Lo ngại trẻ thiếu ngủ
Năm học này, tại TP Hồ Chí Minh đã có một số cơ sở giáo dục lùi thời gian vào lớp cho học sinh. Nhưng vẫn nhiều người bày tỏ lo ngại về việc điều này có giúp tăng thời gian ngủ của học sinh hay không, khi giờ đi ngủ của học sinh thực chất được quyết định bởi thời gian làm bài tập về nhà, bài tập học thêm.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được kỳ vọng sẽ giảm tải, giảm áp lực cho học sinh, nhưng nhiều học sinh vẫn đang gồng mình đi học thêm. Học sinh tiểu học dù đã học ngày 2 buổi vẫn học thêm ở ngoài nhà trường do chính giáo viên chủ nhiệm đứng lớp. Phần lớn học sinh phải nộp tiền theo khoá học ở các trung tâm ngoại ngữ chỉ vì mỗi tuần có 2 - 3 tiết tiếng Anh ở trường với sĩ số 50 - 60 học sinh không mang lại hiệu quả. Trung bình, tiền học thêm của học sinh thành phố hết 4 - 5 triệu/tháng.
Theo báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam năm 2011 - 2020 do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và UNESCO công bố, chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông hiện nay (tiểu học là 32%, THCS là 42% và THPT là 43%).
Theo ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Quỹ quốc gia đổi mới giáo dục phổ thông (VIGEF): Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, song ông Ân cho rằng, đề xuất này vừa sai luật vừa không đúng với thực tiễn. “Luật của chúng ta vẫn chưa cho phép giáo dục là ngành kinh doanh như hàng hóa, sản phẩm nhà trường chưa phải là hàng hóa. Luật Giáo dục đã cấm “Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” hay “Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi”.
Ông Ân đánh giá Chương trình giáo dục phổ thông 2018 định hướng tới phát triển năng lực học sinh, đưa kiến thức vào sách giáo khoa đảm bảo cơ bản vừa đủ, dạy học sinh cách học và học thông qua thực hành, tăng cường giáo dục kỹ năng sống. Do đó, khi thực hiện chương trình giáo dục mới, học sinh không phải “học thêm” mà cần “làm thêm”, “trải nghiệm thêm”. Bậc tiểu học đã tổ chức học 2 buổi/ngày, tuyệt đối không học thêm.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, hiện nay phí học thêm cao hơn rất nhiều lần so với học phí. Lâu nay người ta chỉ nhìn ở góc độ thầy “lôi kéo” trò đi học thêm là do đồng lương thấp, đời sống khó khăn. Nhưng thực tế từ sách giáo khoa lại cho thấy chương trình quá nặng, nhiều bài khó một cách không đáng có. Đa số sẽ không thể chỉ bài cho con, vì thế phụ huynh lại phải cho con đi học thêm.
Còn GS.TS. Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, việc học thêm, dạy thêm xảy ra trong 2 trường hợp là khi phụ huynh mong muốn con em mình có học lực giỏi hơn yêu cầu đầu ra của chương trình hoặc do các nhà trường giảng dạy chưa theo đúng chương trình, chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu khiến học sinh buộc phải học thêm mới đạt chuẩn về mặt kiến thức, kỹ năng.
Quay cuồng học thêm
Ngay sau khai giảng năm học 2022 - 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 4255/BGDĐT-TTr hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2022 - 2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, trong đó có việc tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, tình trạng này vẫn diễn ra, dù có “lệnh cấm” dạy thêm với tiểu học.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) bày tỏ, bản thân ông phản đối việc lạm dụng chiêu trò để o ép học sinh đi học thêm. Đây chính là hành vi lệch chuẩn, sai quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, làm trái đạo đức người thầy giáo. Trường hợp học sinh muốn học thêm để nâng cao năng lực, có thể khuyến khích tinh thần tham học hỏi ở các em, song phụ huynh cũng không nên để con học thêm quá nhiều gây quá tải.
Nhiều ý kiến cho rằng, do quay cuồng với việc học thêm nên nhiều học sinh hiện nay thiếu hụt cơ bản kỹ năng sống. Mỗi ngày của các em đều thực hiện theo một quy trình lập sẵn, chỉ có học và học, đến ăn cũng phải vội vàng cho kịp giờ học. Phải chăng vì thế, ngày càng nhiều vụ bạo lực học đường, học sinh ứng xử chưa đúng mực với người lớn, thầy cô?
Thực tế, học thêm cũng là nhu cầu của nhiều học sinh và gia đình, khi chương trình học ngày càng khó như hiện nay. Nên chăng cần xem lại quy định cấm học thêm, dạy thêm một cách cứng nhắc? Bởi “cấm” nhưng tình trạng này lại ngày càng phổ biến, dưới nhiều hình thức “lách” quy định, càng làm khó cho học sinh và phụ huynh. Thay vì “cấm”, nên để nhà trường trình các phương án dạy thêm, học thêm phù hợp với điều kiện, chất lượng học sinh của trường. Cùng với đó là đổi mới, cải cách về giáo dục. Làm sao để nhà trường, giáo viên và học sinh không bị áp lực học hành, điểm số và bệnh tích đè nặng như hiện nay.