Chật vật phát hành trái phiếu

Là  kênh huy động vốn trung, dài hạn, lãi suất thấp, với nguồn vốn lớn, nhưng hầu như các doanh nghiệp nhỏ không thể “chạm tay” vào việc phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Là  kênh huy động vốn trung, dài hạn, lãi suất thấp, với nguồn vốn lớn, nhưng hầu như các doanh nghiệp nhỏ không thể “chạm tay” vào việc phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Áp lực vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khiến doanh nghiệp chạy đôn chạy đáo huy động vốn, trong đó có phát hành trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ). Nhưng nhiều doanh nghiệp đã ngậm ngùi rút lại kế hoạch.

Hủy, “teo”, … ngập ngừng

Ngày 26/8, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (quậnTân Bình, TP HCM, mã cổ phiếu REE) công bố kết quả chào bán 810.418 TPCĐ  mệnh giá 1 triệu đồng một trái phiếu. REE đã thành công trong đợt phát hành, với tỷ lệ phân phối 53,48% cho nhà đầu tư (NĐT) cá nhân và 46,52% NĐT có tổ chức. Trong đó, tổng giá trị trái phiếu người nước ngoài nắm giữ chiếm gần 38% giá trị trái phiếu đang lưu hành. TPCĐ của REE sở dĩ bán “nhanh”, vì REE là cổ phiếu có tính thanh khoản cao, được NĐT quan tâm trên sàn chứng khoán. “Nếu chỉ nhìn vào lãi suất 8% một năm mà không nhìn vào quyền được chuyển đổi sang cổ phiếu sau 12 tháng, thì REE cũng khó thành công ”, một chuyên gia của HoSE nhìn nhận.

Nhiều doanh nghiệp đang ráo riết huy động vốn. Ảnh: Lê Hưng.
Nhiều doanh nghiệp đang ráo riết huy động vốn. Ảnh: Lê Hưng.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn. Ngân hàng thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) dự định phát hành 1.000 tỷ đồng TPCĐ, mệnh giá 1 triệu đồng, với lãi suất hấp dẫn, 10,5% trong 13 tháng (tỷ lệ chuyển đổi là 1:110,5), chào bán cho các cổ đông hiện hữu. Nhưng rồi đã hủy kế hoạch, sau nhiều lần tạm hoãn. Ông Đỗ Bình (Trưởng phòng Marketing SCB), giải thích, phải hủy kế hoạch, vì phương án có nhiều vấn đề không khả thi...

Không hủy như SCB, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đành “gọt bớt” kế hoạch phát hành TPCĐ. OCB dự kiến phát hành 600 tỷ đồng TPCĐ (tương đương 6 triệu TPCĐ, mệnh giá 100.000 đồng mỗi TPCĐ) thời hạn một năm, để tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ lên 3.100 tỷ đồng cuối năm 2010; nhưng nay phải giảm  xuống còn 100 tỷ đồng.

Cần minh bạch thông tin

Thừa nhận dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong dư nợ trái phiếu cả nước, ông Đỗ Ngọc Quỳnh (Tổng thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam), cho rằng, do NĐT chưa có thông tin đầy đủ về thị trường trái phiếu, doanh nghiệp vẫn thiếu minh bạch trong công bố thông tin. Việc thiếu một đầu mối giao dịch cụ thể cũng khiến NĐT thờ ơ.

 

Ông Nguyễn Hồng Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) không phủ nhận, doanh nghiệp có tiếng dễ dàng thành công trong phát hành trái phiếu. Nhưng ông Nam cũng cho rằng, nếu doanh nghiệp nhỏ biết lượng sức mình, đưa ra các bước đi rõ ràng cho việc tăng doanh thu, lợi nhuận, thì vẫn có thể huy động vốn bằng trái phiếu. 

Về phía NĐT, lãi suất và tính thanh khoản của trái phiếu khiến họ rất cân nhắc. Anh Phan Thanh Dũng, NĐT sàn chứng khoán Bảo Việt, nói: “Nếu mua TPCĐ của một công ty lớn, tôi được cái lợi là được quyền đổi cổ phiếu khi đến hạn, nên không quan tâm đến lãi suất. Nhưng với doanh nghiệp nhỏ, cổ phiếu thiếu tính thanh khoản, lãi suất lại cố định, thì NĐT cá nhân rất ít chọn".

Phương Nhi

Đọc thêm