Chàng đào than làm giám đốc

Nhắc đến Công ty Thiết kế và in offset Công Công Thành, 312 Hoàng Diệu, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, ít ai biết rằng ông chủ của nó đã có một thời từng mặt mũi đen nhẻm, chuyên đào than đá đi bán cho các cửa hàng, quán ăn để kiếm từng đồng bạc. Hành trình từ anh chàng hốt than đến ông giám đốc của anh Nguyễn Kim Thành cứ ngỡ như một câu chuyện cổ tích về cậu bé tốt bụng được bà tiên giúp đỡ, nhưng nó lại rất thật bởi sự vươn lên chỉ với đôi bàn tay và ý chí mãnh liệt…

Nhắc đến Công ty Thiết kế và in offset Công Công Thành, 312 Hoàng Diệu, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, ít ai biết rằng ông chủ của nó đã có một thời từng mặt mũi đen nhẻm, chuyên đào than đá đi bán cho các cửa hàng, quán ăn để kiếm từng đồng bạc. Hành trình từ anh chàng hốt than đến ông giám đốc của anh Nguyễn Kim Thành cứ ngỡ như một câu chuyện cổ tích về cậu bé tốt bụng được bà tiên giúp đỡ, nhưng nó lại rất thật bởi sự vươn lên chỉ với đôi bàn tay và ý chí mãnh liệt…

Mô tả ảnh.
Anh Nguyễn Kim Thành đang kiểm tra tiến độ công việc tại nhà xưởng.
Tay trắng bước vào đời

“Tuổi trẻ nhiều mơ ước và khát khao lắm, nhưng để thực hiện nó thật không hề đơn giản” - Thành bộc bạch. Nói không đơn giản cũng phải bởi Thành vào đời chỉ với đôi bàn tay trắng, không tiền bạc, không quen biết. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo có 4 anh em, Thành là con út nên được “ưu tiên” hơn các anh chị ở tấm áo lành lặn, bát cơm không độn. Tuy nhiên, cuộc sống quá khó khăn khiến cậu “út cưng” phải từ bỏ con đường học hành khi đang học lớp 9 để tự kiếm tiền trang trải chi phí. Ban đầu là mua sắt phế liệu về bán lại cho các đại lý. Sau rồi không “cạnh tranh” nổi với mấy bà đồng nát, Thành lại lên núi hái lá sa sa về bán cho các quầy giải khát.
Rồi Thành lại chuyển sang đào than đá tại các lò gạch về phân loại bán cho các nhà hàng, quán cơm. Bất kể ở lò gạch nào, người ta cũng nhận ra cái bóng gầy gò, nhỏ thó, đen nhẻm của Thành cặm cụi nhặt từng mảnh than đá. Làm việc chăm chỉ, cuối cùng Thành cũng đạt được ước mơ có chiếc xe đạp làm phương tiện. “Ngày ấy có được chiếc xe đạp mà đi là hiếm lắm, nhưng mình phấn đấu phải mua cho bằng được” - Thành nhớ lại. Có được xe đạp, Thành đi khắp nơi để học nghề sửa xe máy nhưng vì không có tiền mua đồ nghề nên đành bỏ dở.

Duyên may đến với Thành trong một dịp đi chơi cùng với một người bạn đang làm về in ấn. Thành chợt thấy mình có niềm đam mê đặc biệt với nghề này. Vậy là lân la tìm hiểu rồi học… lỏm tại các cơ sở in ấn lớn trong thành phố. Những chiếc card visit nho nhỏ đến catalogue, lịch… được in đủ màu sắc làm anh vô cùng thích thú. Sau khi đã tự tích lũy một số kiến thức cơ bản về in ấn, Thành mày mò tập làm. Nếu như người ta chỉ làm xong trong 1 tiếng thì anh phải mất 2 tiếng toát mồ hôi hột. Lân la làm quen, tìm mối hàng. Để tạo sự tin tưởng, Thành không lấy tiền cọc và cam đoan nếu đạt chất lượng, giao đúng thời gian thì mới lấy tiền. Một hộp gồm có 100 cái card giá khoảng 40 ngàn đồng. Bên cạnh đó, Thành còn mua giấy tự in và phát cho hàng xóm dán thành bao đem bỏ mối cho các đại lý để đựng nhang.
Do giá rẻ hơn nên anh được khá nhiều người đặt hàng và tạo việc làm cho 7 lao động gần nhà. Rồi những bữa trời mưa tầm tã như trút nước, cậu thanh niên gầy gò, nhỏ thó lại lặn lội đạp xe hơn 30 cây số vào Hội An để lấy mối hàng làm card. “Lúc đang đi trời mưa, khi về đến nhà áo khô luôn lúc nào không biết” - Thành đùa. Cần chế bản in nhưng nơi làm chỉ nhận đơn hàng lớn, làm ăn nhỏ như Thành họ không nhận. Vậy là 12 giờ đêm, Thành… leo rào vào giở bài… năn nỉ và cuối cùng cũng được chấp nhận. Cũng nhờ quyết tâm cao mà Thành luôn đúng hẹn với bạn hàng, dần tạo dựng được uy tín.

May mắn? 10%

Với Thành, quan trọng nhất là ý thức cầu tiến, luôn biết tự vượt lên chính mình thì mới đạt thành công, còn may mắn chỉ chiếm 10% trong sự thành công đó. Doanh nghiệp tư nhân Thành Nhơn ra đời vào năm 1999 với 12 công nhân, đến nay đã lớn mạnh thành Công ty Công Công Thành với 45 kỹ sư, công nhân với mức lương trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của công ty hàng tỷ đồng mỗi năm, từng bước khẳng định được thương hiệu của mình. Đã xa rồi cái thời làm thủ công sơ sài với mỗi chiếc máy xén giấy, giờ đây, Công ty Công Công Thành luôn đầu tư, bổ sung dây chuyền thiết bị hiện đại từ khâu thiết kế đến in offset, khâu hoàn thiện sản phẩm sau in trên dây chuyền khép kín đồng bộ, mặc dù có khi phải… thế chấp cả sổ đỏ để vay tiền ngân hàng. Thành cho biết: “Trước đây, trên thị trường thành phố Đà Nẵng cũng như các tỉnh miền Trung, mặt hàng thiết kế, in offset chưa khiến người ta thực sự tin tưởng và phải đặt làm tận thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng giờ đây, khá nhiều khách hàng tin tưởng và hoàn toàn yên tâm khi đến với chúng tôi”. Anh đã từng nhận in ấn toàn bộ cho các resort như: Palm Garden, Vườn Cọ…
Không chỉ chú tâm làm ăn, Thành còn tiếp tục con đường học vấn để hoàn thành chương trình lớp 12, các lớp ngắn và dài hạn về quản lý, marketing… Anh còn cử nhân viên đi học để nâng cao trình độ hoặc hỗ trợ họ trong việc học. Khi được hỏi về bí quyết để thành công, anh cười hiền: Trong bất cứ việc gì mình cũng đều tự hoạch định những kế hoạch ngắn, dài hạn và phải quyết tâm thực hiện cho bằng được. Chạm tay đến thành công, anh vẫn nhớ mãi về cái thời bần hàn của mình và càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động từ thiện vì cộng đồng như cứu trợ đồng bào vùng lũ, hỗ trợ suất ăn cho sinh viên dự thi đại học… Vinh dự đến với Thành khi anh là 1 trong 2 cá nhân của thành phố Đà Nẵng được chọn đi dự Hội nghị tuyên dương thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu cả nước tại Hà Nội.

Bài và ảnh: Phương Trà

Đọc thêm