CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng lên tiếng về những “điều lạ” của hợp đồng xuất lô điện thoại Bphone sang châu Âu

(PLVN) - CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng vừa đăng đàn phân trần về việc một số người nghi ngờ về chứng từ, hóa đơn của Bkav sau khi doanh nghiệp này thông báo xuất khẩu lô Bphone đầu tiên sang châu Âu.
CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng.
CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng.

Trước đó, ngày 22/3, CEO Tập đoàn Bkav cho biết doanh nghiệp này vừa xuất khẩu lô Bphone đầu tiên sang châu Âu. Đơn hàng này đến từ một cường quốc về quân sự và máy sẽ được sử dụng cho các yếu nhân, VIP (nhân vật quan trọng).

Theo ông Quảng, Bkav đang cùng với đối tác phát triển hệ điều hành bảo mật riêng cho lô sản phẩm vừa xuất khẩu này dựa trên dựa trên hệ điều hành BOS cho dòng máy này. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bkav cũng đăng kèm hình ảnh hợp đồng thương mại hai lô hàng gồm điện thoại B60 sử dụng chip Snapdragon 660 của Qualcomm màu đen và phụ kiện ốp lưng dành cho dòng này. Ông cũng bày tỏ hy vọng về việc một ngày không xa sẽ bắt gặp hình ảnh một nguyên thủ châu Âu sử dụng điện thoại đến từ Việt Nam.

Ngay sau khi bài viết được đăng tải, nhiều người đã gửi lời chúc mừng tới vị CEO này cũng như Bphone. Tuy nhiên, cũng có không ít người, được cho là làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bày tỏ nghi vấn về tính xác thực của chứng từ trong ảnh.

Theo đó, một người viết bình luận rằng chưa bao giờ thấy chứng từ xuất nhập khẩu nào có tên là “Commercial Contract” mà chỉ có “Commercial Invoice” và “Sale Contract”. Bên cạnh đó, chứng từ xuất nhập khẩu phải ghi tên Seller (người bán) và Buyer (người mua) bằng tiếng Anh.

“Xin thưa với anh Quảng, em làm xuất nhập khẩu 5 năm nay, mà chưa bao giờ thấy chứng từ xuất nhập khẩu nào có tên là “Commercial Contract” ạ, người ta chỉ có “Commercial Invoice” và “Sale Contract”. Hơn nữa, trong chứng từ xuất nhập khẩu phải ghi tên Seller (người bán) và Buyer (người mua) bằng tiếng Anh chứ không phải “nửa nạc nửa mỡ” như trên”, một tài khoản bình luận về mẫu hợp đồng thương mại bán smartphone B60 giữa CTCP Bkav và đối tác ngoại quốc.

Một người dùng mạng, được cho là làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bày tỏ nghi vấn về tính xác thực của chứng từ do CEO Bkav đăng tải.
Một người dùng mạng, được cho là làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bày tỏ nghi vấn về tính xác thực của chứng từ do CEO Bkav đăng tải.

Một tài khoản tên H.D cũng đồng tình: “Một là sử dụng tên “Commercial Invoice” hoặc “Packing List”, hai là sử dụng “Sale Contract”, còn kiểu "nửa nạc nửa mỡ" kia thì…, lại tây ta lẫn lộn nữa.

Mỗi loại hợp đồng thương mại sẽ có tên khác nhau, ví dụ như hóa đơn thương mại (Commercial Invoice), hợp đồng mua bán (Sale Contract),... Nếu làm chuyên nghiệp thì nên tách ra làm 2 loại chứng từ trên, hóa đơn riêng, hợp đồng riêng, hoặc đổi tên đề mục sao cho hợp lý”.

Một bình luận khác của cộng đồng mạng dưới bài viết của CEO Nguyễn Tử Quảng.
Một bình luận khác của cộng đồng mạng dưới bài viết của CEO Nguyễn Tử Quảng.

“Thật ra dùng “Commercial Contract” thay cho “Sales Contract” cũng được, tùy vào pháp lý của nước sở tại. Tuy nhiên nếu là hợp đồng thì không ai sử dụng mẫu giống như hóa đơn thế kia”, tài khoản T.N nhận định.

Trước nhiều ý kiến trái chiều sau thông tin Bkav xuất khẩu Bphone sang châu Âu và một số người hoài nghi về hợp đồng xuất khẩu để tên tiếng Việt “CONG TY CO PHAN BKAV” chứ không phải là tiếng Anh, CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Theo ông Quảng, sự việc gợi cho ông một "góc nhìn về thế khó của người tiên phong".

Dẫn giải lại sự việc năm 2015 Bkav tiên phong ra mắt smartphone đầu tiên thực sự "Make in Việt Nam", ông Quảng cho hay, cũng đã có người tung tin đơn vị này “lừa dối nhập máy từ Trung Quốc về gắn mác”, sau đó đã phải xin lỗi công khai.

“Năm 2015, Bkav tiên phong ra mắt smartphone đầu tiên thực sự Make in Việt Nam. Những người mà bây giờ chúng ta gọi là 'anti', do thiếu kiến thức, thiếu niềm tin, liền cho là Bkav lừa dối nhập máy từ Trung Quốc về gắn mác. Kết quả giờ đã phải xin lỗi công khai”- ông Quảng viết trên trang cá nhân.

Ông Quảng đặt vấn đề: Bkav từ một công ty có tới 200 đối tác tại hàng chục quốc gia trên thế giới, các hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra hàng ngày trong cả chục năm qua, lại được cho là thiếu chuyên nghiệp, ngụy tạo giấy tờ khi soạn hợp đồng xuất khẩu ngờ nghệch với tên công ty là tiếng Việt?

“Tôi chắc rằng không nhiều đơn vị tại Việt Nam có giao thương quốc tế nhiều như Bkav. Chúng tôi ký hợp đồng và nhập xuất linh kiện với các đối tác lớn nhỏ. Từ các tập đoàn lớn như Qualcomm, Toshiba, Samsung (cảm biến), cho đến những công ty rất đặc thù về an ninh, hoặc những công ty cả thế giới chỉ có họ sản xuất và cung cấp linh kiện độc quyền” – ông Quảng khẳng định.

Khi làm việc với nhiều đối tác như vậy, mỗi quốc gia, mỗi đối tác, mỗi ngân hàng của họ đều có những quy định trong giao dịch, phù hợp với đặc thù riêng.

Hợp đồng thương mại bán smartphone B60 giữa CTCP Bkav và đối tác ngoại quốc.

Hợp đồng thương mại bán smartphone B60 giữa CTCP Bkav và đối tác ngoại quốc.

Ông Quảng lấy ví dụ như phần tên của bên mua, bên bán, mỗi nước, đối tác lại có thể khác nhau. Có bên sẽ yêu cầu tên công ty phải đúng như trong giấy phép kinh doanh, không sai một ký tự, thậm chí tiếng Việt không dấu phải viết không dấu, nếu viết có dấu là sai. Có bên thì yêu cầu tên tiếng Anh.

“Điều này các bên sẽ phải kiểm tra chặt chẽ với nhau, tùy theo tập quán mỗi bên. Mục đích là đảm bảo tiền được chuyển đúng địa chỉ. Nếu sai một chút dù nhỏ, tiền có thể bị chuyển nhầm thì rất phức tạp”, ông Quảng thông tin.

Cụ thể, với hợp đồng xuất khẩu Bphone, ông Quảng cho biết ngân hàng phía Việt Nam hiển thị trên hệ thống quốc tế, tên của Bkav theo tiếng Việt không có dấu “CONG TY CO PHAN BKAV”. Bên phía đối tác lại đề nghị sử dụng đúng như vậy để đảm bảo tiền về đúng nơi.