Thông thường, thời điểm này, người chăn nuôi lợn ở Hải Phòng tăng tốc phát triển đàn nuôi để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do khó khăn liên tục cùng với dịch tai xanh ở lợn đang có nguy cơ bùng phát trở lại sau một thời gian tạm lắng, người chăn nuôi vẫn chưa dám mạnh dạn đầu tư sản xuất.
Muốn tái đàn nhưng thiếu vốn
Anh Đồng Văn Tú, ở thôn Nãi Sơn, xã Tú Sơn (Kiến Thụy) cho biết: “Tôi nuôi lợn sau dịch tai xanh do giá thịt lợn bắt đầu tăng trở lại, cũng là chuẩn bị cho cuối năm và Tết nhưng không dám mở rộng đàn nuôi. Thêm vào đó, giá lợn giống và thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cao nên gia đình tôi chủ yếu nuôi ăn đong từng lứa một, bán lứa này, gối lứa kia, không dám nuôi nhiều như trước. Dịch hành hoành trong tháng 5 khiến lợn thịt quá lứa rất khó bán, người chăn nuôi vừa bị thiệt hại vì phải tiêu hủy lợn ốm, lại vừa không tiêu thụ được sản phẩm. Thế là cụt vốn, muốn mở rộng chăn nuôi sau dịch cũng đành chịu ”.
Ông Phạm Hải Thanh, ở cụm dân cư số 2, phường Hải Thành (quận Dương Kinh) cho biết: “Đợt dịch tai xanh ở lợn tháng 5 vừa qua, gia đình tôi có 42 con lợn thì hơn một nửa đàn bị ốm, chết vì bệnh tai xanh. Bây giờ, muốn đầu tư tái đàn nhưng không có vốn. Kinh phí hỗ trợ tiêu hủy của Nhà nước chỉ đủ duy trì đàn lợn còn lại qua dịch. Giá lợn giống tăng chóng mặt. Thức ăn chăn nuôi sau khi hết dịch cũng tăng giá, từ đầu năm đến nay, tăng giá 3 lần, tính ra, mỗi bao cám tăng 15 đến 20 nghìn đồng”. Cũng vì thiếu vốn sau dịch tai xanh ở lợn nên nhiều hộ chăn nuôi trong phường Hải Thành và hai phường Minh Đức, Hợp Đức ( quận Đồ Sơn) hiện bỏ trống chuồng. Tại nhiều vùng chăn nuôi khác, số đàn nuôi trong mỗi trang trại, gia trại cũng giảm so với thời điểm này năm ngoái. Một đại lý bán thức ăn chăn nuôi ở thị trấn Núi Đối (Kiến Thụy) cho biết: Hằng năm, thời điểm này sức tiêu thụ các loại thức ăn gia súc tăng mạnh, do nhiều người phát triển chăn nuôi chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Năm nay, thời điểm này, sức tiêu thụ các loại thức ăn gia súc vẫn yếu, 3 tháng qua, giảm 50-60% so với cùng kỳ năm trước. Sức tiêu thụ giảm mạnh do nhiều người thấy chăn nuôi không hiệu quả nên để trống chuồng”.
|
Chăn nuôi gia công cũng giảm quy mô
Anh Nguyễn Ngọc Đức, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển chăn nuôi (Công ty thành viên của Công ty cổ phần DABACO) cho biết: “Do sợ dịch tai xanh ở lợn bùng phát trở lại, năm nay, công ty chỉ đầu tư xây dựng ở Hải Phòng 10 trang trại chăn nuôi gia công. Trong khi con số này trong 2 năm qua là 40. Tuy nhiên, cũng vì tắc đầu ra tiêu thụ sau dịch tai xanh ở lợn tại Hải Phòng thời điểm tháng 5 và lo dịch bùng phát trở lại nên đã hơn nửa năm doanh nghiệp cũng chưa triển khai xây dựng mới trang trại nào”.
Hàng loạt doanh nghiệp chăn nuôi gia công giảm quy mô chăn nuôi. Chẳng hạn Công ty TNHH CP Group trong năm 2010 này chỉ triển khai xây dựng tại Hải Phòng 15-20 trang trại chăn nuôi gia công, giảm 2/3 so với 2 năm qua. Tuy nhiên, cũng vì giá giống, thức ăn chăn nuôi tăng cao cùng với nỗi lo tắc đầu ra nên hiện công ty cầm chừng trong việc xây dựng các trang trại chăn nuôi gia công trên địa bàn thành phố. Đây là tâm lý chung của hàng loạt doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi gia công Công ty cổ phần giống gia cầm Lượng Huệ, Công ty DABACO, Công ty Jafa Com Feed Việt Nam…đều giảm quy mô chăn nuôi.
Dịch bệnh liên tiếp cùng với chi phí chăn nuôi tăng chóng mặt đang khiến người chăn nuôi gặp khó khăn tứ bề, cản trở việc tái đàn sau dịch tai xanh ở lợn. Việc này cũng là một nguyên nhân khiến thị trường thịt gia súc, gia cầm dịp cuối năm; đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán hiếm hàng, giá tăng cao hoặc là dịp để thịt nhập khẩu ồ ạt về thành phố. Điều nông dân mong mỏi nhất hiện nay là được hỗ trợ kịp thời của nhà nước, thành phố về vốn để bà con có thể mở rộng chăn nuôi khi giá thịt lợn đang có chiều hướng tăng…/.
Hoàng Yên