Chăm lo sự nghiệp giải phóng phụ nữ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặc biệt chăm lo sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Người cho rằng làm cách mạng mà không giải phóng phụ nữ thì mới giải phóng một nửa thế giới và chỉ làm cách mạng giải phóng dân tộc để có độc lập dân tộc thì phụ nữ mới được giải phóng.

Bác Hồ và đại biểu phụ nữ dân tộc ít người tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3-1961. Ảnh: TL
Bác Hồ và đại biểu phụ nữ dân tộc ít người tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3-1961. Ảnh: TL

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặc biệt chăm lo sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Người cho rằng làm cách mạng mà không giải phóng phụ nữ thì mới giải phóng một nửa thế giới và chỉ làm cách mạng giải phóng dân tộc để có độc lập dân tộc thì phụ nữ mới được giải phóng. Trong các văn kiện thành lập Đảng tháng 2 năm 1930, Bác Hồ đã nêu về phương diện xã hội "thực hiện nam nữ bình quyền". Đây là một điểm trong bốn điểm Chánh cương đề ra trên phương diện xã hội. Điều đó chứng tỏ, ngay từ khi thành lập Đảng, vấn đề giải phóng phụ nữ được Bác Hồ và Đảng ta hết sức coi trọng trong xây dựng đường lối cách mạng, một nội dung trong đường lối cách mạng, giải phóng dân tộc. Nét đặc biệt trong tư tưởng giải phóng phụ nữ là Hồ Chí Minh đặt vấn đề giải phóng phụ nữ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Quyền của phụ nữ gắn liền quyền dân tộc độc lập, quyền dân tộc tự quyết. Đấu tranh giành quyền độc lập dân tộc thì mới thực hiện được quyền bình đẳng của phụ nữ. Trong cách mạng giải phóng dân tộc phải đem toàn bộ sức mạnh dân tộc (nội lực) để tranh đấu, "đem sức ta mà giải phóng cho ta" thì sự nghiệp giải phóng phụ nữ cũng là đem sức mạnh của đoàn kết dân tộc, của khối đoàn kết phụ nữ mà giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, nổi bật và bao trùm lên tất cả là tính nhân văn của nhà văn hoá kiệt xuất Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, trong hoàn cảnh bị tù đày hay khi là lãnh tụ tối cao của cách mạng, Bác Hồ đặc biệt quan tâm tới phụ nữ. Người cảm nhận sâu sắc thân phận của người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, nhất là trong xã hội còn chịu ảnh hưởng tàn dư của chế độ phong kiến và đô hộ, áp bức của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Cách mạng xã hội chủ nghĩa theo Hồ Chí Minh là cuộc cách mạng giải phóng con người, do đó nếu không giải phóng phụ nữ, một phần nửa xã hội thì không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội. Và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thật sự đem lại lợi ích, chăm lo lợi ích cho con người, trong đó có phụ nữ được chăm lo, được giải phóng. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn chăm lo sự nghiệp giải phóng phụ nữ khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công, bất bình đẳng. Đó cũng là công việc quan trọng trong công cuộc kiến thiết nước nhà, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ là huy động phụ nữ tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, tạo ra nhiều cơ hội cho phụ nữ vươn lên, thật sự bình đẳng với nam giới.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, nổi bật ba nội dung lớn:

Một là, giải phóng về chính trị. Giải phóng phụ nữ là một bộ phận của giải phóng dân tộc. Bởi vì nước mất, nhà tan, dân là nô lệ, phụ nữ bị đoạ đày đau khổ nhất. Giải phóng dân tộc là tiền đề để giải phóng phụ nữ. Nước có độc lập thì dân mới có tự do. Dân tộc được giải phóng thì phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong việc ứng cử và bầu cử vào các cơ quan dân cử, hệ thống chính trị theo Hiến pháp, pháp luật.

Hai là, giải phóng về xã hội. Phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong việc tham gia công việc xã hội. Đồng thời bình đẳng trong hôn nhân với chế độ một vợ một chồng. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng Hiến pháp và Luật Hôn nhân gia đình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần bày tỏ chính kiến trước công luận là phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến và đầu óc gia trưởng, tư tưởng tư sản, trọng nam khinh nữ. Đồng thời phụ nữ phải tự giải phóng, tự vươn lên làm tốt vai trò người phụ nữ trong chế độ mới, chú trọng thiên chức của người phụ nữ trong gia đình.

Ba là, giải phóng tâm lý tự ty, đầu óc phụ thuộc bởi thân  phận người phụ nữ trong chế độ cũ, phát huy phẩm chất truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong điều kiện xã hội mới, thật sự giải phóng tư tưởng, giải phóng năng lực của phân nửa xã hội để người phụ nữ vươn lên làm chủ bản thân, gia đình, làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội.

Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, từ giữa thế kỷ 20, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên khắp đất nước Việt Nam, hình ảnh người phụ nữ "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" xuất hiện ngày càng nhiều. Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp và Mỹ, hàng triệu phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Tiêu biểu nhất là các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng vạn, hàng nghìn Anh hùng, liệt sỹ là nữ mà tên tuổi của họ còn ghi mãi trong sử vàng dân tộc, làm lay động lòng người hôm nay và mãi về sau.

Trong công cuộc xây dựng nước nhà, tiến hành đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước hiện nay, phụ nữ Việt Nam tỏ ra không thua kém nam giới, vươn lên khẳng định vị trí người làm chủ xã hội, thiên nhiên và gia đình, bản thân. Trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, đời sống, xã hội, kinh tế, văn hoá, chính trị, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, y tế, xây dựng gia đình văn hoá mới đều có và ngày càng nhiều người phụ nữ tiêu biểu cho phẩm chất, năng lực, đạo đức con người mới.

Vị thế và vai trò người phụ nữ ngày càng nâng cao. Trong gần 20 năm qua liên tục có Phó Chủ tịch nước là nữ. Các nhiệm kỳ Đại hội Đảng luôn có nữ là Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và nhiều Uỷ viên Trung ương, Bộ trưởng, Thứ trưởng, tỷ lệ nữ trong Quốc hội chiếm 25%... Trong lĩnh vực kinh tế, lao động nữ chiếm tỷ lệ hơn 50%, trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và nữ tham gia nhiều nghề mới mà trước chỉ dành cho nam giới. Ở lĩnh vực khoa học, công nghệ, nữ tham gia tới gần 40% và tỷ lệ các nhà khoa học nữ đạt hơn 6%. Đặc biệt trong giáo dục, đào tạo và y tế nữ chiếm tỷ lệ cao và có nhiều người có trình độ cao...

Tiếp tục phát huy vai trò người phụ nữ trong thời kỳ mới, cần quán triệt sâu sắc Tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, chính sách của Đảng để nâng cao hơn nữa vị thế người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp CNH-HĐH và trong hội nhập, mở cửa. Cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong toàn xã hội về vai trò của người phụ nữ trong tiến trình xây dựng xã hội mới, nhất là xây dựng, giữ gìn bản sắc văn hoá Việt Nam cũng như xây dựng gia đình văn hoá thật sự là tế bào của xã hội văn minh. Chúng ta cũng cần thật sự chăm lo cho tổ chức của phụ nữ là hệ thống Hội Phụ nữ Việt Nam, nhất là từ cơ sở thật sự là người đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của phụ nữ, chăm lo ngày càng nhiều hơn, tốt hơn cuộc sống vật chất, văn hoá, tinh thần đối với giới nữ, thực hiện bình đẳng giới thật sự cho một nửa dân số, tạo điều kiện để phụ nữ vươn lên làm tốt vai trò trong xã hội./.

Phạm Văn Khánh

Đọc thêm