'Chạm yêu' từ những cuốn sách

(PLVN) - Có những cuốn sách đi qua cuộc đời một người tựa như “gió thoảng, mây bay” không đọng lại một ký ức nào. Nhưng có những quyển sách để lại dấu ấn khó phai mờ, thậm chí thay đổi cuộc đời chính người đọc sách.
Truyện thiếu nhi là một mảnh ghép trong cuộc đời mỗi đứa trẻ. (Nguồn: Pibook.vn)
Truyện thiếu nhi là một mảnh ghép trong cuộc đời mỗi đứa trẻ. (Nguồn: Pibook.vn)

Từng có một tuổi thơ đẹp như vậy...

Tuổi thơ của thế hệ người 8x, 9x trở về trước, sách, báo, đài có lẽ là những mảnh ghép không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Truyện thiếu nhi đã trở thành một phần trong hành trình trưởng thành của rất nhiều người trẻ Việt Nam. Những trang sách mơ màng, tinh nghịch đầy màu sắc đã góp phần hình thành nên tính cách, khả năng sáng tạo, kết nối bạn bè, anh chị em trong gia đình với nhau.

Nguyễn Vân Trang (26 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi bắt đầu thích đọc từ những cuốn truyện tranh. Tuổi thơ của tôi sống trong thế giới phiêu lưu kỳ diệu của Doraemon, những trò tinh nghịch của “Tý Quậy”, các giấc mơ thiếu nữ khi đọc “Thủy thủ mặt trăng” cùng các bạn”. Vân Trang cho biết, lớn hơn một chút, truyện tranh không thể đáp ứng được nhu cầu đọc của cô nữa. Cô bắt đầu tìm đến cuốn truyện chữ có chủ đề tương tự như “Hai vạn dặm dưới đáy biển”, “Hiệp sĩ Đôn-ki-hô-tê”, “Kính vạn hoa”,... Cô nói: “Từ quyển truyện, tiểu thuyết, khi trưởng thành tôi chọn sang những cuốn sách thiết thực hơn như đọc kinh tế, chính trị, khoa học”.

Maryanne Wolf, Giáo sư Đại học California (Mỹ) từng đưa ra lời giải thích về việc đọc sách giúp con người nhân ái, đồng cảm hơn: “Vì khi đọc sách chúng ta có nhiều cơ hội hơn để hiểu sâu, nhận thức rõ ràng hơn, cảm nhận về những suy nghĩ tốt nhất của chính mình. Nó mang lại cho chúng ta nhiều sự đồng cảm, sự tiếp thu quan điểm, suy nghĩ và cảm xúc của người khác”.

Nhớ về câu chuyện dạy con đọc sách của người Do Thái, ngay từ lúc đứa trẻ còn được ẵm ngửa, bà mẹ đã tạo cho con thói quen thích sách bằng cách dùng mẹo nhỏ vài giọt mật ong lên cuốn sách và cho bé liếm. Bằng cách này, họ đã dạy con rằng sách là thứ gì đó rất đỗi ngọt ngào và thơm tho. Chúng ta đều biết rằng ấn tượng ban đầu rất quan trọng và có thể theo chúng ta suốt cuộc đời. Do đó, đứa bé khi cảm nhận được sự thơm ngọt của sách qua những giọt mật, chúng đã cảm thấy yêu sách và sách giống như sinh mệnh vậy. Từ đó, tình yêu với sách sẽ lớn dần lên trong chúng.

Với rất nhiều người, cuốn sách tuổi thơ không cần bôi mật mà chính nội dung bên trong đã ẩn chứa lớp đường ngọt ngon, thơm mát. Tình yêu sách cứ như vậy được nuôi dưỡng, hình thành nên bên trong mỗi đứa trẻ, lớn dần lên theo năm tháng. Thực tế, đây là cách dạy của rất nhiều trường học hiện nay. Các học sinh không bị bắt buộc phải đọc quyển sách “hay” theo tiêu chuẩn của người lớn. Mà sách được phân loại phù hợp với lứa tuổi của các em.

Đọc sách giúp con người mở cửa trái tim. (Nguồn: Cafe và sách)

Đọc sách giúp con người mở cửa trái tim. (Nguồn: Cafe và sách)

Đặc biệt, đối với một số người, những cuốn sách thiếu nhi đã trở thành “người thầy” dạy về tình bạn, tình yêu thương gia đình, thầy cô, tất cả loài sinh vật sống trên trái đất. Nguyễn Yến Nhi (24 tuổi, Hải Phòng) cho biết: “Hồi nhỏ tôi thích đọc “Thần đồng Đất Việt”, “Thám tử Conan”, truyện ngắn trên báo Hoa học trò, Trà sữa tâm hồn. Mỗi câu chuyện thiếu nhi dù ở bất kỳ vùng đất nào cũng chỉ thú vị khi nhân vật chính có bạn bè đồng hành. Đọc truyện cũng tuyệt vời hơn rất nhiều khi có người bạn cùng đọc, cùng trao đổi, thảo luận”. Cô cũng cho biết, đôi lúc những bài học trong truyện tranh dễ dàng giúp cho trẻ em tiếp cận hơn rất nhiều so với lời dạy của bố mẹ, cô giáo: “Sau khi đọc xong phân đoạn bà nội và Nobita chia tay nhau trong “Doraemon”, tôi đã bật khóc khi nghĩ về bà mình ở quê. Từ đó, tôi thường xin bố mẹ cho về quê vào kỳ nghỉ hè để thăm bà”.

Nhà văn Hoài Thanh đã từng có một nhận định vô cùng thâm thúy “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có”.

Đôi lúc, những câu chuyện thiếu nhi còn “vun trồng”, hình thành nên ước mơ của trẻ nhỏ. Nguyễn Phương Linh (26 tuổi, Long Biên, Hà Nội) tâm sự, hồi bé cô thích nhất đọc quyển “Totto-chan bên cửa sổ” của Kuroyanagi Tetsuko. Tôi mơ ước mình sẽ được học trong một ngôi trường thú vị như Tomoe, học bài giảng hấp dẫn giống Totto-chan. Ngay từ bé, tôi đã quyết tâm lớn lên sẽ trở thành một giáo viên giảng dạy như bài học thú vị, đem lại tuổi thơ hạnh phúc cho tất cả các em học sinh”. Đến nay, khi đã tròn 26 tuổi, Phương Linh đạt mơ ước của mình trở thành một giáo viên dạy Ngữ Văn.

Mở cửa trái tim từ những trang sách

Nữ diễn viên người Mỹ Anne Hathaway từng chia sẻ cô mê mẩn tiểu thuyết “Khu vườn bí mật” của nhà văn Frances Burnett, trong trái tim của Anne luôn dành chỗ cho những khu vườn. Và chắc chắn cô luôn khẳng định sẽ đi tìm chìa khóa mở cửa những tâm hồn khô khan đang bị khóa kín.

Tỷ phú Tony Robbins học được cách trao đi, nhận lại tình yêu thương sau khi đọc xong cuốn truyện “Cây táo yêu thương” của nhà văn Shel Silverstein. Còn đối với tỷ phú Bill Gates, ông đã dành lời yêu thương, sự trân trọng, niềm tin vào con người trong một thế giới đang ngày càng phát triển thay đổi sau khi đọc xong cuốn sách “Enlightenment Now: The Case for Reason, Science, Humanism and Progress” (tạm dịch: Giác ngộ hiện tại) của Steven Pinker.

Mỗi cuốn sách đem lại cho người đọc những góc nhìn mới mẻ về thế giới. Sách cũng là một trong những chiếc chìa khóa để mở cửa trái tim của con người. Đặc biệt trong thời đại công nghệ khoa học phát triển, rất nhiều người trở nên vô cảm, thờ ơ, việc đọc có thể sẽ là một “liều thuốc” khơi dậy cảm xúc nhân văn, tốt đẹp ở bên trong con người. Như J Milton đã từng có câu nói: “Một quyển sách hay là đời sống xương máu quý giá của một tinh thần ướp hương và cất kín cho mai sau”.

Thực tế, sách đã giúp nhiều người trẻ biết cảm thông, yêu thương nhiều hơn. Lấy ví dụ câu chuyện của Nguyễn Hà Phương (26 tuổi, Hà Nội) cho biết, cô rất thích sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Mỗi cuốn sách của thiền sư giúp cô sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn, sẵn sàng chia sẻ, đồng cảm với mọi người: “Đọc những cuốn sách của thầy Thích Nhất Hạnh giúp tôi nhận biết được hạnh phúc chân thật không đến từ danh vọng, quyền hành, giàu sang và dục lạc. Hạnh phúc cũng không phải là sự hưng phấn, “chộn rộn”, mà chỉ tới khi ta có đủ bình an trong lòng. Đặc biệt, hạnh phúc chân thật đến từ hiểu biết và thương yêu. Khi ta hài lòng với những gì ta đang có, ta nhận thấy có quá nhiều điều kiện hạnh phúc vốn có quanh ta rồi. Cái thấy đó đem lại cho ta niềm vui lớn. Đó là nghệ thuật hạnh phúc, dễ dàng và giản dị mà ai cũng có thể làm được”.

Đọc sách giúp con người phát triển tư duy và có chính kiến, nhận định đúng đắn hơn. (Ảnh minh họa - Nguồn: PNG Tree)

Đọc sách giúp con người phát triển tư duy và có chính kiến, nhận định đúng đắn hơn. (Ảnh minh họa - Nguồn: PNG Tree)

Từ tình yêu thương, người đọc sách phải đi đến hành động thiết thực, hữu ích giúp đỡ cho các cá nhân, cộng đồng như Nguyễn Ánh Phương (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi bắt đầu nhận nuôi một vài chú mèo bị bán vào lò mổ sau khi đọc quyển sách “Bob: Chú mèo đường phố” của James Bowen. Trước kia, tôi chỉ nghĩ chó, mèo chỉ là những vật nuôi dùng để trông nhà, bắt chuột, tôi chưa bao giờ tin rằng chúng có thể thực sự là bạn của mình”. Sau khi đọc xong quyển sách, Phương đã bắt đầu chăm sóc các chú mèo bằng tình yêu thương, cô dần nhận ra động vật cũng có cảm xúc như con người, biết yêu, ghét, sợ hãi, lo lắng, quan tâm đến chủ nhân, đồng loại.

Vượt lên trên cả tình yêu thương, nhiều người đọc sách còn dần thấu hiểu được quy luật nhân quả, hành trình đưa con người về nẻo đường thiện lành do sách mang lại. Hay nói cách khác, sách đã khai trí và khai tâm, mở rộng kiến thức, vốn hiểu biết, nhận thức, trí tuệ giúp mọi người có tư duy phản biện tốt, có chính kiến và nhìn nhận mọi việc sáng rõ hơn. Bởi vì, suy cho cùng, mọi giá trị đều hướng đến chân - thiện - mỹ.

Đỗ Đức Nam (28 tuổi, Hà Nội) tâm sự: “Tôi rất thích đọc quyển sách “Muôn kiếp nhân sinh” của tác giả Nguyên Phong. Giữa bộn bề thông tin, lo âu, suy nghĩ trong thời hiện đại, tôi luôn tìm một chốn để an định tinh thần của mình”. Đức Nam cho biết, đọc sách cũng là cách để rèn luyện thân và tâm. Một cuốn sách hay giúp cho người đọc trân trọng hiện tại, chuyển đổi tâm thức, lan tỏa yêu thương và hiểu biết để hướng đến một tương lai tốt đẹp bằng chính những hành động, suy nghĩ của mình.

Theo nghiên cứu của Giáo sư Dale Jacobs (2007) - từ Đại học Windsor (Anh), não sẽ xử lý nhiều hơn để hiểu nội dung câu chuyện qua từng khung tranh với nhiều hình ảnh, phối cảnh không gian và câu chữ khác nhau. Càng dùng nhiều chức năng phân tích, tổng hợp cùng lúc, các liên kết nơron thần kinh càng được hình thành nhiều hơn, khiến cho khả năng xử lý và liên kết thông tin của trẻ càng thêm nhạy bén. Vì thế, việc chọn lọc truyện tranh có nội dung tốt và phù hợp là bước đầu tiên để trẻ phát triển tư duy.