Chậm đưa người đi dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế: Tại ai?

Đến hôm nay (22/9), Công ty Elite, đơn vị tiến cử Kiều Khanh đi thi mới thông báo thông tin chính thức Nguyễn Ngọc Kiều Khanh đã được phê duyệt đồng ý đại diện cho VN tham gia cuộc thi HHTG 2010 tại Trung Quốc.
Đến hôm nay (22/9), Công ty Elite, đơn vị tiến cử Kiều Khanh đi thi mới thông báo thông tin chính thức Nguyễn Ngọc Kiều Khanh đã được phê duyệt đồng ý đại diện cho VN tham gia cuộc thi HHTG 2010 tại Trung Quốc.

Điều này khiến nhiều người thở phào, nhưng đồng thời, một lần nữa cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của Việt Nam trong đấu trường sắc đẹp quốc tế.

Nước đến chân mới nhảy

Nguyễn Ngọc Kiều Khanh, Á hậu 1 Hoa hậu thế giới người Việt 2010, Hoa hậu người Việt tại Châu Âu 2009, là gương mặt nhận được sự đồng tình của công chúng trong việc chọn người cho cuộc thi Miss World 2010. Ngoài chiều cao 1,76m và số đo ba vòng khá chuẩn, cô còn có lợi thế về ngoại ngữ, vốn là điểm hạn chế của hầu hết gương mặt đại diện Việt Nam tại các cuộc thi quốc tế trước đây.

Á hậu Kiều Khanh được đề cử đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Miss World 2010 tại Trung Quốc.

Theo dự tính, đêm chung kết cuộc thi Miss World 2010 diễn ra vào 30/10, nhưng các hoạt động và phần thi phụ của cuộc thi sẽ diễn ra trước đó vài tuần tại nhiều thành phố của Trung Quốc. Nghĩa là, để bắt kịp các hoạt động này, Kiều Khanh cần phải có mặt tại cuộc thi trễ nhất là vào đầu tháng 10. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Kiều Khanh chỉ có vài ngày để chuẩn bị hành trang tham dự. Sự cập rập này ít nhiều cũng đem lại những hạn chế vì đây là một đấu trường quốc tế, cần sự chuẩn bị và ổn định cao trong tất cả các khâu, điều không dễ để có trong vài ngày.

Tại tiền hay bản quyền?

Chuyện cử người đẹp dự thi Hoa hậu trái đất 2010 (Miss Earth 2010) cũng đang có tình cảnh giống như Miss World 2010. Dự kiến cuộc thi này sẽ diễn ra vào tháng 12 tới, nhưng hiện tại, gương mặt nào sẽ đại diện Việt Nam tham gia thì vẫn chưa chọn được.

Đây cũng không phải lần hiếm hoi của tình trạng nước ngập chân (chứ không phải đến chân) mới nhảy, nói lên sự thiếu chuyên nghiệp của Việt Nam trong các cuộc thi mang tầm cỡ thế giới. Nếu như trước đây, tình trạng này thường phụ thuộc vào sự khan hiếm người xứng đáng hoặc do các cuộc thi nhan sắc trong nước diễn ra khá cận kề với các cuộc thi thế giới, thì bây giờ, sự cố này lại nằm ở bản quyền.

Từ năm 2002, bản quyền đưa người đẹp Việt Nam tham dự Miss World  thuộc về Elite, nhưng năm 2009, RAAS đã “xớt” bản quyền này với thời hạn 2 năm (2009 và 2010). Tuy nhiên, sau nhiều sự cố, RAAS không tiếp tục tham gia mà trả bản quyền cho BTC, sau đó BTC bán lại cho Elite.

“Việc bán bản quyền đưa người đi thi là điều hết sức bình thường, và BTC có nhiều đối tác để chọn lựa chứ không phải một”, bà Thúy Hạnh cho biết. Cũng theo vị giám đốc này, số tiền mà Elite phải trả để có được bản quyền đưa người đi thi Miss World 2010 cao hơn rất nhiều so với con số 30.000 USD mà những thông tin trước đó đã đưa.

Ở một góc nhìn nào đó, có vẻ các đơn vị tổ chức trong nước không thiếu tiền cho các cuộc chơi này, nhưng sự chuyên nghiệp thì biết đến bao giờ?!

- Năm 2008, Dương Trương Thiên Lý được cấp phép tham dự Hoa hậu thế giới khi chỉ còn 5 ngày nữa là cuộc thi bắt đầu.
- Năm 2007, Đặng Minh Thu không tham gia phần thi Tài năng tại cuộc thi Hoa hậu thế giới do không có thời gian chuẩn bị.
- 2006, cuộc thi Hoa hậu thế giới diễn ra tại Ba Lan, do đến muộn nên Mai Phương Thúy đã bỏ lỡ đêm ra mắt của các thí sinh và phần thi Hoa hậu biển.
- Năm 2004, Nguyễn Thị Huyền đến với cuộc thi trễ 10 ngày nên không thể tham gia một số phần thi phụ của cuộc thi Hoa hậu thế giới.

Theo Võ Hà
Đất Việt

Đọc thêm