam nhưng thị trường vẫn đủ lớn cho beGroup tham gia và phát triển ổn định thì chắc chắn sự sáp nhập của Grab và GoJek cũng sẽ không thể làm thay đổi quy luật cạnh tranh vốn có của thị trường.
Đó là, các nhà đầu tư cứ bàn tính việc chia sẻ lợi ích, thị phần nhưng khách hàng mới là người quyết định họ bỏ tiền vào đâu, tin tưởng thương hiệu nào. Cạnh tranh là động lực để các công ty cung cấp dịch vụ ngày càng hoàn thiện bản thân và mang lại nhiều giá trị cho khách hàng hơn. Nếu mất đi cạnh tranh sẽ mất đi giá trị dịch vụ và cuối cùng, tài xế và khách hàng lại là những người chịu thiệt thòi nhất trong toàn bộ câu chuyện này, một khi sự độc quyền lên ngôi và quyết định tất cả.
“Cho dù bối cảnh cạnh tranh có thay đổi ra sao cũng không thể ngăn chúng tôi - ứng dụng “be”, một sản phẩm công nghệ của người Việt – tiếp tục phát triển trên con đường mình đã chọn. Đó là tạo ra ngày càng nhiều công ăn việc làm ổn định cho các tài xế, nhà cung cấp dịch vụ; tạo ra một môi trường làm việc đầy cảm hứng cho người Việt Nam và hơn hết là một dịch vụ vận tải số chất lượng, đáng đồng tiền cho khách hàng. “be” tin rằng khách hàng Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ sản phẩm của người Việt và có sự lựa chọn đúng đắn cho riêng mình…” - CEO beGroup tin tưởng.