Các dự án quá thời hạn mà không xây dựng sẽ bị thu hồi (ảnh minh họa). |
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo bổ sung về cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm tối đa thủ tục phiền hà trong việc cấp giấy phép xây dựng nhà ở và công trình xây dựng, gồm 14 thủ tục hành chính ưu tiên thuộc phạm vi quản lý của bộ.
Đặc biệt, bộ kiến nghị bãi bỏ việc gia hạn giấy phép xây dựng để chấm dứt tình trạng chủ đầu tư găm giữ đất sau khi cấp phép và bỏ phí xây dựng để bớt làm khó cho người dân.
Tăng thời hạn khởi công lên 18 tháng
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang, theo quy định hiện hành, giấy phép xây dựng (GPXD) có hiệu lực khởi công xây dựng trong thời hạn 1 năm kể từ ngày cấp. Quá thời hạn này thì chủ đầu tư (CĐT) phải xin gia hạn giấy phép.
Nhưng qua thực tế cho thấy thủ tục gia hạn giấy phép tạo cho CĐT tâm lý ỷ lại, thuờng không chuẩn bị tốt thủ tục để khởi công công trình trước khi xin cấp phép, hoặc khi có giấy phép không đủ điều kiện khởi công công trình, gây khó khăn cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong quản lý trật tự xây dựng.
“Vì vậy, Bộ Xây dựng đã kiến nghị bỏ việc gia hạn giấy phép và tăng thời hạn khởi công từ 12 tháng lên 18 tháng. Hết thời hạn này mà CĐT không khởi công thì phải xin cấp giấy phép xây dựng theo trình tự cấp mới”, ông Quang nói.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng khung thời hạn có hiệu lực của GPXD là tuỳ thuộc vào tiến độ cụ thể của từng dự án. Nhưng trên thực tế, tiến độ của dự án bị chi phối bởi nhiều yếu tố (thời tiết, giá cả, vốn, vật tư...), mà thường là thời gian xây dựng bị kéo dài.
Nếu quy định cứng trong giấy phép, thì trong trường hợp do các nguyên nhân khách quan, vượt quá thời hạn quy định CĐT phải làm thủ tục gia hạn giấy phép (hoặc cấp mới) sẽ thêm phiền hà, tốn kém cho CĐT và người dân.
Bộ Xây dựng cũng cho biết: Nếu quy định thời hạn hoàn thành công trình thì cũng sẽ phát sinh tiêu cực, vì cơ quan cấp phép dễ tùy tiện ấn định thời gian hoàn thành công trình.
Tương tự, thời hạn khởi công công trình theo bộ, cần được quy định cụ thể (thay vì 12 tháng như hiện hành, cho phép tăng lên 18 tháng), để loại trừ trường hợp CĐT gần hết hiệu lực của giấy phép mới khởi công công trình, sau đó lại xin gia hạn giấy phép, kéo dài thời gian xây dựng. Mặt khác, nếu CĐT không sử dụng đất theo đúng mục đích, quá thời hạn mà không xây dựng công trình thì sẽ bị thu hồi theo quy định của Luật Đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản...
“Trong thực tế, CĐT khi đã khởi công xây dựng công trình, nếu không vì lý do bất khả kháng thì không ai muốn kéo dài thời gian thi công vì mỗi một ngày chậm tiến độ, CĐT đều bị thiệt hại. Đặt ra vấn đề này chỉ nhằm ngăn những CĐT “ma”, găm giữ đất vì mục đích khác”- ông Quang nói.
Bỏ lệ phí, giảm phiền hà
Hiện nay, phí xây dựng được quy định do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định. Bộ Xây dựng nhận thấy, thực tế chỉ một số địa phương có quy định về phí xây dựng và mỗi địa phương lại có quy định rất khác nhau. Đây là vấn đề cản trở đầu tư, gây khó khăn cho nhà đầu tư vì thực chất Nhà nước đã thu các khoản thuế khi nhà đầu tư hoạt động kinh doanh ngay từ khi xây dựng công trình.
Bộ Xây dựng kiến nghị bỏ quy định về phí xây dựng. Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng Hoàng Thọ Vinh cho biết: Với phí xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ của người dân, do địa phương quy định, thường ở mức 0,5-1% tổng mức đầu tư cho nhà, công trình xây dựng.
“Nếu người dân xây nhà 1 tỉ đồng, với phí 1% mức đầu tư, người dân sẽ phải đóng 10 triệu đồng. Vì mức đóng khá lớn như vậy, nên nhiều người dân đã trốn đóng khoản phí này bằng cách xây dựng không phép”- ông Vinh cho biết. Việc phải đóng khoản phí này đối với người dân lâu nay cũng không hợp lý, vì người dân làm nhà để cải thiện đời sống và đồng thời cải thiện bộ mặt xã hội, đó là quyền của họ.
Theo hướng này, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị bãi bỏ nhiều thủ tục phiền hà khác liên quan đến xây dựng như không cần thiết phải tách thành từng loại, nhóm công trình khi cấp phép cho nhà ở riêng lẻ; không cần nộp bản vẽ thiết kế thi công công trình; đối với các dự án nhóm A, B, C sử dụng các nguồn vốn không phải vốn ngân sách, CĐT không cần thủ tục lấy ý kiến thiết kế cơ sở.
Theo Lao Động