Xí nghiệp may thị trấn Xuân Trường (Cty cổ phần may Nam định) tạo việc làm, thu nhập cho 600 lao động. Ảnh: Dương Đức |
Thời gian gần đây, tổ chức công đoàn trong các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở huyện Giao Thuỷ đã thường xuyên chăm lo việc làm, đời sống người lao động. Hàng năm, các cấp công đoàn trong huyện luôn làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, động viên CNVCLĐ tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề và tác phong công nghiệp. Các CĐCS đều chủ động tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật cho CNVCLĐ, kịp thời triển khai các văn bản mới về chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích người lao động như Luật BHXH, BHYT, hợp đồng lao động... LĐLĐ huyện thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động của các cơ quan, doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, tổng kinh phí các đơn vị, doanh nghiệp trong huyện đã trích nộp BHXH, BHYT bắt buộc cho người lao động đạt 23 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái; tổng kinh phí nộp BHYT tự nguyện đạt 380,3 triệu đồng, nộp BHYT cho 61957 CNVCLĐ, giải quyết cho 31 người nghỉ hưởng lương hưu hàng tháng, 95 đối tượng nghỉ hưởng chế độ một lần theo Luật BHXH, trợ cấp tiền tuất cho 27 trường hợp; chi trợ cấp ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức với số tiền là 644,9 triệu đồng. Quyền làm chủ của cán bộ, CNVCLĐ cũng được tôn trọng. Hàng năm có 100% cơ quan HCSN tổ chức hội nghị CBCC, 100% DNNN tổ chức đại hội CNVC, 30,6% Cty cổ phần tổ chức hội nghị người lao động. Trong điều kiện sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn từ tác động của cơ chế thị trường và tình trạng thiếu điện kéo dài, các cấp công đoàn còn phối hợp với chính quyền thực hiện nhiều biện pháp tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động như: Tích cực tìm kiếm, ký kết sớm các hợp đồng sản xuất lớn; khắc phục khó khăn tăng ca sản xuất trong thời gian được cung ứng điện... Đặc biệt, các CĐCS đều bám sát điều kiện sản xuất, kinh doanh của đơn vị, phát động nhiều phong trào thi đua nhằm nâng cao năng suất, chất lượng công việc như: "Lao động giỏi - lao động sáng tạo", "Thi đua học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp"... Thông qua các phong trào, mỗi năm toàn huyện có hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học và hàng trăm sáng kiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần tăng doanh thu cho doanh nghiệp và nâng cao thu nhập cho người lao động. Hiện nay, mức lương bình quân của người lao động trên địa bàn huyện đạt 1,7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn còn đa dạng hoá các hoạt động xã hội, giúp đỡ các đoàn viên công đoàn gặp hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều chương trình hiệu quả. Các CĐCS đã duy trì, phân bổ hiệu quả nguồn quỹ "Quốc gia giải quyết việc làm" và vận động CNVCLĐ ủng hộ xây dựng Quỹ "Vì nữ CNLĐ" được trên 8 triệu đồng cho hàng trăm lượt công nhân vay vốn phát triển kinh tế gia đình, giảm hộ nghèo; đóng góp xây dựng các quỹ: "Đền ơn đáp nghĩa", "Khuyến học, khuyến tài", "Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam" hàng trăm triệu đồng. Các cấp công đoàn còn phát động quỹ ủng hộ xây nhà ở "Mái ấm công đoàn” và đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới được 15 nhà cho những CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Các CĐCS còn chủ động khai thác tối đa lợi thế sẵn có từ các công trình phúc lợi công cộng như: Trạm y tế, nhà thi đấu, thư viện, sân chơi, bãi tập..., giúp người lao động có điều kiện rèn luyện sức khoẻ, nâng cao đời sống tinh thần, tạo sự đoàn kết, gắn bó trong tập thể CB, CNVCLĐ. Các CĐCS còn nỗ lực tạo điều kiện cho người lao động đi tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng sức...
Từ những hoạt động thiết thực, các cấp công đoàn huyện Giao Thuỷ đã ngày càng khẳng định được vị thế của mình, không ngừng thu hút, nâng cao số lượng đoàn viên công đoàn và các CĐCS. Đến nay, toàn huyện đã có 62 CĐCS với 3964 đoàn viên/4397 CNVCLĐ./.
Nguyễn Thanh Thuý