Hàng năm cứ vào dịp sinh nhật nhà văn Pautốpxki (ngày 31 tháng 5 năm 1892) nhiều nhà văn, nhà thơ, các nhà văn hoá và đông đảo bạn đọc khắp nước Nga và các nước cộng hoà thuộc Liên bang Xô Viết trước đây, đều nô nức đến thành phố nhỏ yên bình Taruxa để thăm nhà bảo tàng và viếng mộ nhà văn mà mình vô cùng ngưỡng mộ.
|
Pautốpxki (1892 – 1968) |
Thành phố nhỏ Taruxa thanh bình của miền trung Nga này là mảnh đất thần tiên đối với tâm hồn Pautốpxki. Tại đây ông đã viết nên những kiệt tác văn chương sống mãi với thời gian như: Bông hồng vàng, Bình minh mưa, Một mình với mùa thu…
Ngày nay người ta đến với Taruxa như đến với một vầng thơ toả ánh hào quang chói lọi, mà hạt nhân của vầng hào quang ấy là tâm hồn bình dị mà giàu năng lượng tình yêu Tổ Quốc của nhà văn Pautốpxki. Nhà bảo tàng toàn làm bằng gỗ gần như đơn sơ, nhưng toát lên một vẻ ấm cúng của nét dân gian Nga đôn hậu nồng nàn. Đến bảo tàng, người ta như được thở cùng nhịp thở của nhà văn, như được sống trong không khí bình lặng, huyền ảo mà say nồng, cứ nhè nhẹ toả lan từ những trang văn tinh khiết như kim cương của ông. Và tâm hồn của mỗi người như được thanh lọc lại bằng ánh sáng trong ngần của ánh vàng thu Nga đượm nét u buồn mà xiết bao quyến rũ như còn phảng phất đâu đây trong mỗi trang văn Pautốpxki. Bao người đã tỏ lòng biết ơn Pautốpxki vô hạn, bởi nhờ có tâm hồn ông và qua các tác phẩm của ông, mà họ có thêm một chất Nga nồng đượm trong lòng mình được ánh lên với một sắc độ mới nồng nàn như lửa. Đến với Taruxa là đến với vầng hạnh phúc Pautốpxki.
|
Ngôi nhà trước khi bị cháy |
Và như vậy ở nơi suối vàng, hẳn nhà văn Pautốpxki cũng sẽ mỉm cười mãn nguyện. Bởi những điều tâm huyết của lòng mình như vẫn còn choàng lên long lanh khắp núi rừng, sông suối của miền Taruxa và cả miền trung Nga yêu dấu, và như thể nhẹ nhàng len vào mỗi tâm hồn Nga hôm nay.
Nhưng than ôi! Năm 2010 này sao mà phũ phàng với hương hồn Pautốpxki đến thế. Hồi xưa còn sống trên cõi đời này ông nổi tiếng là một người hiền lành, một người tốt và đôn hậu vô cùng. Sao người tốt lại hay gặp những điều rủi ro như vậy cơ chứ?
|
Tôi vô cùng bàng hoàng, đau đớn, khi truy cập vào intenet, thấy đăng tin: Vào lúc ba giờ sáng (giờ địa phương) ngôi nhà bảo tàng nhà văn Pautốpxki ở Taruxa đã bị bốc cháy. Theo lời kể của nhà văn Gieledơnhicốp (con rể của nhà văn Pautốpxki), vào lúc ba giờ sáng ngày 19 tháng 5 năm 2010, đột nhiên ông nghe thấy tiếng vù vù rất lạ. Vội nhìn ra cửa, ông thấy ngọn lửa bốc cháy từ phía bờ rào lan nhanh đến ngôi nhà ông đang ở. Không kịp trở tay, lửa lan nhanh và cháy dữ dội. Chỉ khoảng ba mươi phút sau đó mà lửa đã cháy hết phần ngôi nhà cổ và chớm đến phần ngôi nhà mới làm sau này. Cũng may ngọn lửa mau chóng được dập tắt, và căn phòng làm việc cũ của nhà văn Pautốpxki vẫn còn giữ được.
|
Hậu quả của hỏa hoạn |
Theo lời con rể của nhà văn, để khôi phục lại phần ngôi nhà bị cháy, cần phải có kinh phí hai triệu rúp. Gieledơnhicốp không biết lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để làm lại nhà, bởi vì năm nay ông cũng đã bước vào tuổi tám mươi tư rồi.
Công an thành phố Taruxa kết luận rằng: Lửa tự bốc cháy. Nhưng người con rể của nhà văn Pautốpxki lại nói: Làm gì có chuyện lửa tự bốc cháy vào lúc ba giờ sáng cơ chứ?
|
|
Vậy là năm nay bạn đọc ngưỡng mộ Pautốpxki đến Taruxa thăm viếng ông, sẽ không còn thấy vẻ nguyên vẹn như xưa của ngôi nhà bảo tàng thân thương ấy nữa. Song tôi nghĩ chắc chắn một điều rằng: Hình ảnh ngôi nhà và những phẩm chất tâm hồn cao quý của nhà văn Pautốpxki vẫn luôn sáng ngời trong tâm hồn của của mỗi bạn đọc yêu quý hôm nay và mai sau. Nhiều người nói rằng: Pautốpxki là nhà thơ bị đóng đinh trên cây thánh giá của văn xuôi. Nhưng tôi lại nghĩ: Ông là nhà thơ bị đóng đinh trên cây thánh giá của tâm hồn Nga. Và tôi cũng lại mạo muội nghĩ thế này được chăng: Ông là nhà thơ bị đóng đinh trên cây thánh giá của mỗi tâm hồn bạn đọc chúng ta…
Theo Mekongnet.ru