Thực tế, 70-80% người dân chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) tại tuyến cơ sở. Đảng và Nhà nước đã đầu tư khá nhiều kinh phí để xây dựng và cải thiện hệ thống y tế cơ sở. Tuy nhiên, hệ thống này vận hành thế nào và chất lượng CSSKBĐ cho người dân ra sao, vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn.
|
Hình minh họa |
Thiếu, yếu và bất cập…
Đồng nghĩa với khoản kinh phí khá lớn từ ngân sách nhà nước, mỗi năm đã có không biết bao nhiêu trạm y tế, bệnh viện (BV) tỉnh, huyện, khu vực được xây mới và tu bổ. Thế nhưng, người dân vẫn không mặn mà với những cơ sở y tế này.
Yếu kém đầu tiên phải kể đến nguồn nhân lực y tế. Thực tế, chúng ta không thiếu cán bộ y tế được đào tạo chính quy, hiện đại từ các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp y tế trong cả nước. Nhưng thiếu cứ thiếu mà thừa vẫn cứ thừa.
Trong khi tại các BV cơ sở, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, xa đang thiếu cán bộ y tế một cách trầm trọng, thì ở các vùng đồng bằng, thành phố, thị xã nguồn “chất xám” này đang bị “bỏ qua”.
Theo thống kê của Bộ Y tế, có sự mất cân đối khá lớn nhân lực y tế giữa các khu vực này. Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ chủ quản, vẫn xuất phát từ lý do thu nhập thấp; chế độ phụ cấp, đãi ngộ không thỏa đáng; môi trường làm việc không tốt; điều kiện làm việc hạn chế và ít có cơ hội được đào tạo.
Không chỉ thiếu mà chất lượng đội ngũ cán bộ y tế của hệ thống y tế cơ sở cũng không bảo đảm. Một nghiên cứu gần đây của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho thấy, kiến thức, kỹ năng của cán bộ y tế cấp cơ sở còn quá hạn chế (kiến thức cơ bản về chăm sóc sơ sinh của cán bộ y tế trạm y tế (TYT) chỉ đạt 60% so với chuẩn quốc gia; chỉ có 54,3% BS có kiến thức đúng về chẩn đoán và điều trị các chế độ mất nước do tiêu chảy…, đặc biệt khả năng nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm ở phụ nữ mang thai cũng rất ít); khả năng thực hiện các dịch vụ kỹ thuật của đội ngũ này cũng là một vấn đề đáng bàn.
Cùng với đó là những bất cập, hạn chế về thuốc, trang thiết bị y tế, thái độ ứng xử với người bệnh… Cụ thể, theo đánh giá về tình hình sử dụng thuốc tại gần 300 TYT thuộc 11 tỉnh, thành của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, TYT chỉ có khoảng 30% số thuốc thuộc nhóm thuốc CSSKBĐ; 41,6% TYT không có tủ thuốc cấp cứu; 68% bệnh nhân (BN) phải mua thêm thuốc ngoài điều trị.
Và đây là những lý do chính khiến người dân không tha thiết với việc CSSKBĐ bằng thẻ BHYT tại các TYT. Ngoài ra, số TYT có số trang thiết bị theo quy định cũng rất hạn chế. Nếu được trang bị thì lại không có người sử dụng.
Thế nên mới có chuyện, nhiều TYT được Dự án tài trợ cho trang thiết bị y tế nhưng chưa đào tạo, tuyển được kỹ thuật viên y tế nên đành để máy móc nằm “đắp chiếu” trong kho. Có cơ sở y tế thì có kỹ thuật viên thì lại không có bác sỹ đủ trình độ đọc được kết quả nên thiết bị dù hiện đại cũng không phát huy được tác dụng.
Người dân chịu thiệt
Vô vàn thách thức, khó khăn đặt ra với ngành y tế. Trong thời gian chờ đợi những giải pháp khắc phục thực trạng này, sức khỏe người dân không được quan tâm, chăm sóc thấu đáo, tính mạng của họ luôn được đặt lên bàn cân.
Để cứu mình, nhiều người đã phải tự "lọ mọ" tìm cách vượt tuyến lên trên khám chữa bệnh, dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng ở tuyến trên, trong khi đó theo thống kê, 70% BN vượt tuyến TƯ có thể điều trị được ở tuyến dưới; 81,8% BN vượt tuyến chuyên khoa tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện, xã và 6,9% BN vượt tuyến huyện có thể điều trị được ở tuyến xã (khảo sát của Viện Chiến lược và Chính sách y tế tại 11 tỉnh). Người không có điều kiện thì đành phó mặc tính mạng cho… giời.
Thật đáng lo ngại khi số lượng BN bị tai biến ở tuyến dưới ngày càng gia tăng; tình trạng trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi… thì không được cải thiện; số ca chẩn đoán nhầm, sai bệnh cũng diễn ra khá phổ biến; tỷ lệ tử vong mẹ, thanh niên trẻ tuổi cũng tăng lên trông thấy. Những tâm trạng và cảnh báo này không chỉ chúng ta biết, nhìn thấy mà là do chính những nhà quản lý, hoạch định chính sách y tế, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới nhìn nhận, đánh giá và khẳng định.
Xin kết thúc bài viết bằng lời bàn về một vụ kiện làm chết BN vừa xảy ra cách đây vài hôm ở một địa phương trong Nam. Thực tế sản phụ này bị tai biến và tử vong do tắc trách và sự yếu kém về năng lực và trình độ cũng như đạo đức của các cán bộ y tế cơ sở.
Vụ việc này không còn là hy hữu, mà xảy ra và gia tăng đột biến trong thời gian gần đây. Nó thực sự gióng lên hồi chuông báo động về sự xuống cấp về đạo đức, cũng như sự yếu kém, hạn chế của hệ thống CSSKBĐ cho người dân ở nước ta.
Nếu Bộ chủ quản không có những giải pháp tối ưu và quyết sách kịp thời, những vụ việc trên sẽ vẫn còn tiếp diễn. Tình trạng BN nhốn nháo chầu chực xếp hàng chờ khám chữa bệnh, làm thủ tục nhập viện, rồi nằm hành lang, vỉa hè, gầm giường… cũng không bao giờ giải quyết được.
Hùng Long