“Đặt hàng ảo” - sự nhẫn tâm của thời công nghệ

(PLVN) - Đặt món ăn qua các ứng dụng công nghệ, đến khi người giao hàng mang đến thì khóa máy, im lặng... là chuyện thường thấy trong thời gian qua. Đó là một hành vi vô ý thức, khiến những người lao động đã vất vả càng trở nên lao đao hơn.
Nghề ship hàng khá nhiều rủi ro. Ảnh minh họa
Nghề ship hàng khá nhiều rủi ro. Ảnh minh họa

Hình ảnh một anh xe ôm công nghệ ngồi bên lề đường giữa trưa nắng gắt ăn bát bún do khách hàng đặt rồi không nhận hàng, không trả tiền đã khiến nhiều người cảm thương. Nhưng đó không phải là một hình ảnh cá biệt. Gần đây, liên tục có hiện tượng “bùm hàng” từ phía các khách hàng đặt thức ăn qua ứng dụng.

Trước đó, một người xe ôm công nghệ lớn tuổi đã suýt khóc giữa đường vì khách hàng đặt chục ly trà sữa trị giá vài trăm ngàn đồng, sau đó khóa máy trốn mất, khiến bác này phải ôm luôn mớ trà sữa đứng ngơ ngác giữa đường chẳng biết tính sao.

Hiện nay, dịch vụ đặt thức ăn qua ứng dụng xe ôm công nghệ đã trở nên rất phổ biến, được các hãng xe công nghệ triển khai mạnh mẽ. Hình thức lựa chọn thức ăn qua ứng dụng, được giao tận nơi với nhiều ưu đãi, giảm giá... đã đem nhiều tiện ích cho người dùng.

Tiện nhất là người dùng chỉ cần vài thao tác chọn lựa rồi nhấn nút và chờ đợi, xe ôm công nghệ sẽ đến điểm bán, đặt mua, trả tiền rồi giao đến tận nơi, khách hàng chỉ việc nhận hàng và thanh toán lại cho người giao. Tuy nhiên, tiện lợi và sự ưu ái cho người dùng này đôi khi cũng đem đến nguy cơ cho người giao hàng.

Nhiều khách hàng không biết do ác tâm, đùa giỡn hay đơn giản là đổi ý, mà sau khi đặt hàng thì không chịu nhận hàng và trả tiền, để mặc người giao hàng khổ sở với thức ăn đã thanh toán cho cửa hàng, không thể hoàn trả lại. Càng đáng buồn hơn khi đơn hàng ấy có giá  trị lớn, bằng cả vài ba ngày công lao động của họ.

Như một bác tài từng đưa câu chuyện của mình lên mạng: Nhận được đơn hàng mua sushi tại một cửa hàng Nhật giữa trưa nắng gắt, tài xế này chạy xe đến mua đơn hàng giá hơn 1 triệu đồng. Sau khi nhận hàng, chạy đến địa điểm giao hàng thì... không liên lạc được với khách hàng.

Suốt cả tiếng đồng hồ bác tài này cố gắng liên lạc với người đặt hàng nhưng không được. Sau đó bác tài đành ngậm ngùi “cày” gấp đôi ba lần để bù cho số tiền đã mất, với món ăn cũng không biết phải sử dụng thế nào.

Nguyễn Anh Tài, sinh viên Đại học Quốc gia TP HCM, làm thêm bằng nghề xe ôm công nghệ chia sẻ, chuyện bị “bỏ bom” món ăn là thường trong giới xe ôm công nghệ. Bản thân Tài từng bị khách hàng quỵt 2 đơn hàng là trà sữa và phần cơm gà hơn 100 ngàn.

Tài cũng kể, từng chứng kiến các đồng nghiệp của mình bị “bùm” hàng, trong đó có một chị xe ôm ngồi khóc giữa đường sau khi bị khách hàng từ chối không nhận đơn hàng pizza hơn 300 ngàn, vì gia cảnh chị rất khó khăn.

Không biết thực tế lý do của việc “bỏ bom” món ăn là gì, nhưng đó là hành vi hết sức nhẫn tâm đối với nhưng người xe ôm công nghệ vất vả mưu sinh. Và cũng hy vọng rằng các hãng xe công nghệ sẽ có những quy định chặt chẽ hơn khiến khách hàng có trách nhiệm với đơn hàng của mình, đừng vì sự ưu ái, tiện dụng nhằm thu hút khách hàng mà khiến đặt gánh nặng lên vai người lao động. 

Đọc thêm