Phát sinh thêm người: cưỡng chế làm sao?
Vụ tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở được TAND tỉnh P xét xử tại Bản án số 67/2011/DSPT ngày 26/9/2011, tuyên: “Buộc bà X giao lại căn nhà gắn liền với quyền sử dụng đất rộng 90,2m2 cho vợ chồng P”. Sau khi CHV nhiều lần thuyết phục không thành, phải thực hiện biện pháp cưỡng chế. Dù người phải thi hành án (THA) chống đối quyết liệt, song hoàn cảnh của họ cũng khó khăn vì không còn chỗ ở nào khác, nếu sau khi cưỡng chế theo Điều 115 xong thì gia đình người phải THA không nơi nương tựa.
Bởi vậy, CHV phải vận động bên được THA hỗ trợ một khoản tiền để thuê nhà trước khi cưỡng chế, nhưng bên phải THA không đồng ý mà vẫn kiên quyết chống đối. Do vậy, CHV phải xây dựng kế hoạch cưỡng chế và được Trưởng ban Chỉ đạo công tác THA phê duyệt.
Tuy nhiên, khi cưỡng chế, vụ việc này phát sinh tình huống tréo ngoe, đó là có một cụ bà trên 80 tuổi là mẹ chồng của bà X đang có mặt tại ngôi nhà cưỡng chế, mà trong quá trình xác minh không hề có người này trong ngôi nhà chuẩn bị cưỡng chế. Trước tình hình này, CHV xin ý kiến Thủ trưởng đơn vị để xử lý bằng cách xin ý kiến Ban Chỉ đạo và làm việc khẩn cấp với Trung tâm Bảo trợ thuộc Sở LĐ,TB&XH tỉnh P để làm thủ tục giao, nhận nuôi bà cụ tạm thời.
Sau khi chuyển và giao bà cụ cho Trung tâm Bảo trợ tiếp nhận nuôi dưỡng, vụ việc mới được thực hiện thành công. Đây là một vụ cưỡng chế huy động lực lượng bảo vệ cưỡng chế đông nhất (trên 50 người) và tính chất rất phức tạp, tuy nhiên được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tại địa phương, sự phối hợp nhiệt tình của Công an, UBND địa phương, các ngành hữu quan đã đồng thuận trong việc cưỡng chế giao nhà.
Thuyết phục là phương pháp tốt nhất
Đó là vụ tranh chấp di sản thừa kế mà Chi cục THADS thành phố H thụ lý thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự tại Bản án số 19/DSPT ngày 19/3/2011 của TAND tỉnh P: “Buộc Nguyễn S phải trả cho 5 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất 100m2 đất...”. Trong quá trình tổ chức thi hành, các bên đương sự không tự nguyện thi hành, CHV xác minh điều kiện THA thì được biết ông S đã tự ý xây dựng ngôi nhà cấp 4 trên diện tích 100m2 phải giao cho các bên được THA sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật. Trong thời gian ông S xây dựng, UBND phường nơi đó đã xử phạt hành chính nhưng ông S vẫn tiếp tục xây dựng.
Việc người phải THA tự ý xây dựng nhà cấp 4 trên diện tích phải giao theo án tuyên vẫn bị tháo dỡ để tổ chức thi hành theo điểm a khoản 2 Điều 117 Luật THADS và CHV đã nhiều lần thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành và tự tháo dỡ phần xây dựng trái phép để giao trả cho bên được THA.
Nhưng thực tế, khi CHV tổ chức thi hành thì gặp nhiều khó khăn, vướng mắc vì phải thực hiện nhiệm vụ tháo dỡ một khối tài sản có giá trị lớn để thi hành việc giao đất. Còn nếu kê biên, xử lý thì không phù hợp quy định của pháp luật và bên được THA cũng không đồng ý để kê biên, xử lý tài sản, để tách phần giá trị quyền sử dụng đất giao trả bằng tiền.
Cái khó nữa là chi phí cưỡng chế rất lớn và sự chống đối của đương sự, nhân dân và chính quyền địa phương cũng ít đồng tình. Đứng trước những khó khăn như vậy, CHV phải kiên trì thuyết phục, hòa giải rất nhiều lần, cuối cùng vụ việc không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế THA.
Thực tiễn hoạt động THADS vô cùng phức tạp và trách nhiệm của CHV cũng nặng nề, đứng trước những khó khăn, vướng mắc và áp lực không chỉ bởi các bên đương sự mà còn với dư luận xã hội, với cấp trên và cơ quan kiểm tra, giám sát... để đội ngũ CHV vững tâm hơn với nghề nghiệp của mình, cần có quy định pháp luật bảo vệ họ hơn nữa.